Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 30 °C / 25 - 29 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

An ninh
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Ra quân rầm rộ, tái phạm tràn lan

Cập nhật: 14:40 ngày 28/08/2014
(BGĐT) - Nhiều năm nay, công tác xử lý vi phạm hành lang an toàn giao thông (HLATGT) được Sở Giao thông -Vận tải Bắc Giang và các huyện, TP tập trung thực hiện. Thật trớ trêu, tình trạng tái lấn chiếm vẫn diễn ra phổ biến.
{keywords}

Lực lượng chức năng huyện Lạng Giang ra quân giải tỏa hành lang an toàn giao thông tại xã Tiên Lục.

Khó giải tỏa công trình vi phạm

Thực hiện kế hoạch giải tỏa HLATGT đường bộ năm 2014 của Sở Giao thông - Vận tải, UBND huyện Lạng Giang thành lập tổ công tác hướng dẫn, hỗ trợ UBND các xã, thị trấn tháo dỡ công trình vi phạm trên địa bàn. 

Qua kiểm đếm cho thấy, toàn huyện có 429 hộ xây dựng công trình vi phạm HLATGT, tổ công tác đã tham mưu cho UBND huyện chỉ đạo các xã, thị trấn tăng cường công tác tuyên truyền, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, đưa vào nội dung giao ban hằng tuần để bàn cách tháo gỡ khó khăn. Các xã, thị trấn thành lập tổ công tác với thành phần gồm cán bộ hội cựu chiến binh, phụ nữ, nông dân... để vận động hội viên tự giác tháo dỡ công trình vi phạm. 

Huyện thống nhất phương án, giao phần việc cụ thể để các xã, thị trấn đồng loạt ra quân, tạo sự đồng thuận, trách nhiệm trong nhân dân. Đến hết tháng 7, toàn huyện đã tháo dỡ hơn 3,3 nghìn m2 mái che, mái vẩy (đạt 85% khối lượng), chặt tỉa 4,4 nghìn cây xanh (đạt 88,9%), tháo dỡ 527m tường rào, 569 biển quảng cáo...

Tương tự, UBND huyện Việt Yên thành lập tổ công tác liên ngành đôn đốc, giúp đỡ UBND các xã, thị trấn ra quân xử lý vi phạm HLATGT. Từ đầu năm đến nay, toàn huyện lập biên bản 442 trường hợp vi phạm, trong đó đã giải tỏa được 167 mái che, mái vẩy, biển quảng cáo lấn chiếm HLATGT. 

Kết thúc đợt I ra quân giải tỏa HLATGT, toàn tỉnh tháo dỡ hơn 20 nghìn m2 mái che, mái vẩy (đạt 29%); chặt, tỉa hơn 71 nghìn cây xanh (80%); hơn 2.000 biển quảng cáo (72%)... Riêng đối với công trình vi phạm kết quả giải toả rất thấp, toàn tỉnh chỉ dỡ bỏ được 479m2 nhà cấp 4 (đạt 1%); 142,7m2 ki ốt (đạt 1%).

Mặc dù ra quân đồng loạt, rầm rộ nhưng sau giải tỏa, tình trạng tái lấn chiếm HLATGT diễn ra phổ biến, nhất là ở khu vực trung tâm. Tại thị trấn Đồi Ngô (Lục Nam); thị trấn Bích Động, các xã Hồng Thái, Hoàng Ninh (Việt Yên); thị trấn Neo (Yên Dũng) vẫn có nhiều lều quán, biển quảng cáo đua nhau lấn chiếm hai bên đường. 

Ngã tư Đình Trám nơi giao cắt giữa quốc lộ 37 với đường tỉnh 295B dù ngay gần trụ sở Đội quản lý trật tự, giao thông và xây dựng huyện Việt Yên nhưng luôn có hàng chục lều quán lấn chiếm vỉa hè, lòng đường mà không được các cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý.

Lý giải thực trạng này, ông Ngô Văn Trình, Phó Trưởng phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Việt Yên cho biết, trước đây công tác quản lý HLATGT chưa được các cấp, ngành quan tâm, người dân đã xây dựng công trình, sử dụng đất lâu dài, ổn định trước khi có quy định về đất hành lang. 

Bên cạnh đó, theo quy định, HLATGT là phần đất từ đường bộ trở ra hai bên 47m đối với đường cao tốc; 17m đối với đường cấp I, cấp II; 13m đối với đường cấp III; 9m đối với đường từ cấp IV… Sau mỗi lần nâng cấp, mở rộng do thiếu kinh phí nên hầu hết diện tích hành lang hai bên tuyến đường mà các hộ dân đã sử dụng từ trước đó chưa được đền bù, giải tỏa. Bên cạnh đó, UBND các xã, thị trấn và lực lượng chức năng chưa làm tốt công tác quản lý sau giải tỏa khiến các hộ dễ dàng tái lấn chiếm.

Giao trách nhiệm cho chính quyền cơ sở

Năm nay, UBND tỉnh phân bổ gần 3 tỷ đồng hỗ trợ các huyện, TP ra quân giải tỏa HLATGT trên các quốc lộ, đường tỉnh. Ngoài ra, các huyện đều bố trí hàng trăm triệu đồng hỗ trợ UBND các xã, thị trấn ra quân giải tỏa hành lang các tuyến đường huyện, đường xã. 

Mỗi ngày ra quân, các xã, thị trấn lại phải chi phí từ 4 đến 5 triệu đồng thuê máy múc, cưa xăng, duy trì lực lượng… Nhiều ý kiến cho rằng, ra quân rầm rộ, chi phí tốn kém nhưng hiệu quả chưa cao. Khi vắng bóng lực lượng chức năng, các hàng quán, biển quảng cáo lại đua nhau “mọc” lên.

Ông Hoàng Văn Nguyên, Phó Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải cho biết,  Sở đang xây dựng quy chế phối hợp trong công tác quản lý HLATGT theo hướng chính quyền cơ sở phải có trách nhiệm thường xuyên kiểm tra, kịp thời phát hiện, xử lý các trường hợp lấn chiếm, sử dụng trái phép HLATGT; kiên quyết không để xảy ra các trường hợp tái lấn chiếm sau giải tỏa... 

Vấn đề giải tỏa công trình được cấp sổ đỏ trên hành lang cũng đã được tính đến nhưng kinh phí giải phóng mặt bằng quá lớn nên chưa thực hiện được. Để bảo đảm an toàn giao thông, UBND các huyện, TP cần đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các hộ tự nguyện tháo dỡ công trình vi phạm, trường hợp ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn giao thông cần lập phương án di dời, bảo đảm giao thông thông suốt, thuận lợi.

 Theo kế hoạch của Sở Giao thông - Vận tải, từ ngày 31-8 đến 30-9, UBND các huyện, TP đồng loạt ra quân giải tỏa HLATGT đợt II trong năm, báo cáo kết quả về Sở trước ngày 15-10. Hiện trường sau giải tỏa sẽ được bàn giao cho UBND xã, phường, thị trấn quản lý, bảo vệ, không để xảy ra tình trạng tái lấn chiếm, gây mất an toàn giao thông.  


Hồng Dương    



Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...