Thứ sáu, 26/04/2024
Bắc giang 31 °C / 26 - 37 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

An ninh
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Khó khăn trong quản lý người nghiện ma túy

Cập nhật: 08:32 ngày 29/05/2017
(BGĐT) - Ma túy là hiểm họa đối với con người. Tệ nạn ma túy kéo theo bao hệ lụy về kinh tế, sức khỏe, an ninh trật tự. Tuy vậy, việc quản lý người nghiện cũng như tổ chức cai nghiện ma túy hiện nay còn gặp nhiều khó khăn. 
{keywords}

Người cai nghiện lao động tại Trung tâm Giáo dục lao động xã hội.

Chúng tôi đến Trung tâm Giáo dục lao động xã hội tại xã Ngọc Châu (Tân Yên), nơi đang điều trị cho 70 người đến cai nghiện thuộc diện bắt buộc và tự nguyện. Chia sẻ với chúng tôi, anh Chu Đức H (SN 1983), trú tại huyện Việt Yên kể, anh bắt đầu nghiện từ năm 2014, ban đầu người thân không ai biết. Khi phát hiện, gia đình sợ mang tiếng với làng xóm, lo anh đi trộm cắp nên đành cung cấp tiền sử dụng ma túy. Được một thời gian thì tài sản trong nhà chẳng còn gì bởi mỗi ngày anh tiêu 700-800 nghìn đồng cho việc hút hít. Bản thân day dứt, được cha mẹ và vợ động viên, H đã lên Trung tâm để cai nghiện. Sau khi được điều trị, anh hết cảm giác thèm thuốc và đang nỗ lực từng ngày để trở lại cuộc sống bình thường. 

Hầu hết doanh nghiệp tuyển lao động đều đề nghị có xác nhận của công an là không có tiền án, tiền sự, không nghiện ma túy thì mới tiếp nhận. Bởi vậy, những người sau cai về địa phương chủ yếu làm nghề tự do hoặc không nghề nghiệp, nay đây mai đó khiến chính quyền, đoàn thể, công an cơ sở khó tiếp cận để giáo dục, quản lý. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng tái nghiện.

Được biết, tại Trung tâm, ngoài việc điều trị, các cán bộ còn tuyên truyền, hướng dẫn, động viên những người đến cai nghiện, định hướng tư tưởng cho họ. Ông Nguyễn Hữu Thắng, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục lao động xã hội cho biết: "Khi tiếp nhận người nghiện, chúng tôi tư vấn cách thức điều trị phù hợp. Ngoài thời gian lao động, Trung tâm tổ chức cho người cai nghiện nội trú tham gia hoạt động thể dục, thể thao như bóng chuyền, cầu lông, bóng đá để giúp họ rèn thể lực, cải thiện về tinh thần và yên tâm cai nghiện". 

Tại một số điểm, cơ sở điều trị nghiện ma túy thay thế bằng thuốc Methadone ở TP Bắc Giang, chúng tôi chứng kiến hằng ngày có hàng trăm bệnh nhân đến uống thuốc. Một bệnh nhân ở phường Đa Mai tâm sự: “Tôi nghiện ma túy từ khi còn trẻ và đã cai nhiều lần không thành công. Được các bác sĩ tư vấn, vài năm qua tôi duy trì uống Methadone hằng ngày và giờ sức khỏe đã tốt hơn, không còn phụ thuộc vào ma túy. Tuy vậy, từ hoàn cảnh của mình, tôi khuyên những ai có ý định thử dùng ma túy hãy dừng lại bởi dứt được ma túy là hành trình vô cùng khó khăn". 

Bằng những nỗ lực to lớn, các cấp, ngành ở Bắc Giang đang tập trung cao cho công tác quản lý người nghiện và điều trị cai nghiện nhằm giảm bớt tác hại của tệ nạn ma túy với cộng đồng. Tuy vậy, có một thực tế là số bệnh nhân tái nghiện vẫn ở mức cao. Tại Trung tâm Giáo dục lao động xã hội, chúng tôi đã gặp những người từng cai nghiện và tái nghiện nhiều lần, có những trường hợp quay lại Trung tâm đến lần thứ 14, 15. Trên địa bàn tỉnh hiện có hàng nghìn người nghiện, hơn 180 xã, phường, thị trấn có người nghiện. Tình trạng sử dụng ma túy tổng hợp có xu hướng tăng, nhiều trường hợp bị ảo giác, có hành vi nguy hiểm cho xã hội như cố ý gây thương tích, gây rối trật tự công cộng… Điển hình như vụ đối tượng Nguyễn Phú Vĩnh (SN 1977), trú tại tổ dân phố Phú Mỹ 3, phường Dĩnh Kế (TP Bắc Giang) đánh vợ bị thương nặng. Sau đó, Vĩnh bế con lên ban công tầng hai và đe dọa nếu ai đến gần sẽ đẩy cháu bé xuống. Được biết, Vĩnh nghiện ma túy và từng điều trị bằng Methadone…

Theo quy định, sau khi xác định được người có sử dụng các chất ma túy, lực lượng chức năng sẽ lập hồ sơ quản lý và áp dụng các biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn và thực hiện cai nghiện. Tuy vậy, để xác định được đối tượng có sử dụng ma túy, nhất là ma túy đá, ma túy tổng hợp hay không còn gặp những trở ngại nhất định. Trung tá Nguyễn Công Nam, Trưởng Công an phường Trần Phú (TP Bắc Giang) cho biết: "Việc xác định đối tượng nghiện để vận động họ đi cai rất nan giải. Không ít gia đình đến nay vẫn có tâm lý che giấu tình trạng nghiện của con em mình nên không hợp tác với công an. Số đối tượng sau cai về địa phương khó tìm việc làm ổn định". 

Trước thực tế trên, để nâng cao hiệu quả công tác quản lý người nghiện và người nghiện sau cai rất cần sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng với gia đình người nghiện, cộng đồng xã hội trong việc tuyên truyền, hỗ trợ, giúp họ thay đổi nhận thức và hành vi, tự nguyện và quyết tâm cai nghiện, uống thuốc Methadone thường xuyên. Đồng thời tạo cơ hội việc làm cho người nghiện.

Phạm Linh

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...