Thứ ba, 16/04/2024
Bắc giang 32 °C / 24 - 30 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

An ninh
An ninh
icon
0.5 1.0 1.5
Chia sẻ:

Bắc Giang: Ngăn chặn trộm cắp di vật, cổ vật

Cập nhật: 09:14 ngày 09/05/2017
(BGĐT) - Chủ quan, xem nhẹ công tác quản lý, bảo vệ là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng mất cắp di vật, cổ vật tại nhiều đình, chùa trên địa bàn tỉnh Bắc Giang thời gian qua. Vì vậy, chính quyền cơ sở, ban quản lý di tích các cấp, cơ quan chức năng cần có giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn.
{keywords}

Một số đồ vật bị mất cắp tại các đình, chùa được Công an huyện Lục Ngạn thu giữ.

Lấy cắp di vật, cổ vật không chỉ xâm hại di tích lịch sử, văn hóa mà còn ảnh hưởng đến tín ngưỡng tâm linh, gây bức xúc dư luận. Ngày 23-2, tại chùa Bổ Đà, xã Tiên Sơn (Việt Yên), kẻ gian lẻn vào lấy đi pho tượng Quan âm tống tử bằng gỗ, niên đại khoảng 200 năm. Trước đó, nơi đây cũng từng bị trộm đột nhập hai lần lấy cắp đôi lục bình và một chiếc chóe. Bà Nguyễn Thị Mì ở thị trấn Bích Động (Việt Yên) nói: "Đây là di tích lịch sử đặc biệt cấp quốc gia, là nơi gửi gắm tâm tín của người dân và khách thập phương nên khi thấy di tích bị xâm hại, tôi rất bức xúc".

Không chỉ lấy trộm hiện vật đơn lẻ, táo tợn hơn, có thời điểm kẻ gian còn ngang nhiên đánh cắp số lượng lớn cổ vật. Đơn cử như 7 pho tượng có niên đại hơn 300 năm ở chùa Sàn, xã Phương Sơn (Lục Nam) hay 6 pho tượng thời Trần ở chùa Vĩnh Nghiêm, xã Trí Yên (Yên Dũng) “biến mất” cách đây nhiều năm. Thậm chí, chiếc lư hương bằng đồng nặng gần 50 kg ở đình Vân Cốc (Việt Yên) cũng bị đạo chích lấy đi dễ dàng. Trước thực trạng trên, lực lượng công an đã điều tra làm rõ ổ nhóm chuyên xâm hại các di tích.

Toàn tỉnh Bắc Giang hiện có khoảng 2,2 nghìn di tích lịch sử với gần 30 nghìn di vật, cổ vật có giá trị lớn. 10 năm trở lại đây, tại 30 đình, chùa trên địa bàn đã bị kẻ gian lấy đi 130 di vật, cổ vật, gồm: 72 pho tượng, 13 sắc phong, 3 chuông đồng và 42 di vật, cổ vật khác.

Cuối năm 2015, Công an huyện Lục Ngạn nhận được nhiều đơn trình báo về tình trạng kẻ gian cạy cửa, phá khóa, dỡ mái ngói đột nhập vào đền, chùa trộm cắp đồ thờ cúng. Đơn vị đã xác lập chuyên án đấu tranh. Sau hơn một tháng điều tra, tháng 1- 2016, tổ chuyên án làm rõ đối tượng gây án là Đặng Văn Mai (SN 1991) ở thôn Khuôn Thần, xã Kiên Lao (Lục Ngạn). Mai khai nhận, chỉ trong gần hai tháng, y đã đột nhập vào khoảng 20 đền, chùa lấy đi 8 lư đồng, 7 chuông bát, ba chiếc đỉnh đồng và gần 20 triệu đồng tiền công đức.

Điều đáng nói là, dù tập trung điều tra nhưng 10 năm qua, lực lượng chức năng chỉ làm rõ, khởi tố được 1/30 vụ việc. Lý giải điều này, theo Thiếu tá Nguyễn Ngọc Điệp, Phó trưởng Phòng Cảnh sát hình sự (Công an tỉnh), do hiện trường các vụ án là nơi tập trung nhiều người qua lại nên khó sàng lọc đối tượng nghi vấn. Trong khi đó, tài sản mất cắp không được lưu giữ hình ảnh, đặc điểm nhận dạng; nhiều vụ việc khi phát hiện thì tài sản đã bị mất từ lâu, gây khó khăn cho công tác điều tra. Ngoài ra, quá trình định giá tài sản còn nhiều trở ngại nên ảnh hưởng tới việc định khung và phân cấp điều tra, xử lý.

Cũng theo cơ quan chức năng, loại tội phạm trên diễn biến phức tạp trong thời gian gần đây là do lợi nhuận từ mua bán đồ cổ lớn, công tác bảo vệ tại các di tích còn hạn chế. Đặc biệt, trong số 2,2 nghìn di tích mới có khoảng 700 di tích được xếp hạng (đa số đã thành lập ban quản lý di tích), số còn lại chủ yếu do người cao tuổi thay phiên trông coi vào ban ngày, còn ban đêm hầu như vắng vẻ.

Để ngăn chặn trộm cắp di vật, cổ vật, Phòng An ninh chính trị nội bộ (Công an tỉnh), công an địa phương tiếp tục phối hợp với cấp ủy, chính quyền, một số ngành, cơ sở đẩy mạnh tuyên truyền, thông báo thủ đoạn mới của tội phạm trộm cắp di vật, cổ vật để phòng ngừa, giáo dục chung. Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị, địa phương tập trung nắm tình hình, áp dụng các biện pháp nghiệp vụ để dựng chân dung tội phạm, nâng tỷ lệ điều tra đối với án trộm cắp tại các đình, chùa. 

Về trách nhiệm của ngành, ông Trần Minh Hà, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: Sở sẽ tham mưu cho tỉnh ban hành quy định cụ thể trách nhiệm, quyền hạn đối với thành viên ban quản lý di tích từng cấp. Đề xuất đến các cơ quan có thẩm quyền bổ sung, chỉnh sửa quy định pháp luật cho phù hợp, nâng chế tài xử phạt đối với hành vi xâm hại di tích lịch sử, văn hóa để răn đe, phòng ngừa chung.

Từng bước áp dụng khoa học công nghệ như: Lắp đặt chíp định vị đối với di vật, cổ vật có niên đại lớn, bố trí camera theo dõi, hệ thống báo động chống trộm, cháy nổ và lưu trữ hình ảnh… để kịp thời phát hiện khi có đối tượng nghi vấn lẻn vào. Đồng thời, chính quyền địa phương quan tâm gia cố hệ thống khóa cửa, tường bao; bố trí lực lượng tuần tra, trông coi tại những khu vực có nhiều di vật, cổ vật.

Ngọc Anh
Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...