Thứ sáu, 19/04/2024
Bắc giang 31 °C / 25 - 29 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

An ninh
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Xử lý đối tượng “ngáo đá”: Vướng mắc do quy định

Cập nhật: 09:46 ngày 17/03/2017
(BGĐT) - Từ đầu năm đến nay, Đội cảnh sát 113 (Công an tỉnh Bắc Giang) tiếp nhận, xử lý 11 vụ gây rối trật tự công cộng, hủy hoại tài sản do đối tượng sử dụng ma túy đá gây ra. Không kiểm soát được hành vi, những đối tượng này trở thành mối nguy cho cộng đồng nhưng trong một số trường hợp, việc xử lý, áp dụng áp biện pháp ngăn chặn gặp nhiều vướng mắc.
{keywords}

Thân Đức Đạt (SN 1987) ở ki - ốt số 4, chợ Trần Luận, phường Ngô Quyền (TP Bắc Giang) nhiều lần gây rối trật tự công cộng bị lực lượng công an bắt giữ.

Bất an vì “ngáo đá”

Đêm 12-3, người dân ngõ 5, đường Trần Quang Khải, phường Thọ Xương (TP Bắc Giang) nghe tiếng động lạ ở ban công. Khi lại gần phát hiện Nguyễn Anh Tuấn (SN 1989) ở tổ dân phố số 3, phường Trần Nguyên Hãn (TP Bắc Giang) trèo lên ban công của 4 nhà liền kề nhảy nhót, đập phá nhưng không ai dám đến gần vì sợ đối tượng gây thương tích. Chỉ khi lực lượng cảnh sát phản ứng nhanh có mặt khống chế, dẫn giải Tuấn về trụ sở Công an phường, nhiều người mới bớt lo lắng. Sau nhiều giờ, tên này vẫn trong trạng thái lơ mơ, ngơ ngáo. 

Trước đó, khoảng 20 giờ 30 phút ngày 27-2, tại xã Dĩnh Trì, Nguyễn Văn Hùng (SN 1970) ở tổ 4, phường Túc Duyên, TP Thái Nguyên (Thái Nguyên) có biểu hiện bị kích động nghi do sử dụng ma túy đá khi cầm ống tuýp, hung khí gây rối làm một người bị thương.

Là đối tượng nghiện ma túy đá nhiều năm, Chu Quý (SN 1971) ở số nhà 11, đường Nguyễn Khắc Nhu, phường Trần Nguyên Hãn luôn làm cho nhiều người thấy bất an, lo sợ mỗi khi nhắc tới. Trưa 4-1, Quý đột nhập vào ki-ốt số 9, kho gạo Hà Vị, đường Nguyễn Công Hãng, phường Trần Nguyên Hãn la hét, đốt lửa, hủy hoại tài sản. Khi bị lực lượng chức năng bắt giữ, y vẫn gào thét cho rằng có ai đó muốn sát hại mình và gia đình…

Bị kích động thần kinh gây ảo giác, không kiểm soát được hành vi là biểu hiện thường thấy ở người sử dụng ma túy đá quá liều hoặc trong thời gian dài. Họ thường tưởng tượng mình bị truy sát, đuổi giết nên sẵn sàng tấn công người khác với lý do phòng vệ. Bà B ở khu Quang Trung, thị trấn Chũ (Lục Ngạn) kể lại hình ảnh con trai là Lâm Văn Dũng (SN 1983) khi bị ngáo đá là hai hàm răng nghiến chặt, cầm dao đâm vào chăn, gối, miệng lầm bầm la mắng bởi ảo giác cho rằng có ai đó đang đuổi bắt mình. 

Khó xử lý do thiếu chế tài

Theo quy định của pháp luật, trong số những trường hợp như trên, có đến 70% vụ việc chỉ có thể xử lý vi phạm hành chính, yêu cầu gia đình bảo lãnh do được ngăn chặn kịp thời, không gây thiệt hại về người và tài sản tới mức truy cứu trách nhiệm hình sự. Đơn cử như Thân Đức Đạt (SN 1987) ở ki-ốt số 4, chợ Trần Luận, phường Ngô Quyền (TP Bắc Giang). Đạt nghiện ma túy, nhiều lần gây rối trật tự công cộng, đập phá tài sản trong nhà và cầm hung khí đe dọa người thân. 

Lực lượng công an nhiều lần lập hồ sơ đưa đối tượng này đi cai nghiện bắt buộc nhưng không thành. Lý do là không gây nghiện theo cơn như hêrôin, người sử dụng ma túy đá có thể nhiều ngày mới sử dụng một lần. Trong khi đó, thường hợp chất này xuất hiện trong nước tiểu sau khi sử dụng khoảng 3 giờ và tồn tại trong máu hoặc nước tiểu từ 24-72 giờ. Vì vậy, trước và sau thời gian trên, nếu áp giải đối tượng đi xét nghiệm thì kết quả thường âm tính, không đủ căn cứ lập hồ sơ đưa đi cai nghiện bắt buộc.

Theo Thiếu tá Đỗ Thế Dũng, Đội trưởng Đội cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Công an TP Bắc Giang), giải pháp hữu hiệu nhất là đưa đối tượng vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Tuy nhiên lại gặp vướng mắc do quy định về thủ tục, hồ sơ, căn cứ chứng minh như nêu trên. Từ kinh nghiệm trong công tác đấu tranh, xử lý đối tượng phạm tội về ma túy đá, Đại tá Dương Ngọc Sáu, Phó Giám đốc Công an tỉnh kiến nghị các bộ, ngành liên quan xem xét, ban hành chế tài xử lý mạnh hơn đối với trường hợp sử dụng ma túy tổng hợp gây rối trật tự nhiều lần, ví như hạ thấp khung quy định về thiệt hại để xử lý hình sự hoặc đưa đi cai nghiện bắt buộc. Bằng không, nếu cứ xử lý vi phạm hành chính rồi yêu cầu gia đình quản lý giáo dục sẽ thiếu tính răn đe. 

Về lâu dài, Công an tỉnh tiếp tục chỉ đạo công an các địa phương tăng cường tuyên truyền tác hại của ma túy, cách phòng ngừa khi gặp người có biểu hiện “ngáo đá”, đồng thời đẩy mạnh đấu tranh với tội phạm về ma túy, ngăn chặn nguồn cung xâm nhập địa bàn. Phối hợp với Viện KSND, TAND đưa các vụ án do đối tượng “ngáo đá” gây ra xét xử lưu động nhằm tăng tính răn đe, giáo dục, phòng ngừa chung.

Anh Minh

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...