Thứ bảy, 27/04/2024
Bắc giang 31 °C / 28 - 40 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

An ninh
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Bảo đảm ATGT: Ngăn ngừa tai nạn từ xe đạp, xe máy điện

Cập nhật: 09:36 ngày 11/05/2017
(BGĐT) - Gần đây, tình trạng người điều khiển xe đạp, xe máy điện không đội mũ bảo hiểm (MBH), chở quá số người, lạng lách đánh võng xuất hiện khá phổ biến, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông (ATGT). Nhiều vụ tai nạn giao thông (TNGT) đã xảy ra do nguyên nhân từ người điều khiển xe đạp, xe máy điện.
{keywords}

Ba học sinh đi xe đạp điện vi phạm ATGT.  Ảnh chụp tại đường Ngô Gia Tự (TP Bắc Giang).

Tai nạn thương tâm

Với ưu điểm gọn nhẹ, không cần bằng lái, không tốn xăng nên xe đạp, xe máy điện (gọi chung là xe đạp điện) được nhiều người cao tuổi và học sinh sử dụng. Tuy nhiên, thời gian qua trên địa bàn tỉnh xảy ra nhiều vụ va chạm, TNGT liên quan đến loại phương tiện này. Sáng 15-4, tại ngã tư Nguyễn Doãn Địch, phường Trần Nguyên Hãn (TP Bắc Giang) xảy ra vụ va chạm giữa xe ô tô và xe đạp điện khiến ông Giáp Văn Trại ở khu dân cư số 3 bị thương. Nguyên nhân một phần là do người điều khiển xe đạp điện không nhường đường cho xe ô tô tại điểm giao cắt. 

Từ đầu năm đến nay, Công an TP Bắc Giang phát hiện, xử lý 151 trường hợp vi phạm giao thông liên quan đến xe đạp, xe máy điện, tăng 20% so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, từ ngày 15-3 đến 15-5, Công an TP mở đợt cao điểm kiểm tra, xử lý vi phạm đối với phương tiện xe đạp, xe máy điện.

Trước đó, ngày 10-2, tại đường Lý Thái Tổ, phường Trần Phú (TP Bắc Giang), xe đạp điện BKS 98MD1 - 026.57 do em Ngô Tuấn Anh (SN 2000) ở phường Mỹ Độ điều khiển không nhường đường cho người đi bộ và đâm bà Vũ Thị Lương ở đường Nguyễn Văn Mẫn, phường Trần Phú bị thương. Đến bây giờ nhiều người dân xã Quý Sơn (Lục Ngạn) chưa quên vụ tai nạn thương tâm cuối năm 2016, khi xe đạp điện BKS 98MD2 - 021.57 va chạm với xe ô tô BKS 98B - 013.33 làm hai em học sinh đi xe đạp điện một tử vong, một bị thương nặng. 

Trên đây là ba trong số hàng chục vụ TNGT liên quan đến xe đạp điện xảy ra gần đây. Điều đáng nói là người bị thương trong các vụ va chạm có liên quan đến xe đạp điện thường là người già và học sinh. 

Ý thức người điều khiển chưa cao 

Cùng tổ tuần tra Công an TP Bắc Giang và Phòng Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh) làm nhiệm vụ vào giờ cao điểm, trên nhiều trục đường chính, chúng tôi thấy những tốp học sinh đi xe đạp điện dàn hàng ngang, nhiều em không đội MBH vừa chạy tốc độ cao vừa lạng lách, đùa nghịch. Không chỉ vậy, một số người lớn tuổi cũng không đội MBH khi đi xe đạp điện và tìm cách đối phó khi thấy lực lượng chức năng. 

Thượng úy Giáp Văn Khương, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông (Công an TP Bắc Giang) nói: “Nhiều trường hợp khi thấy lực lượng chức năng mới dừng lại lấy MBH treo trên xe để đội hay rẽ vào ngõ nhỏ gần đó, thậm chí quay ngược bỏ chạy. Điều này cho thấy ý thức chấp hành luật lệ giao thông của một bộ phận người điều khiển xe đạp điện rất hạn chế”.  

Theo đánh giá của Ban ATGT tỉnh, nguyên nhân dẫn đến TNGT ở người điểu khiển xe đạp điện một phần vì chủ quan do vẫn coi loại phương tiện này không khác gì xe đạp thông thường. Nhưng thực tế, đa phần xe đạp điện có thể đi ở tốc độ từ 35 - 40 km/h. Cũng vì sử dụng điện nên phương tiện không có tiếng động cơ khiến người tham gia giao thông khác khó để ý. 

Tuyên truyền kết hợp xử lý nghiêm

Để ngăn ngừa TNGT nói riêng, hạn chế vi phạm nói chung từ xe đạp điện, thời gian qua, Sở Giáo dục và Đào tạo, Công an tỉnh đã phối hợp tuyên truyền pháp luật ATGT đến học sinh, sinh viên trên địa bàn tỉnh. Sở Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các trường nâng cao hiệu quả tuyên truyền, xác định nội dung chấp hành pháp luật giao thông là tiêu chí xếp loại thi đua của tập thể, cá nhân. Yêu cầu học sinh, sinh viên ký cam kết thực hiện và vận động gia đình chấp hành nghiêm túc pháp luật giao thông. Thực hiện nội dung này, nhiều trường đưa pháp luật giao thông vào giờ giáo dục công dân, sinh hoạt ngoại khóa, xây dựng tủ sách pháp luật, cổng trường ATGT… 

Trao đổi với thầy giáo Lưu Hải An, Hiệu trưởng Trường THPT Ngô Sĩ Liên (TP Bắc Giang) được biết, nhằm giúp học sinh nâng cao hiểu biết pháp luật, trong giờ chào cờ đầu tuần, nhà trường tổ chức tuyên truyền, nhắc nhở học sinh tuân thủ quy định khi tham gia giao thông. Trường hợp không chấp hành sẽ bị phê bình công khai trước lớp và trên bản tin toàn trường, gửi thông báo về gia đình yêu cầu phối hợp quản lý trong việc sử dụng phương tiện. 

Bên cạnh đẩy mạnh tuyên truyền, theo Trung tá Ngô Văn Phục, Phó trưởng Phòng Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh), để tăng tính răn đe, hiện lực lượng công an tăng cường các đợt kiểm tra chuyên đề, kiên quyết xử lý các đối tượng đi xe đạp điện không đội MBH, không chấp hành tín hiệu giao thông, chở quá số người quy định. Nếu phát hiện trường hợp vi phạm sẽ xử lý nghiêm và gửi thông báo về nhà trường. Cùng với sự vào cuộc tích cực của ngành chức năng, mỗi phụ huynh cần quan tâm sát sao đến con em mình, thường xuyên nêu gương và nhắc nhở, trang bị cho các em những kiến thức cần thiết khi tham gia giao thông.

Việt Anh

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...