Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 26 °C / 25 - 33 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

An ninh
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Bản hùng ca và “cuộc rút lui thần kỳ” của Trung đoàn Thủ đô

Cập nhật: 07:00 ngày 18/12/2016
(BGĐT) - 70 năm trước (đêm 17-2-1947), Trung đoàn Thủ đô sau khi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giam chân địch tại Hà Nội để Trung ương Đảng và Bác Hồ lên Việt Bắc an toàn đã được lệnh rút quân bảo toàn lực lượng. Chiến công và con đường huyền thoại ngày đó của những người con Hà Nội “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” chính là mạch nguồn chiến thắng để 7 năm sau, ngày 10-10-1954 họ lại trở về Thủ đô trong khúc ca khải hoàn.

{keywords}

Các chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô rút khỏi Hà Nội về căn cứ kháng chiến, tháng 2-1947. Ảnh tư liệu.

Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh

20 giờ 03 phút tối 19-12-1946, hiệu lệnh chiến đấu mở đầu Toàn quốc kháng chiến phát đi trên Đài Tiếng nói Việt Nam, quân dân Hà Nội đồng loạt nổ súng vào các điểm đóng quân của giặc Pháp. Cuộc chiến đấu không cân sức diễn ra ở khắp các khu phố. Nhiều trận đánh lớn diễn ra ác liệt, như trận Bắc Bộ phủ của Tiểu đoàn 101 Vệ quốc đoàn; trận Hàng Đậu, Trường Ke, nhà Hoa Nam, Đồng Xuân của Tiểu đoàn 101 Đồng Xuân; trận Hàng Thiếc của Tiểu đoàn 102, trận nhà Xôva của Tiểu đoàn 103. Tại nhiều đường phố, quân ta và Pháp giành giật nhau từng bờ tường, góc phố, đóng xen kẽ chỉ cách nhau vài ngôi nhà...

Ngay sau tiếng súng đầu tiên tấn công quân Pháp, từ ngày 20 đến 24-12-1946, địch phản công đánh chiếm các cơ quan đầu não của Chính phủ và các vị trí quan trọng, giải tỏa các đường giao thông ở Liên khu I nối từ Thành cổ đến khu vực Đồn Thủy sang Gia Lâm, cắt Liên khu I thành 3 khu vực phía Bắc và phía Nam, chiếm Ô Yên Phụ, khống chế cửa ngõ phía Bắc với bên ngoài. Quân ta phục kích các mũi tiến công của địch, tấn công tiêu hao và tiêu diệt địch. 

Từ ngày 24 đến 30-12, quân ta tập kích một số vị trí của địch, trụ lại ở ba khu phố Đồng Xuân- Đông Thành - Đông Kinh Nghĩa Thục và một phần khu Hoàn Kiếm. Trong 10 ngày đầu, địch tập trung lực lượng tấn công khu vực Bắc Bộ Phủ. Tại đây, chúng tập trung lực lượng cả quân số lẫn vũ khí, phương tiện cơ giới kết hợp hỏa lực pháo binh, không quân. Sau 10 ngày chiến đấu, ranh giới giữa ta và địch như sau: Phía Nam từ ngã tư Hàng Bông- Hàng Da- Quán Sứ trở về dọc phố Hàng Gai- Đinh Tiên Hoàng- Hàng Dầu đến phố Hàng Thùng, địch chiếm bên dãy số lẻ gồm hiệu sách Tân Dân- nhà Asia, hiệu thuốc Noóc Man, hiệu buôn Chí Lợi, hiệu thuốc Mai Lĩnh, Sở Thủy lâm, Nhà Giao thông Công chính. 

Phía Bắc là phố Hàng Đậu, địch đóng quân ở đầu phố Phan Đình Phùng đến ga đầu cầu Long Biên. Phía Tây, từ Hàng Da qua Hàng Điếu, Hàng Gà lên Hàng Cót, địch đóng ở Nhà thờ Tin lành dọc phố Phùng Hưng đến đầu phố Phan Đình Phùng. Phía Đông là đường đê sông Hồng, hai đoạn phố Trần Nhật Duật, Trần Quang Khải, địch đóng chốt ga đầu cầu Long Biên và Nhà Giao thông Công chính. Ngoài đê, địch đóng ở bên đê sông Hồng, bến Phà Đen và từ cầu Long Biên, địch kiểm soát các khu Hồng Hà, Long Biên.

Để thống nhất lãnh đạo và chỉ huy các lực lượng vũ trang, ngày 6-1-1947, Trung đoàn Liên khu I được thành lập và là Trung đoàn đầu tiên được thành lập ở Thủ đô trong lửa đạn của cuộc kháng chiến. Hội nghị Quân sự toàn quốc họp ngày 12-1-1947 quyết định tặng Trung đoàn đóng giữ Liên khu I danh hiệu Trung đoàn Thủ đô. Sau nhiều ngày chiến đấu anh dũng, Trung đoàn Thủ đô cùng với lực lượng vũ trang Liên khu II, III liên tiếp đánh bật địch ra khỏi chiến hào, gây cho chúng nhiều tổn thất. 

Tuy nhiên, quân Pháp không ngừng được tăng cường quân số, vũ khí, đạn dược và trang thiết bị hiện đại có sức công phá lớn và liên tiếp mở các cuộc tấn công về hai cánh phòng ngự của Liên khu II, III, dồn ép lực lượng quân ta tới cửa ô ngoại thành, thu hẹp dần địa bàn đóng quân của Liên khu I. Cuộc chiến đấu không cân sức diễn ra ngày càng ác liệt. Máy bay, xe tăng, xe bọc thép của Pháp tấn công dữ dội vào khu vực chợ Đồng Xuân, phố Hàng Nón, Hàng Thiếc, Hàng Bút, Hàng Mã, Hàng Chiếu, Ô Quan Chưởng.

Trận địa Liên khu I với những đường phố ngõ ngách chật hẹp, tuy bị địch bao vây tứ phía nhưng các chiến sĩ ta không bị cô lập, hàng ngày những trận đạn pháo từ trận địa Láng- Xuân Canh- Xuân Tảo liên tục nã vào các vị trí của địch. Tiếng súng tập kích của quân ta ở Liên khu II, III vẫn nổ, giao thông liên lạc từ ngoại thành vào vẫn thông suốt, liên lạc bằng vô tuyến điện vẫn duy trì ổn định, liên tục. 

Quân ta dùng nhiều cách đánh khác nhau. Các chiến sĩ tự vệ có sáng kiến thành lập nhóm “bắn tỉa săn Tây”, tận dụng đạn moóc-chi-ê của địch bắn không nổ, khoan thân đạn để đặt kíp nổ, dây cháy chậm, dùng đốt tấn công các điểm chốt giữ của địch. Các chiến sĩ ta còn dùng pháo ném, pháo đùng thay tiếng nổ lựu đạn hoặc cho các bánh pháo vào thùng sắt tây đốt giả tiếng súng liên thanh. Mỗi lần như thế địch bắn trọng liên như đổ đạn nhưng không gây thương vong cho quân ta. Qua các trận đánh nhỏ, chiến sĩ được thử thách thêm, gan dạ và đoàn kết gắn bó hơn trong chiến đấu. Cứ như vậy, lực lượng ta được bảo toàn, một bộ phận sinh lực địch đã bị ghìm chân.

Cuộc rút lui thần kỳ

Đêm 17-2-1947, lực lượng ta ở vòng ngoài mở cuộc tấn công mạnh vào Ô Cầu Dền, Ô Cầu Giấy, Ô Chợ Dừa, tung nhiều phân đội vào nội thành tập kích nhằm đánh lạc hướng chú ý của thực dân Pháp. Giữa lúc ấy, các chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô cùng phụ nữ, trẻ em, thương binh chia nhiều nhóm nhỏ bí mật luồn qua gầm cầu Long Biên nhanh chóng vượt sông Hồng, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giam chân địch trong suốt 60 ngày đêm.

Từ sau Tết Nguyên đán, cuộc chiến đấu ở Liên khu I đi vào giai đoạn gay go, quyết liệt nhất. Quân Pháp được tiếp thêm lực lượng, vũ khí đạn dược, phương tiện chiến tranh từ Hải Phòng lên với ý đồ đánh bật các đơn vị của ta ra khỏi các cửa ô và mở nhiều trận tiến công nhằm chiếm thêm các khu vực, khép thêm vòng vây xung quanh liên khu I nhằm chia nhỏ và tiêu diệt toàn bộ Trung đoàn Thủ đô. 

Thực tế, ngày 6-2-1947, chúng tiến quân đánh vào các vị trí của ta phía Đông Nam Liên khu I như: Nhà Sôva (trường Nguyễn Huệ) và ngày 7-2, địch tập trung đánh vào Trường Ke (Trường Trần Nhật Duật) - một vị trí chốt giữ, bảo vệ cửa ngõ liên lạc tiếp tế giữa Liên khu I với bên ngoài. Cuộc chiến đấu diễn ra ác liệt nhưng ta vẫn giữ được. Bị thất bại ở hướng Đông Nam khu Đông Kinh Nghĩa Thục, quân Pháp quay sang tấn công vào hướng Tây Nam khu Đông Thành. Trong những ngày ta và địch giành giật nhau tại nhà Sôva và Trường Ke, máy bay, đại bác địch dội bom đạn vào khu vực Tây Nam khu Đông Thành tàn phá phố Hàng Thiếc, Hàng Mành, Hàng Hòm, Hàng Đào, Hàng Quạt kết hợp dội xăng đốt cháy các dãy phố.

Vấp phải sự đánh trả quyết liệt của quân ta, địch chuyển hướng tiến công và lần này chúng chuẩn bị đầy đủ hơn đánh vào khu hiểm yếu là Đồng Xuân với ý đồ sau khi chiếm được khu chợ Đồng Xuân có thể chọc thẳng vào Trung tâm Liên khu I từ phố Hàng Ngang- Hàng Đào ra bờ hồ Hoàn Kiếm, cắt đôi Liên khu I. Tại những vị trí đối diện với ta, chúng lui quân về phía sau. Trong ba ngày 11, 12, 13-2-1947, địch tập trung hỏa lực dội pháo tàn phá các phố Hàng Cót, Hàng Lược, Hàng Giấy, Hàng Khoai, Hàng Đường, Hàng Chiếu. 

Máy bay địch còn ném bom vào các phố Ngõ Gạch, Hàng Bạc, Mã Mây, Hàng Mắm vì nghi là Sở chỉ huy của Trung đoàn Thủ đô. Mờ sáng 14-2-1947, địch tập trung hỏa lực đánh phá khu vực chợ Đồng Xuân và vùng lân cận, kết hợp ném truyền đơn kêu gọi ta đầu hàng. Quân Pháp có 1 tiểu đoàn lính lê dương mũ đỏ gồm 400 tên cùng 5 xe tăng yểm trợ từ nhiều hướng tấn công vào khu chợ Đồng Xuân. Cuộc chiến diễn ra vô cùng ác liệt, kéo dài liên tục 6 giờ. Đến tối, địch chiếm được dãy số chẵn phố Hàng Chiếu và Hàng Mã, ta tiêu diệt gần 200 tên.

Trước tình hình đó, Trung ương Đảng và Bộ Tổng chỉ huy lệnh cho Trung đoàn Thủ đô rút quân khỏi Hà Nội để bảo toàn lực lượng. Đêm 17-2-1947, lực lượng của ta ở vòng ngoài mở cuộc tấn công mạnh vào Ô Cầu Dền, Ô Cầu Giấy, Ô Chợ Dừa, tung nhiều phân đội vào nội thành tập kích nhằm đánh lạc hướng chú ý của thực dân Pháp. Nhiều đám cháy bùng lên từ Liên khu I. Giữa lúc ấy, các chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô cùng phụ nữ, trẻ em, thương binh chia nhiều nhóm nhỏ bí mật luồn qua gầm cầu Long Biên dưới họng súng của những tên lính gác đứng bên trên, nhanh chóng vượt sông Hồng bằng những chiếc thuyền gỗ đợi sẵn.

Trưa 18-2-1947, cuộc rút lui của Trung đoàn Thủ đô thành công trọn vẹn. Đồng chí Võ Nguyên Giáp gửi thư chúc mừng Trung đoàn Thủ đô: “... Các chiến sĩ đã chiến đấu hai tháng ròng rã để giữ vững ngọn cờ nước Việt giữa Thủ đô Hà Nội. Các chiến sĩ đã nêu cao tinh thần oanh liệt của dân Việt và thanh danh rực rỡ của Quân đội quốc gia Việt Nam. Các chiến sĩ lại mở được con đường máu vượt qua vòng vây quân địch để thực hiện chỉ thị bảo tồn chủ lực. Các chiến sĩ sẽ tiếp tục chiến đấu cho Tổ quốc Việt Nam. Chúng ta sẽ chiến đấu 10 năm hay lâu hơn nữa nếu cần. Cho đến ngày Tổ quốc Độc lập, Thống nhất. Cho đến ngày Thủ đô Hà Nội được làm Thủ đô một nước Độc lập, Thống nhất. Ta thề Thủ đô sẽ chiến thắng quân thù!”.

Lê Minh (tổng hợp)

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...