Thứ bảy, 27/04/2024
Bắc giang 27 °C / 27 - 40 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

An ninh
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Nhật ký trên đường hành quân

Cập nhật: 08:21 ngày 17/04/2017
(BGĐT) - Những năm kháng chiến chống Mỹ, giữa bom đạn quân thù, ghi lại những kỷ niệm không thể nào quên, nhiều cán bộ, chiến sĩ tranh thủ thời gian viết nhật ký. Giờ đây, đó là kỷ vật quý giá thời chiến được các cựu chiến binh trân trọng gìn giữ. 

{keywords}

Ông Hà Thanh Bình kể cho vợ nghe những kỷ niệm khi chiến đấu ở chiến trường miền Tây nước bạn Lào.

Nhật ký bằng thơ

Cựu chiến binh Bùi Minh Hiếu (SN 1932) ở thôn Cánh, xã Mỹ Hà (Lạng Giang), nguyên là Đoàn trưởng Đoàn 198 Đặc công Anh hùng. Tham gia kháng chiến, bằng tình yêu thơ ca, sự lạc quan vào ngày toàn thắng, ông đã viết nhật ký hành quân bằng thơ. Rời quân ngũ, ông chọn lọc những bài tiêu biểu đưa vào tập thơ “Nhật ký hành quân chiến đấu”. 

Chậm rãi lật từng trang nhật ký, ông say sưa kể về hoàn cảnh sáng tác từng bài thơ. “Đã là con cháu dõi Lạc Long/ Mang trong huyết quản một sắc hồng/ Ta đi vững bước theo cờ Đảng/ Sắt son một dạ với non sông” là những câu thơ trong bài “Tự hào” ông viết năm 1966 khi giặc Mỹ đang tăng cường lực lượng đánh chiếm miền Nam và ném bom đánh phá miền Bắc. Giữa chiến trường ác liệt, bài thơ ra đời là nguồn cổ vũ mạnh mẽ cho các chiến sĩ trong đơn vị. 

Không cầu kỳ, những bài thơ ông viết đều tự nhiên, gần gũi. Năm 1971 đón Tết ngoài mặt trận, mỗi người được cấp 0,5 kg gạo nếp nương, 50 gam thịt lợn. Ông viết bài thơ “Tết chiến trường”: "Giò, chả, nem vò vắng mùi hương/ Giản dị, thanh tao đời lính chiến/ Xuân về tung cánh khắp muôn phương”. Ngày xuân khiến ông thêm nhớ gia đình, có lần ông lặng lẽ viết thư bằng thơ gửi về hậu phương cho vợ con. Trong lá thư ấy, ông nói mình vẫn mạnh khỏe, động viên người thân vững tin vào hòa bình, độc lập: "Ngày thống nhất rất gần/ Anh sẽ về em nhé!". 

Tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, ông dẫn đầu đoàn quân đặc công luồn sâu đánh hiểm để thâm nhập và phá hủy sân bay quân sự của địch ở thị xã Buôn Mê Thuột, tiến tới giải phóng miền Nam. Năm 1975, khi hay tin chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, ông viết: “Mừng miền Nam xứng danh hiệu Thành Đồng/ Mừng miền Bắc vững bước lên nhiều mặt” - (Chào năm 1975).

Trong tập thơ “Nhật ký hành quân chiến đấu”, ông còn có nhiều bài về những ngày vượt dãy Trường Sơn, thơ tặng đôi vợ chồng trẻ tổ chức đám cưới ở chiến trường, về cảnh vật hữu tình ở những vùng đất ông đã đi qua, về tháng ngày chiến đấu giúp nước bạn Lào…

Nhớ chiến trường miền Tây

Tạm biệt giảng đường và học trò yêu quý, năm 1965, thầy giáo Hà Thanh Bình (SN 1942) ở phường Trần Nguyên Hãn (TP Bắc Giang) tình nguyện nhập ngũ. Qua nhiều đơn vị, cuối cùng ông dừng chân ở Phòng Chính trị (Bộ Tư lệnh Đặc công). Trong thời gian làm phái viên công tác chính trị ở nước bạn Lào, ông viết “Nhật ký chiến trường miền Tây”. Cuốn nhật ký nhỏ bằng lòng bàn tay, giấy pơ-luya mỏng, nhẹ, không thấm nước. 

Năm 2012, cựu chiến binh tặng cuốn nhật ký cho Bảo tàng tỉnh Bắc Giang và đã được trưng bày, giới thiệu trong nhiều dịp. Cuốn nhật ký này ông ghi chép, tổng hợp quá trình chiến đấu. Đều đặn mỗi ngày, ông dành ít thời gian để viết lại những việc đã làm, cảm xúc đã qua, ngắn thì chỉ vài ba dòng, dài hơn khoảng hai trang giấy. 

{keywords}

Bản gốc cuốn nhật ký "Chiến trường miền Tây" được trưng bày trong Bảo tàng tỉnh.

Trong nhật ký, ông nhớ ngày 12-11-1971 là thời điểm ông lên lớp giảng bài về "Công tác bảo vệ khi hành quân, trú quân trong chiến đấu và sau chiến đấu”. Dưới hàng ngũ chiến sĩ, có hai gương mặt quen thuộc, đó là anh Hành và anh Khoản. Hai học trò cũ vui mừng khi nhận ra thầy giáo từ ngày ở trường làng. Thấy học trò năm xưa chững chạc, trưởng thành, ông Hà Thanh Bình rất đỗi tự hào, động viên các em vững tâm ra trận.

Từ ngày 20-11 đến ngày 18-12-1971, ông Bình ghi lại chặng đường hành quân, tiến sâu vào trong lòng địch, chẳng thiếu ngày nào. “Hôm nay đi chân không và đêm nay cũng chẳng dùng đèn pin nữa vì đi quá sát địch rồi, sơ hở một chút thôi là nguy hiểm. Đi trên sỏi, trên đá tai mèo, anh em nào cũng thấy rát chân. Mình cũng vậy… nhưng anh em vẫn im ắng và hăng hái đi, không một lời kêu ca nào. Mình vừa thương vừa thấy khâm phục anh em”, ông viết. 

Không trực tiếp vào căn cứ địch nhưng ông liên tục cập nhật thông tin rồi ghi chép cẩn thận. Nào là ta đã phá hủy trực thăng, tiêu diệt nhiều tên địch; nào là quân ta được bổ sung lực lượng, tinh thần dâng cao. Tất cả những kỷ niệm trên, ông đều ghi trong những trang nhật ký. Ông kể thêm: “Phần lớn thời gian, tôi viết nhật ký trong rừng, phải tỳ quyển sổ vào đầu gối hoặc ba lô. Hôm thì tận dụng ánh sáng mặt trăng, có đêm dùng đèn pin để bảo đảm bí mật. Kết thúc cuốn nhật ký là ngày 13-2-1972, tôi chia tay anh em trong Tiểu đoàn 27 về Bộ Tư lệnh báo cáo tình hình”. 

Khi nhìn thấy cuốn nhật ký đã cũ, nhiều trang không còn nguyên vẹn đang được lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh, ông xúc động và ngồi trầm ngâm thật lâu để lật từng trang giấy. Có lẽ, ông đang nhớ về đồng đội, nhớ những ngày chiến đấu nơi chiến trường miền Tây nước Lào. 

Cuốn nhật ký của ông Hiếu, ông Bình và nhiều cán bộ, chiến sĩ khác đã giúp cho thế hệ sau hình dung được cuộc sống, chiến đấu của bao người lính quả cảm. Hơn 40 năm sau ngày giải phóng, những trang nhật ký đã tiếp thêm cho họ sức mạnh, niềm tin tốt đẹp vào cuộc sống mới hôm nay.

Mạc Yến

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...