Thứ sáu, 19/04/2024
Bắc giang 31 °C / 25 - 29 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

An ninh
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Vui sao nước mắt lại trào

Cập nhật: 09:00 ngày 21/04/2017
(BGĐT) - Trong ký ức của những cựu chiến binh tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, Chiến thắng 30-4 thật đặc biệt. Bởi để có chiến thắng này, hầu hết họ đã hy sinh tuổi thanh xuân, xương máu vì sự nghiệp thống nhất đất nước. Hơn 40 năm đã qua, mỗi khi nhớ lại ngày toàn thắng, ai nấy đều vỡ òa cảm xúc, mừng vui đến trào nước mắt. 
{keywords}

Người dân Sài Gòn đổ ra đường mừng Chiến thắng 30-4. Ảnh tư liệu

Chúng tôi đi, đi theo đà “thần tốc”

Chiều tháng Tư oi ả nắng, tôi điện thoại hẹn gặp Đại tá Nguyễn Văn Khuy ở nhà riêng thuộc tổ dân phố số 5, phường Trần Nguyên Hãn (TP Bắc Giang). Vợ ông- bà Nguyễn Thị Mai nghe điện: “Chiều nào 4 giờ ông cũng đi bộ thể dục, nếu cô đến, tôi nhắc ông ở nhà”. Đúng hẹn, tôi gặp ông - một đại tá quân đội nay đã ở tuổi 93 nhưng rất minh mẫn. 

Gợi lại một số trận đánh lớn từng tham gia, ông bảo: "Cuộc đời binh nghiệp của tôi có nhiều vinh dự, trong đó có vinh dự lớn được tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử". Cứ nghĩ vậy là tôi thấy khỏe ra nhiều.  Ông nhớ lại những ngày tháng 4-1975: Lúc đó tôi là Sư đoàn phó Sư đoàn 365 (Quân chủng Phòng không- Không quân). Sư đoàn được lệnh tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử với tinh thần “Thần tốc, quyết thắng”. 

Nhận lệnh, Sư đoàn đã cơ động toàn bộ lực lượng, vũ khí, khí tài vượt hơn 1.400km, bám sát đội hình chiến đấu bảo vệ các binh đoàn chủ lực. Chúng tôi cứ đi, đi theo đà “thần tốc”, tiến vào miền Nam với khí thế hừng hực. Hạnh phúc nhất là bộ đội đi đến đâu cũng được bà con nhân dân hướng dẫn, chỉ đường, hết lòng giúp đỡ, bảo vệ. 

{keywords}
Vợ chồng Đại tá Nguyễn Văn Khuy.

Được biết khi ấy, ông Khuy đóng quân ở sân bay Thành Sơn (căn cứ không quân Phan Rang, tỉnh Ninh Thuận). Đây là sân bay quân sự cấp 1, quan trọng của Không quân nhân dân Việt Nam. Tại đây, ông vinh dự được gặp Đại tướng Hoàng Văn Thái, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam. Được nghe Đại tướng dặn dò, đơn vị càng có thêm động lực để chiến đấu và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. 

"Khi quân Ngụy vỡ trận, chúng cởi quần áo, vứt vũ khí đầy đường, chạy tan tác như vịt, chen nhau nhảy xuống tàu, rồi cố gắng đu lên máy bay tìm đường thoát thân. Đâu đó vang vọng “Chiến thắng đến nơi rồi anh em ơi”. Chúng tôi nghe thấy vậy nên hò vang, reo lên sung sướng mà nước mắt cứ trào dâng, sung sướng lắm".

Thông tin kịp thời, bí mật, chính xác

{keywords}

Ông Ngô Đức Minh.

Nhắc đến ngày 30-4, ông Ngô Đức Minh (SN 1947) ở tổ dân phố Chùa, phường Xương Giang (TP Bắc Giang), luôn thấy bồi hồi xúc động. Ký ức về Sài Gòn giải phóng đẹp lắm. Khi tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh, ông là Trung úy, trợ lý thông tin (Bộ Tư lệnh Thông tin) có nhiệm vụ bảo đảm thông tin liên lạc đến các quân khu, quân chủng, giúp cho việc lãnh đạo, chỉ huy của các đơn vị được an toàn, bí mật và thông suốt. 

Ngày ấy, công nghệ thông tin chưa phát triển, đường dây cũ nát, nhiệm vụ của lính thông tin cũng rất gian truân. Những ngày đầu đặt chân vào đây, rất nhiều cán bộ, chiến sĩ chưa biết đường đi nước bước, chưa hình dung ra Sài Gòn ở đâu vì đều là cánh quân từ Bắc đánh vào. Không có người đưa đường, dẫn đường, vì vậy ông cùng đồng đội có thêm nhiệm vụ nữa là đi đón các lực lượng vào. 

Ông Minh kể: "Trên đường đi, xe tăng, pháo binh rầm rập tiến vào giải phóng miền Nam với quyết tâm chưa từng có, nhiều và mạnh đến nỗi đường bị cày nát, bùn ngập sâu đến 30-40cm. Song với khí thế tất cả cho miền Nam toàn thắng, người xe vẫn rầm rầm tiến vào với một sức mạnh khủng khiếp, cuốn phăng mọi trở ngại. Nơi ém quân là dưới những cánh rừng cao su bát ngát, xanh mướt ở Lộc Ninh (Bình Phước) cách Sài Gòn hơn 100km. Nhìn khí thế đó, ai trong chúng tôi cũng có một niềm tin rằng chỉ một vài ngày nữa là Sài Gòn sẽ giải phóng". 

Ông nhớ rõ, chiều 29-4, Sở Chỉ huy cử một đồng chí người địa phương dẫn xe tiếp sức theo xe Quân đoàn 1 tiến vào Sài Gòn. 10 giờ sáng 30-4, khi ông Minh đang trực ở Tổng đài thuộc Sở Chỉ huy thì nhận được tin báo về là đã vào đến Dinh Độc Lập. "30 phút sau đó, khi nghe đài phát thanh thông báo quân ta đã chiếm được Dinh Độc lập, Tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng, chúng tôi cũng như tất cả người dân vui mừng khôn tả nhưng vẫn phải giữ nghiêm quân lệnh". 

Nhớ đường hầm  sau cánh tủ 

{keywords}

Ông Trần Huy Sơn.

Đúng ngày đầu tiên của năm mới 1975, khi đang huấn luyện ở một đơn vị đóng tại huyện Lục Ngạn, chàng trai 19 tuổi Trần Huy Sơn, thôn Tân Văn 1, xã Tân Dĩnh (Lạng Giang) nhận lệnh khẩn cấp hành quân bằng cơ giới vào đơn vị K21 (tỉnh Tây Ninh). Đến đây, ông được bổ sung ngay vào Bộ Tư lệnh miền thuộc đơn vị đặc công Z82, Lữ đoàn 316 của lực lượng Biệt động Sài Gòn, chiến đấu chủ yếu trong biệt khu Sài Gòn - Gia Định. 

Nhiệm vụ của Z82 là đánh vào ba mục tiêu: Tổng Nha Cảnh sát Ngụy; Sở Chỉ huy biệt động Ngụy; đánh chiếm căn cứ dù 90 thuộc trường đua ngựa Phú Thọ. Ông cho biết: "Ngày 8-4-1975, đơn vị tiến vào nội đô, là lính đặc công, chúng tôi được huấn luyện chiến thuật nên ai nấy đều có cảm giác như không hề có chiến tranh". 

Tại đây ông và đồng đội rất xúc động khi được nhân dân hết lòng hết sức ủng hộ, chuẩn bị mọi thứ cho bộ đội ăn ở, sinh hoạt và chiến đấu. Đơn cử như cứ tưởng đó chỉ là chiếc giường, cái tủ đựng đồ dùng đơn thuần nhưng chỉ cần xê dịch ra một chút, hoặc mở cánh tủ là có đường hầm xuyên sang những nhà bên cạnh, thông ra ngõ, ra đường. Súng đạn vũ khí đều sẵn sàng ở nhà dân nên rất thuận lợi cho tác chiến. 

10 giờ đêm 29-4, ông và đồng đội nhận nhiệm vụ của Tư lệnh đặc công đánh vào Tổng Nha Cảnh sát ngụy. Do thắng quá nhanh nên ai cũng bất ngờ. Lính Ngụy mất phương hướng chạy tan tác. Đơn vị Z82 sau đó vẫn giữ vững mục tiêu. Đến trưa 30-4, sau khi địch đầu hàng, các chiến sĩ cùng với lực lượng thanh niên võ trang tổ chức thu gom vũ khí, quân tư trang do quân địch tháo chạy bỏ lại. 

Tại nhiều địa điểm nơi vỉa hè, ngõ phố, nhân dân vui mừng mang máy may, vải và cùng hỗ trợ may cờ, chuẩn bị đón đoàn quân giải phóng tiến vào Sài Gòn mừng chiến thắng. Khi mọi người cùng ùa ra đường cầm cờ Giải phóng, nhiều người hô vang “Sài Gòn giải phóng rồi bà con ơi”. Lúc đó trong lòng ai cũng dâng lên một cảm giác khó tả. Ông Sơn hoà vào dòng người, vỡ oà trong niềm hạnh phúc.

Ông Khuy, ông Minh, ông Sơn là ba trong số hàng triệu người con Việt Nam đã xung phong lên đường bảo vệ Tổ quốc. Chiến tranh kết thúc, trở về quê hương trong vòng tay của người thân, bạn bè, đồng chí, đồng đội, tuy có người không còn nguyên vẹn do bom đạn kẻ thù nhưng họ vẫn luôn tự hào vì đã góp phần vào ngày toàn thắng của dân tộc. Họ luôn tự nhủ trong cuộc sống hôm nay phải cố gắng thường xuyên, xứng đáng với niềm tự hào đó.

Thu Phong

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...