Thứ sáu, 26/04/2024
Bắc giang 32 °C / 26 - 31 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

An ninh
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Phát huy truyền thống Anh hùng, xây dựng LLVT huyện vững mạnh

Cập nhật: 10:38 ngày 20/04/2017
(BGĐT) - Ngày 30-4-1947, Ban CHQS huyện Lạng Giang (Bắc Giang) được thành lập. Trải qua 70 năm chiến đấu, xây dựng, lực lượng vũ trang (LLVT) huyện luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được Đảng và Nhà nước trao tặng danh hiệu “Anh hùng LLVT nhân dân”.
{keywords}

Đồng chí Tạ Huy Cần tặng hoa tân binh tại Lễ giao nhận quân năm 2017.   Ảnh: Vân Anh

Lạng Giang là mảnh đất phên dậu, nơi ghi dấu nhiều chiến công oanh liệt của cha ông. Trước Cách mạng Tháng Tám, các địa danh như: Phố Giỏ, phố Kép, Đìa Đông đã sục sôi khí thế cách mạng. Chiến khu Bừng là một địa chỉ đỏ, sau đó phong trào lan rộng ra các địa phương khác và ngày càng lớn mạnh, từ Phi Mô, Quảng Mô, Bừng phát triển sang Khê Cầu, Chí Mỹ, Mải Hạ, Bắc Thịnh, Chi Lễ, Dương Quan, Bằng, Kép, Đào Mỹ, Yên Mỹ. Quân và dân Lạng Giang đã góp phần cùng cả nước làm nên cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 thành công, giành lại chính quyền về tay nhân dân.

Khi thực dân Pháp quay lại xâm lược, với quyết tâm kháng chiến bảo vệ thành quả cách mạng, toàn huyện đã ủng hộ hàng nghìn tấn lương thực, thực phẩm gửi ra mặt trận. Do đòi hỏi của cuộc kháng chiến phải trường kỳ, ngày 30-4-1947, lực lượng quân sự địa phương Lạng Giang được thành lập, đánh dấu sự phát triển mới của LLVT địa phương. 

70 năm xây dựng, chiến đấu và rèn luyện, LLVT huyện ngày càng trưởng thành. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Lạng Giang được tặng 25 Huân chương Chiến công; Huân chương Kháng chiến và Huân chương Lao động. Lực lượng vũ trang, công an huyện, 9 xã, thị trấn và 5 cá nhân được tặng danh hiệu “Anh hùng LLVT nhân dân”, 202 “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng”, hàng vạn người được tặng huân, huy chương các loại.

Ngày 13-7-1949, thực dân Pháp đánh chiếm Phủ Lạng Thương và xã Thái Đào, sau đó triển khai đồn bốt ở xã Dĩnh Kế, Xuân Hương, Đại Lâm, Tân Dĩnh, xây dựng vành đai trắng từ xã Xuân Hương (Lạng Giang) đến huyện Lục Ngạn. Huyện Lạng Giang bị chia thành hai vùng tạm chiếm và tự do. Chúng tổ chức nhiều trận càn lấn ra vùng tự do, bị bộ đội huyện và du kích đánh trả quyết liệt, tiêu diệt hàng trăm tên địch, thu nhiều vũ khí buộc phải rút lui. Ghi nhận những đóng góp trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, quân và dân huyện Lạng Giang được Đảng, Chính phủ tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhì. Xã Mỹ Thái được tặng Huân chương Chiến công hạng Ba. Ông Hoàng Văn Phác (xã Tân Thanh) là người con ưu tú đầu tiên của huyện được tuyên dương Anh hùng LLVT nhân dân. 

Sau Hiệp định Giơnevơ, quân và dân Lạng Giang ra sức thi đua, phát triển kinh tế, xây dựng miền Bắc XHCN, tích cực chi viện cho miền Nam đánh Mỹ. Ngày 23-8-1965, máy bay Mỹ nhiều lần xâm phạm vùng trời miền Bắc, chúng ném bom xuống thị trấn Kép và các xã: Hương Sơn, Phi Mô, Đại Lâm. Hưởng ứng lời kêu của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại hội nghị chính trị đặc biệt, Lạng Giang thành lập 28 đơn vị dân quân tự vệ và huấn luyện quân sự, huy động hàng nghìn người tham gia công trường Họng Bò và đê Yên Dũng. Toàn huyện đào hơn 18.200 hầm trú ẩn, tổ chức các đội tải thương và chữa cháy. Ngày 20-9-1965, quân dân Lạng Giang hiệp đồng bắn rơi ba máy bay Mỹ, được thêu lên cờ “Đơn vị 209” trao cho thanh niên lên đường chiến đấu. Ngày 31-10-1965, địch đánh phá cầu Lường (xã Quang Thịnh), trung đội du kích thôn Ngọc Sơn cùng bộ đội quyết liệt đánh trả. Hai chiến sĩ dân quân Đào Văn Can và Nguyễn Thị Minh Hiền anh dũng hy sinh. Tháng 2-1966, Huyện đội Lạng Giang triển khai kế hoạch bảo đảm an toàn sân bay Kép, mỗi xã thành lập ba đội với hàng trăm người để sửa sân bay, đường sá và tải thương. Lực lượng này do đồng chí Phó Chủ tịch Uỷ ban hành chính huyện chỉ huy. Ngày 21-6-1966, quân dân Lạng Giang hiệp đồng bắn rơi 4 máy bay, bắt sống giặc lái, được tặng Huân chương Chiến công hạng Nhì.

{keywords}

Dân quân huyện Lạng Giang thực hành nội dung bắn đạn thật.

Thực hiện Chỉ thị 144 của Ban Bí thư T.Ư Đảng về đẩy mạnh phòng không nhân dân, với khẩu hiệu “Nhà che mưa, che nắng; hầm che máu, che xương”, toàn huyện đào 34.609 hầm, hố cá nhân, 104 km hào. Năm 1967, nhân kỷ niệm 77 năm ngày sinh Bác Hồ, Tỉnh đội Hà Bắc phát động đợt thi đua lập công dâng Bác, Lạng Giang có 2.472 người tình nguyện nhập ngũ. Trong hai lần phá hoại miền Bắc, giặc Mỹ đánh phá Lạng Giang 550 trận, ném 5.883 quả bom phá, bom bi mẹ và rốc-két. Với ý chí ngoan cường, quân dân Lạng Giang đã hiệp đồng tiêu diệt 6 máy bay, 8 giặc lái, huy động hơn 20 vạn ngày công phục vụ chiến đấu, đóng góp nhiều lương thực, thực phẩm. Toàn huyện có hơn 11 nghìn thanh niên nhập ngũ. Họ đã chiến đấu trên khắp các chiến trường, lập công xuất sắc, điển hình là đồng chí Trần Ngọc Phương và Mai Dinh được tuyên dương Anh hùng LLVT nhân dân. 

Thời kỳ mới, LLVT Lạng Giang luôn ra sức phấn đấu nâng cao bản lĩnh chính trị, nắm vững khoa học quân sự, xây dựng lực lượng vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, sẵn sàng đánh bại mọi âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù. Hằng năm huấn luyện đạt khá, giỏi. Việc bồi dưỡng kiến thức quốc phòng được thực hiện tốt. Nhiều năm, Đảng bộ Quân sự huyện được công nhận trong sạch, vững mạnh tiêu biểu, là đơn vị vững mạnh toàn diện dẫn đầu phong trào thi đua Quyết thắng của LLVT tỉnh và Quân khu 1. 

Trong những năm tới, Đảng ủy, Chỉ huy Ban CHQS huyện Lạng Giang tiếp tục tham mưu với Huyện ủy, UBND và Hội đồng giáo dục quốc phòng huyện thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, Nghị quyết số 08 của Ban Chấp hành Trung ương về “Nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”. Trước mắt năm 2017 tập trung thực hiện tốt việc xây dựng đơn vị điểm vững mạnh toàn diện của tỉnh, triển khai hội thi thể thao quốc phòng, tham mưu tổ chức diễn tập chiến đấu phòng thủ cấp xã đạt kết quả cao.

Tạ Huy Cần 

(Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy, Bí thư Đảng ủy quân sự huyện)

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...