Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 29 °C / 25 - 28 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

An ninh
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Thực hư thầy lang bốc thuốc chữa hiếm muộn

Cập nhật: 17:07 ngày 19/12/2014
(BGĐT) - Sau khi có bài viết “Anh nông dân ở xã Thanh Lâm, huyện Lục Nam (Bắc Giang) và bài thuốc gia truyền chữa vô sinh, hiếm muộn” đăng trên một trang mạng cách đây 4-5 tháng, nhiều cặp vợ chồng ở trong, ngoài tỉnh tìm đến người có bài thuốc này. Để tìm hiểu thực hư, chúng tôi đã về xã Thanh Lâm "thực mục sở thị" thông tin về người có bài thuốc gia truyền trên.  

{keywords}

Ông Khai phơi thuốc nam tại sân nhà để bán cho những cặp vợ chồng hiếm muộn.

Phút chốc trở thành thầy lang

Ngày 11-12, chúng tôi về thôn Thượng Lâm, xã Thanh Lâm (Lục Nam) - nơi cư trú của ông Hoàng Văn Khai (SN 1971), chủ nhân của bài thuốc gia truyền. Tưởng chúng tôi là cặp vợ chồng hiếm muộn, một người dân bảo: “Anh chị hỏi nhà ông Khai chữa bệnh vô sinh nổi như cồn ấy à, sao không đến nhà ông Phiêu?" (anh ruột ông Khai - PV)”. 

Hỏi thêm một số người dân, chúng tôi đều nhận được thông tin tương tự. Ông Khai làm nghề nông, hết mùa vụ còn tranh thủ đi làm thợ xây. Bỗng nhiên 4-5 tháng trở lại đây có rất đông người tìm đến nhà ông nhờ bốc thuốc chữa bệnh hiếm muộn. Một người dân cho hay: “Lúc cao điểm, có đến hàng chục ô tô, xe máy của khách đến nhà ông Khai. Gần đây, lượng khách vắng hơn”. 

Một phụ nữ trung tuổi nhận là họ hàng với ông Khai, nói: “Bố ông Khai là người nước ngoài, trước khi về nước đã truyền nghề bốc thuốc chữa vô sinh cho ông Phiêu. Lâu nay, nhiều người hiếm muộn ở thôn đã đến nhà ông Phiêu bốc thuốc. Còn ông Khai mấy tháng nay nổi tiếng là do bài viết của đứa cháu đưa lên mạng thôi”. Đề cập chuyện ông Khai đã chữa cho hàng trăm cặp vợ chồng như bài viết, có người dân nghi vấn đây có thể là một cách quảng cáo vì cuối bài còn có số điện thoại của ông Khai.

Theo thông tin đăng trên trang mạng, chúng tôi gặp vợ chồng anh chị Tuân - Huế ở thôn Thượng Lâm, hiếm muộn nhiều năm, nhờ uống thuốc của ông Khai đã sinh được hai con trai. Tuy nhiên, hai anh chị cho biết sự việc không đúng như vậy: “Khoảng năm 1995, 1996, vợ chồng tôi có đến nhờ ông Phiêu, ông Khai bốc thuốc nhưng uống xong không có kết quả. Sau đó chúng tôi không uống thuốc đó nữa mà đến nhiều nơi cắt thuốc, thậm chí ra cả bệnh viện ở Hà Nội. Mãi đến năm 2000, vợ chồng tôi mới sinh con đầu”- Anh Tuân cho biết.

Trao đổi với ông Trương Văn Lưu, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Lâm, được biết gia đình ông Khai có nhiều người đến cắt thuốc từ vài tháng nay. Biết ông Khai không có chứng chỉ hành nghề, bằng cấp liên quan đến việc khám chữa bệnh, lãnh đạo UBND và Trạm Y tế xã đã đến kiểm tra, mời ra trụ sở UBND xã làm việc, yêu cầu dừng khám, chữa bệnh nhưng gia đình ông không chấp hành. Xã cũng đã báo cơ quan chuyên môn huyện nhưng chưa thấy thông tin gì(?!)

Thực hư bài thuốc gia truyền?

Để tìm hiểu rõ sự việc, chúng tôi đến nhà anh ruột ông Khai là ông Hoàng Văn Phiêu (SN 1960). Tưởng chúng tôi đến chữa bệnh, ông Phiêu nói luôn: “Anh chị có nhu cầu thì tôi bốc thuốc giúp nhưng không dám chắc có chữa được không. Không phải ai uống thuốc cũng được như ý”. Theo ông Phiêu, bố ông về nước từ năm 1979, từ đó không quay lại. Lúc ấy ông 19 tuổi, ông Khai 8 tuổi. Năm 16 tuổi, ông được bố hướng dẫn và chỉ cho các loại cây thuốc chữa bệnh hiếm muộn. 

Cây thuốc chủ yếu có ở vườn nhà, chỉ một số loại sống trên núi. Bài thuốc cha truyền, ông chỉ dùng giúp một số người cùng thôn có nhu cầu. Bài thuốc cũng chưa được cơ quan chuyên môn xác nhận. Ông Phiêu cho biết, cả hai anh em ông không biết bắt mạch mà chỉ nghe người có nhu cầu kể triệu chứng, tình trạng bệnh để bốc thuốc. Người em cũng rủ làm chung nhưng ông từ chối. 

{keywords}

Trang sổ ghi tên các cặp vợ chồng hiếm muộn đến nhà ông Khai cắt thuốc. 

Làm việc với phóng phiên, ông Khai thừa nhận chưa chữa được cho ai ở thôn vì “ở đây không có trường hợp nào hiếm muộn” song khẳng định đã chữa được cho nhiều người có con. Để minh chứng, ông giở các cuốn sổ ghi chi chít tên người (chủ yếu là người tỉnh ngoài) đã uống thuốc của ông và có con. 

Theo số điện thoại ông Khai cho, tôi gọi điện cho một thanh niên tên là Hậu ở phố Bà Ba, thị trấn Bố Hạ (Yên Thế) - một trong số ít bệnh nhân ở Bắc Giang. Anh Hậu cho biết mới cưới vợ được hơn một năm, thấy chậm muộn thì xuống cắt thuốc của ông Khai (vốn là chỗ quen biết). Sau khi uống thuốc vài tháng, vợ anh mang bầu. Nhưng anh Hậu cho biết chưa đi khám ở đâu nên chưa có căn cứ khẳng định mình vô sinh. Vì thế khó có thể nói vợ anh mang thai là hiệu quả từ những thang thuốc trên. 

Nói về việc hành nghề của mình, ông Khai khẳng định không bốc thuốc để kiếm tiền mà chỉ giúp người khác. Tuy vậy, giá mỗi thang thuốc là 100 nghìn đồng và còn “tùy người mà có thể lấy ít hoặc nhiều hơn”. Tìm hiểu được biết, từ hôm đông khách, cả nhà ông Khai tập trung vào việc làm thuốc, bốc thuốc chữa bệnh. Nhà làm không xuể, ông còn thuê người đi lấy cây thuốc, sao khô rồi đóng bao để đống ở trong nhà. 

Đáng chú ý, toàn bộ việc bốc thuốc của ông Khai không dựa trên cơ sở khoa học. Chị Đàm Thị H, ở TP Bắc Giang hiếm muộn đã bốc thuốc ở nhà ông Khai cho biết:  “Qua thông tin trên mạng, tôi tìm đến nhà thầy Khai. Sau khi nghe tôi kể bệnh, thầy lấy thuốc cho tôi mà không hề bắt mạch hay khám xét gì”. Sau mấy tháng uống thuốc không thấy biến chuyển, chị H không đến cậy nhờ "thầy" Khai nữa. Như chị H, nhiều người ở các tỉnh xa biết và tìm về nhà ông Khai đều từ thông tin trên mạng và được ông Khai bốc thuốc "mò" như vậy. 

Bài thuốc gia truyền của ông Khai hiệu quả đến đâu phải có sự kiểm chứng cụ thể của cơ quan chuyên môn. Tuy nhiên việc không có bằng cấp, chứng chỉ hành nghề chuyên môn khám, chữa bệnh mà tự ý bốc thuốc bán là vi phạm quy định hành nghề y dược tư nhân, tiềm ẩn nguy hiểm cho người sử dụng và tạo dư luận không tốt tại địa phương. Đề nghị cơ quan chuyên môn huyện Lục Nam sớm kiểm tra rồi có khuyến cáo cho người dân, trường hợp có dấu hiệu lợi dụng trục lợi cần xử lý nghiêm theo quy định.

Tuấn Dương - Đinh Trình

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...