Thứ ba, 23/04/2024
Bắc giang 31 °C / 24 - 29 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

An ninh
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Xe công nông, xe tự chế: Cấm 10 năm... vẫn lưu hành

Cập nhật: 13:42 ngày 03/07/2017
(BGĐT) - Là phương tiện tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông, xe công nông, xe tự chế ba, bốn bánh đã bị đình chỉ lưu hành từ năm 2008. Đến nay, sau 10 năm, loại xe này vẫn hoạt động trên nhiều tuyến đường trong tỉnh Bắc Giang, đặc biệt là đường liên thôn, xã. 
{keywords}

Cảnh sát giao thông Công an huyện Yên Dũng xử lý xe ba bánh tự chế.  Ảnh chụp chiều 30-6.

Cấm thì... kệ cấm!

Chiều 30-6, Cảnh sát giao thông (CSGT) Công an huyện Yên Dũng tuần tra, kiểm soát trên tuyến đường gần khu vực cầu Bến Đám (thị trấn Neo), phát hiện anh Lưu Văn Thảo, trú tại xã Đồng Sơn (TP Bắc Giang) điều khiển xe ba bánh tự chế chở vật liệu xây dựng từ bến cát sỏi ở chân cầu đến một công trình gần đó. Hỏi anh có biết phương tiện này đã bị cấm lưu thông từ nhiều năm? Anh Thảo phân trần: "Tôi có biết, nhưng bản thân công ăn việc làm không ổn định; mua ô tô thì không đủ khả năng nên sẵn có chiếc xe này đành cứ chạy. Gặp công an thì tránh vào nhà ai đó, nghe ngóng rồi lại đi". Với lỗi vi phạm này, anh Thảo bị xử phạt 1,5 triệu đồng, tạm giữ xe 7 ngày. Sau đó anh sẽ phải làm đơn chuyển đổi công năng sử dụng, tháo dỡ xe, cam kết không lưu hành loại phương tiện như vậy. 

Theo Đại úy Thân Mạnh Cường, Đội phó Đội CSGT Công an huyện Yên Dũng, ước trên địa bàn huyện còn hơn 100 xe loại này đang lưu hành. 6 tháng đầu năm, Công an huyện xử lý 52 trường hợp với số tiền hơn 80 triệu đồng.

Sự tiện lợi, giá cả hợp lý đã khiến nhiều người dân thuê xe công nông, xe tự chế ba, bốn bánh để vận chuyển hàng hóa, vật liệu xây dựng… Còn các chủ xe thì thấy cái lợi mà phớt lờ quy định cấm, chẳng quan tâm đến sự an toàn của người khác cũng như bảo vệ môi trường. 

Theo ghi nhận của phóng viên, loại xe này tồn tại ở rất nhiều nơi. Chỉ riêng đoạn đường khoảng 3 km ở khu vực dốc Đèo Me, vùng Tứ Sơn (Lục Nam), dọc hai dãy nhà bám sát trục đường tỉnh 293 chúng tôi thấy mấy chục xe đậu đỗ. Tại các thị trấn, thị tứ, chỗ nào có cửa hàng vật liệu xây dựng, đồ nội thất; bến cát sỏi, gạch… là ở đó có xe tự chế đợi "ăn" hàng. Có xe còn ghi quảng cáo "nhận chở hàng" kèm theo số điện thoại liên hệ. 

Nguy cơ tai nạn giao thông cao

Theo Trung tá Ngô Văn Phục, Phó Trưởng phòng CSGT Công an tỉnh, loại xe này tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông rất cao. Đây là phương tiện do các cơ sở sản xuất tự phát thiết kế, không bảo đảm các chỉ số an toàn, chắp vá từ nhiều vật liệu, người điều khiển thường cố nhét cho đầy chuyến, chở một thể tránh đi lại nhiều lần. 

Vận tốc từ 40-60 km/giờ cộng với tâm lý trốn tránh sự kiểm tra, xử phạt của CSGT, kết hợp với chạy vào sáng sớm hoặc chiều tối trong khi điều kiện ánh sáng, các thiết bị gương, còi, đèn không có nên rất nguy hiểm. Người điều khiển phương tiện này hầu như không được đào tạo, đa số là lao động giản đơn ở nông thôn, không có giấy phép lái xe.

{keywords}

Xe công nông chở cồng kềnh trên tuyến đường từ phố Kép đi phố Bằng (Lạng Giang). Ảnh: Ngọc Dư.

Lý giải việc xe tự lắp ráp vẫn hoạt động mặc dù bị cấm lưu hành đã 10 năm, nhiều ý kiến cho rằng: Lực lượng CSGT không thể có mặt ở khắp các tuyến đường ngang, ngõ tắt để kiểm tra, xử phạt dẫn đến một bộ phận nhờn luật, bất chấp quy định. Bên cạnh đó, việc thực hiện chính sách hỗ trợ các gia đình có phương tiện bị đình chỉ hoạt động để chuyển đổi ngành nghề, phương tiện chưa thật kỹ lưỡng, sâu sát. Theo tính toán, giá trị mỗi xe khoảng 80 triệu đồng, đây là tài sản lớn so với mức thu nhập của nông dân nên việc bị tạm giữ hay dỡ bỏ để chuyển đổi công năng cũng khiến họ… tiếc nuối, dẫn đến cố giữ lại, chở thuê được đồng nào hay đồng đấy bất chấp pháp luật đã cấm. 

Để Nghị quyết 32/2007/NQ-CP của Chính phủ về một số giải pháp cấp bách nhằm kiềm chế tai nạn và ùn tắc giao thông thực sự đi vào cuộc sống thì ý thức tham gia giao thông và chấp hành luật của chủ phương tiện phải được nâng cao. Lực lượng thanh tra, cảnh sát giao thông làm hết trọng trách của mình, ngoài yêu cầu chấm dứt hoạt động vận tải, lưu thông trên đường thì các chế tài mạnh tay cũng cần được các cơ quan quản lý nhà nước đưa ra. Những trường hợp cố tình vi phạm sẽ bị tịch thu, xử lý bán phế liệu, sung vào công quỹ. 

Các nhà quản lý, các ban, ngành liên quan quan tâm lợi ích của chủ phương tiện nhằm tạo điều kiện cho họ chuyển nghề, hỗ trợ lãi suất ưu đãi mua xe mới đủ điều kiện lưu hành để họ có công ăn việc làm, bảo đảm cuộc sống cho bản thân và gia đình. Nghiên cứu, xem xét điều kiện, nhu cầu thực tế, sự tiện lợi của phương tiện này ở vùng nông thôn, nhất là khu vực miền núi, vùng cao, nếu thấy đủ điều kiện bảo đảm an toàn giao thông thì nên cấp phép lưu hành.

Thu Phong

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...