Thứ ba, 23/04/2024
Bắc giang 29 °C / 24 - 29 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

An ninh
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Hám lợi - chuốc họa

Cập nhật: 16:12 ngày 22/09/2014
(BGĐT) - Vì hám lợi, một số người cho vay tiền với lãi suất “cắt cổ” dẫn tới bị lừa đảo, chiếm đoạt tài sản và nhiều hệ lụy khác. 
{keywords}
Băng nhóm đòi nợ thuê do Hoàng Hữu Thảo cầm đầu hầu tòa.  Ảnh tư liệu

Nghe tin bà Phạm Thị L ở phường Trần Nguyên Hãn (TP Bắc Giang) phá sản, nhiều người dân tá hỏa tìm đến đòi nợ mới vỡ lẽ bà chủ doanh nghiệp tư nhân ấy đang vay  hàng chục tỷ đồng. Đứng trước nguy cơ mất tiền, một nhóm người nửa đêm đến khóa cửa ngoài nhà bà L gây áp lực trả nợ. Nắm bắt thông tin, lực lượng chức năng đã đến ổn định trật tự. 

“Thấy bà L lập công ty riêng, công việc ổn định, kinh tế khá giả, lần đầu vay trả lãi suất cao, sòng phẳng nên tôi tin tưởng, cho vay tổng cộng gần ba tỷ đồng. Nào ngờ đó chỉ là vỏ bọc. Biết đến bao giờ tôi mới lấy lại được số tiền này!”. Chị H, một nạn nhân của vụ vỡ nợ thảng thốt. 

Do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, hàng loạt cá nhân, doanh nghiệp không có tài sản thế chấp vay vốn ngân hàng nên đã tìm đến thị trường “tín dụng đen”. Người cho vay không hiểu động cơ, mục đích của bên vay, sẵn sàng “giải ngân” vì ham lãi suất cao. Điều kiện cho vay sơ sài, không có tài sản bảo đảm. 

Thậm chí nhiều trường hợp chỉ thỏa thuận miệng hoặc có giấy vay tiền nhưng không ghi thời hạn thanh toán. Lãi suất cho vay tại ngân hàng hiện ở mức 10-12%/năm nhưng lãi suất cho vay nặng lãi lên tới 70 đến 80%/năm. Nhiều vụ vỡ nợ “tín dụng đen” đã xảy ra trên địa bàn tỉnh và cả nước, dù được cảnh báo nhưng không ít người vẫn lao vào thị trường này. Đây cũng là một trong những nguyên nhân gia tăng tội phạm lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Thống kê của Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (PC45-Công an tỉnh), từ năm 2012 đến nay, Phòng đã tiếp nhận hơn 100 đơn thư, tin báo tố giác tội phạm liên quan đến “tín dụng đen”. Đơn vị đã khởi tố 52 vụ, 191 bị can. Ngoài ra còn nhiều vụ án do công an các huyện, TP thụ lý. 

Thượng tá Thân Văn Duy, Trưởng Phòng PC45 nói: “Trong nhiều vụ vỡ nợ “tín dụng đen”, một số người vì xót của đã thuê đối tượng côn đồ, nghiện ma túy đến khủng bố tinh thần, cố ý gây thương tích, hủy hoại tài sản, cướp tài sản của bên vay. Có người đang là nạn nhân đã trở thành bị can, bị cáo trong các vụ án hình sự do thuê côn đồ đòi nợ”. 

Gần đây, Phòng PC45 đã bắt giữ, khởi tố một số đối tượng cướp tài sản qua hình thức đòi nợ thuê ở Việt Yên. Bà Nguyễn Thị Sinh (SN 1963), thôn Hoàng Liên, xã Hoàng An (Hiệp Hòa) thuê người “siết” nợ bị khởi tố về hành vi đồng phạm cướp tài sản. Trường hợp của Vy Thị Phòng (SN 1962), ở khu 5, thị trấn An Châu (Sơn Động) cũng là lời cảnh báo. 

Phòng cho một cặp vợ chồng ở thôn Thượng, xã An Châu cùng huyện vay hơn 1,3 tỷ đồng với lãi suất cao. Do nhiều lần đòi nợ không được, Phòng thuê nhóm đối tượng do Hoàng Hữu Thảo (SN 1966), ở phường Ngô Quyền (TP Bắc Giang) cầm đầu, mang hung khí đến đe dọa, đánh đập, ép cặp vợ chồng trên ký giấy bán nhà trả nợ. Năm 2013, hơn 20 tên trong nhóm của Thảo bị TAND tỉnh tuyên phạt từ ba đến 20 năm tù. Chủ nợ Vy Thị Phòng lĩnh án 12 năm tù.

Cho vay nặng lãi, người dân có thể thu lợi cao trước mắt song đây là hành vi vi phạm pháp luật, bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm. Rủi ro trên thị trường “tín dụng đen” rất lớn, nguy cơ cao bị lừa đảo, thiệt hại tài sản. Bởi vậy, người dân không nên thực hiện hành vi này để rồi chuốc họa, vừa mất tiền, vừa mang tội.

Thùy Dương  




Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...