Thứ tư, 24/04/2024
Bắc giang 26 °C / 24 - 32 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

An ninh
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

"Kiều nữ" lừa tiền tỷ bằng chiêu xin việc và lãi suất cao

Cập nhật: 09:15 ngày 15/05/2017
(BGĐT) - Đánh bóng tên tuổi bằng những món đồ dùng sang trọng, đắt tiền và đeo "mác" cán bộ nhà nước, Giáp Thị Thu Hồng (SN 1983), hộ khẩu thường trú tại tổ dân phố Giáp Hải, phường Dĩnh Kế (TP Bắc Giang) đã lừa đảo, chiếm đoạt hàng tỷ đồng của nhiều người trong và ngoài tỉnh.
{keywords}

Đối tượng Giáp Thị Thu Hồng khoe "xế" xịn trên trang cá nhân. Nguồn ảnh: Facebook

Làm kế toán hợp đồng tại một bệnh viện lớn trên địa bàn tỉnh, Giáp Thị Thu Hồng có gương mặt ưa nhìn, giao tiếp khéo léo, Vì thế, Hồng khiến nhiều người tin vào vỏ bọc hào nhoáng do mình tạo nên. Hồng thường xuyên khoe khoang quen biết với nhiều cán bộ và có khả năng xin việc làm vào ngành y. Từ vỏ bọc này, đối tượng đã khiến nhiều người sập bẫy, lao đao vì trót đưa tiền cho thị.

Bà Nguyễn Thị H ở xã Hợp Đức (Tân Yên) là một trong những nạn nhân. Vì muốn con cháu được làm việc tại đơn vị y tế trên địa bàn huyện, bà đã đưa cho Hồng hơn 700 triệu đồng để xin việc cho ba trường hợp. Nhằm lấy lòng tin của bị hại, sau khi nhận tiền, Hồng làm cam kết, hứa sau 6 tháng sẽ xin được việc. Thế nhưng, hết thời hạn trên, người thân của bà H chẳng ai nhận được kết quả. Khi bà yêu cầu hoàn lại tiền thì đối tượng khất lần. Gia đình bà cũng vì chuyện này mà lục đục. Hơn một năm trời bà mất bao công sức nhưng vẫn không đòi được khoản tiền trên. Giờ đây, bà H chỉ biết tự trách mình vì đã quá tin tưởng lời hứa của kẻ lừa đảo mà bỏ qua cảnh báo của gia đình và khuyến cáo cơ quan chức năng để rồi “tiền mất, tật mang”.

Tương tự, ông Nguyễn Khắc H ở xã Đồng Hưu (Yên Thế) vì nóng lòng lo cho con nhanh chóng có công việc ổn định mà tin vào lời hứa của đối tượng. 200 triệu đồng tích góp sau nhiều năm giờ coi như mất trắng vì khả năng hoàn trả của Hồng hầu như không có. Ông H ngậm ngùi coi đó là bài học đối với bản thân và gia đình.

Với chiêu lừa dưới hình thức xin việc làm, Hồng đưa ra mức giá từ 200-500 triệu đồng tùy từng vị trí. Các bị hại phải đặt cọc cho thị từ 30 - 50% tổng số tiền và đưa nốt sau khi có kết quả. Tuy nhiên, các trường hợp trên đều không nhận được thông báo đi làm. Khi liên lạc, Hồng viện lý do để trốn tránh. 

Đến nay, Phòng PC45 đã nhận được 9 đơn tố cáo của các cá nhân về hành vi lừa đảo của Giáp Thị Thu Hồng. Số tiền đối tượng chiếm đoạt của các bị hại hơn 13 tỷ đồng. Cơ quan điều tra đề nghị ai là nạn nhân của Hồng liên hệ với Phòng PC45, tòa nhà Q5, đường Hoàng Văn Thụ (TP Bắc Giang) theo số điện thoại: (0204) 3854.666 để trình báo.

Không chỉ tin vào những lời có cánh về khả năng xin việc trong ngành y, nhiều người vì ham lãi suất “trên trời” nên cũng rơi vào bẫy của Hồng. Với mức lãi huy động từ 5-15 nghìn đồng/triệu đồng/ngày, lãi suất cắt trước hoặc viết gộp vào giấy vay tiền, có những người sẵn sàng trao cho Hồng bạc tỷ mà không cần tài sản thế chấp. Anh Nguyễn Tiến T ở phường Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai (Hà Nội) là một ví dụ. Từ tháng 6-2015, anh T và vợ đã chuyển cho Hồng gần 6,3 tỷ đồng. Nạn nhân cho biết, thời gian đầu Hồng trả lãi rất sòng phẳng và tỏ ra rộng rãi đối với việc chi tiêu nên anh chị rất tin tưởng giao tiền.

Quá trình điều tra, lực lượng công an xác định có 5 người ở TP Bắc Giang, huyện Tân Yên, Lục Ngạn và TP Hà Nội bị Hồng lừa gần 12 tỷ đồng với hình thức cho vay lãi suất cao. Tại cơ quan điều tra, đối tượng cho biết: Do việc kinh doanh xuất khẩu lạc tươi bị thua lỗ khoảng 7 tỷ đồng nên Hồng phải vay lãi suất cao trang trải nợ nần, chi tiêu cá nhân. Lãi mẹ đẻ lãi con, vay chỗ này đậy chỗ kia khiến thị rơi vào vòng luẩn quẩn vay trả-trả vay. Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam Giáp Thị Thu Hồng về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. 

Thượng úy Chu Văn Hiệu, Phòng Cảnh sát hình sự (PC45-Công an tỉnh) cho biết: Đây là vụ án nghiêm trọng do mức độ thiệt hại lớn, liên quan đến nhiều người trong và ngoài tỉnh. Thủ đoạn lừa đảo của đối tượng không mới, chủ yếu lợi dụng uy tín và đánh vào lòng tham của một số nạn nhân. Để tránh bị lợi dụng lừa đảo chiếm đoạt tài sản, người dân khi muốn biết thông tin việc làm, tuyển dụng cần trực tiếp đến các cơ quan chuyên trách như Sở Nội vụ, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tìm hiểu thông tin chi tiết. Đối với việc huy động vốn với lãi suất cao hay tín dụng “đen”, cá nhân có tài sản cần nêu cao cảnh giác, phòng ngừa khi giao tiền cho người khác, đừng vì hám lời mà "mất cả chì lẫn chài”.

Ngọc Anh

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...