Thứ sáu, 26/04/2024
Bắc giang 36 °C / 27 - 34 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

An ninh
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Xác định rõ ranh giới, giảm tranh chấp đất rừng

Cập nhật: 09:33 ngày 09/03/2017
(BGĐT) - Vài năm nay, số vụ án tranh chấp đất rừng được giải quyết tại tòa án ngày càng nhiều, trong đó có không ít vụ phức tạp, kéo dài. Khắc phục khó khăn trong công tác xét xử cần sự vào cuộc, phối hợp chặt chẽ của tòa án với chính quyền các địa phương trong tỉnh Bắc Giang và cơ quan chuyên môn. 
{keywords}

Một điểm tranh chấp đất rừng tại xã Đồng Tiến (Yên Thế).    Ảnh: Thanh Hải

Bất cập từ khâu giao đất

Bắc Giang có diện tích đất lâm nghiệp, đồi núi rất lớn. Giá trị đất rừng tăng cao trong khi công tác quản lý đất đai bộc lộ bất cập do lịch sử để lại làm phát sinh tranh chấp. Năm 2016, riêng Tòa án nhân dân (TAND) ba huyện: Sơn Động, Lục Ngạn, Yên Thế thụ lý hơn 50 vụ án dân sự tranh chấp đất các loại, trong đó phần lớn là tranh chấp đất rừng. Qua xét xử tại tòa cho thấy, vài chục năm trước, cơ quan giao đất rừng cho các hộ hoặc khi có giao dịch chuyển nhượng, thừa kế, tặng cho đã dùng phương pháp thủ công đo ô lưới, ô vuông. 

Mốc giới giữa các lô đất rừng được xác định theo khe, rông tự nhiên. Nhiều hộ sau khi nhận đất không phân định đường ranh giới liền kề. Cá biệt có gia đình được cấp đất nhưng sơ đồ bản vẽ kèm theo không đúng với thực địa, nhầm số lô nên tự ý chỉnh sửa trong sổ Lâm bạ. 

Bên cạnh đó cũng có trường hợp diện tích cấp đất trên giấy chứng nhận chênh lệch lớn so với diện tích đất đo lại bằng máy trên thực địa. Chị Lý Thị Thoa, trú tại thôn Khả Lã, xã Tân Lập (Lục Ngạn) phản ánh: "Năm 1995, UBND xã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho gia đình và lấy tên chủ hộ là bố tôi. Sau khi bố tôi mất, các thành viên trong gia đình tiếp tục sử dụng đất nhưng không nắm được ranh giới và khu vực được cấp không có mốc giới cụ thể". 

Cùng sinh sống ở thôn Héo B, xã Hộ Đáp (Lục Ngạn), anh Lại Văn Viết có đơn đề nghị giải quyết tranh chấp đất rừng đối với hàng xóm là anh Nông Văn Quảng. Được biết, năm 1994, gia đình ông Nông Xuân Nghiêm cùng thôn vào tỉnh Đắk Lắk sinh sống nên đã chuyển nhượng cho anh Viết 2,6 ha đất rừng và cho chị Nông Thị Luân (con gái ông Nghiêm) một phần đất rừng. Chị Luân sau đó chuyển nhượng lại cho anh Quảng. Theo nguyên đơn, anh Quảng đã lấn chiếm khoảng 700 m2. Quá trình giải quyết cho thấy vụ việc phát sinh là do các bên thực hiện giao dịch chuyển nhượng nhưng không đo đạc, cắm mốc và không có văn bản pháp lý chứng minh phần đất của mình.

Tương tự, bà Đỗ Thị Bình thôn Nhân Định, xã Yên Định (Sơn Động) kiện  ông Hà Văn Sơn vì tranh chấp đất rừng. Phần diện tích tranh chấp được gia đình bà Bình khai phá, được giao quản lý cây lâm nghiệp, sử dụng liên tục từ đầu năm 1990 đến nay và đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. 

Theo bà Bình, gia đình ông Sơn có đất liền kề đã lấn chiếm khoảng 3.000 m2. Ông Sơn lại cho rằng diện tích đất này là của gia đình mình. Nguyên nhân dẫn tới tranh chấp là do trước đây khi giao đất, cơ quan chức năng đo bằng phương pháp thủ công nên kết quả không chính xác, có sự chênh lệch diện tích đất trên thực địa và trên giấy chứng nhận. 

Giải pháp khắc phục

Theo phản ánh của TAND một số huyện miền núi, trong quá trình điều tra, thu thập chứng cứ, một số đương sự không nộp những văn bản, giấy tờ cần thiết dù được yêu cầu nhưng đến phiên tòa lại xuất trình. Khi tòa án thẩm định, định giá tài sản, một số đương sự là bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không hợp tác, có thái độ chống đối quyết liệt. Việc giải quyết các vụ án liên quan đến tranh chấp đất rừng thường liên quan đến nhiều người, phụ thuộc vào nhiều cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương. Trong một số vụ, cơ quan tài nguyên và môi trường, kiểm lâm cung cấp chứng cứ, hồ sơ cấp đất hoặc các tài liệu khác theo yêu cầu của tòa án còn chậm dẫn đến kéo dài thời gian giải quyết. 

Hơn nữa, sự bất cập trong quá trình áp dụng pháp luật, nhiều quy định của luật không rõ ràng cũng làm ảnh hưởng đến chất lượng, tiến độ xử lý. Nỗ lực giải quyết án, khi tiếp nhận đơn khởi kiện, tòa án các huyện đã chủ động khắc phục khó khăn, cử những cán bộ có chuyên môn giỏi về lĩnh vực đất đai tham gia giải quyết; nghiên cứu kỹ và vận dụng đúng các quy định của luật trong từng vụ việc cụ thể. 

Theo Thẩm phán Khúc Văn Bằng, Phó Chánh án TAND huyện Lục Ngạn, người trực tiếp xét xử nhiều vụ tranh chấp đất rừng cho rằng, để giảm số đơn khởi kiện ra tòa án, giải pháp quan trọng là UBND các xã, thị trấn làm tốt công tác hòa giải ngay tại cơ sở. Vì khi làm tốt công tác này, các đương sự sẽ tìm được tiếng nói chung, cùng nhau thống nhất xử lý những nội dung tranh chấp trên thửa đất, không mất nhiều thời gian, chi phí theo đuổi các vụ kiện. 

Các cơ quan có thẩm quyền khi cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất phải chỉ rõ mốc giới bởi thực tế có nhiều trường hợp ngay cả chủ hộ cũng không xác định được chính xác mốc giới khuôn đất của mình. Mặt khác, chính các hộ có đất liền kề hãy chủ động phối hợp với nhau và với chính quyền cơ sở cắm mốc vị trí đất được quản lý, sử dụng. Với những hộ được cấp đất rừng qua đo đạc thủ công từ những năm trước nên đề nghị được đo đạc lại bằng máy và cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, bảo đảm chính xác về diện tích.

Liên quan đến công tác xét xử, UBND các xã, thị trấn cần phối hợp chặt chẽ hơn, tạo điều kiện để tòa án và các cơ quan chuyên môn xác minh, thu thập chứng cứ, thẩm định tại chỗ và định giá tài sản được thuận lợi, bảo đảm công tác xét xử đúng quy định của pháp luật, bảo vệ quyền lợi, lợi ích hợp pháp của các bên liên quan.

Chí Dũng

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...