Thứ sáu, 26/04/2024
Bắc giang 33 °C / 26 - 37 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

An ninh
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Vì nước bạn, chúng tôi sẵn sàng hy sinh

Cập nhật: 09:43 ngày 18/07/2017
(BGĐT) - Một vị tướng lĩnh nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào từng khẳng định: “Mọi thành công của cách mạng Lào đều có sự đóng góp to lớn của Việt Nam”. Trên tinh thần “giúp bạn là giúp mình”, quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam luôn kề vai sát cánh cùng nhân dân Lào vượt qua khó khăn, chiến đấu ngoan cường, giành nhiều chiến công sáng chói. Bao năm tháng đã qua nhưng kỷ niệm về đất nước Triệu Voi vẫn vẹn nguyên trong họ.
{keywords}

Ông Trịnh Quang Tuyến (bên trái) kể với đồng đội kỷ niệm chiến đấu giúp cách mạng Lào.

Ông Nguyễn Hữu Tự (SN 1940) ở thôn Tân An, xã An Thượng (Yên Thế), cựu quân tình nguyện Việt - Lào có 11 năm chiến đấu bên đất bạn. Quãng thời gian ấy để lại trong ông bao kỷ niệm. Năm 1964, ông hành quân sang nước bạn Lào, biên chế tại Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 335 - một trong những đơn vị chủ lực trên nhiều mặt trận. Vượt qua khó khăn về địa hình, thời tiết, cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn luôn nêu cao tinh thần "giúp bạn là giúp mình", cùng chiến đấu chống kẻ thù chung.

Nhớ lại chiến dịch tấn công Nậm Bạc năm 1968, ông Tự bồi hồi: “Khi đó, chúng tôi đã quen với địa hình, chiến trường, nhiều bài học kinh nghiệm khi tác chiến được đúc rút. Quân ta đã chiếm nhiều vùng quan trọng, tạo thế dồn ép, chia rẽ địch. Toàn thể cán bộ, chiến sĩ đều quyết tâm tiêu diệt tối đa sinh lực địch, mở rộng vùng giải phóng”.

Phối hợp cùng nhiều đơn vị khác, Tiểu đoàn 3 tập trung đánh địch ngoài công sự, kết hợp đánh các điểm quan trọng. Tranh thủ những lúc im tiếng súng, các ông san sẻ từng miếng lương khô, kiểm tra vũ khí và động viên nhau chiến đấu tới cùng. “Chỉ sau thời gian ngắn tiến công, quân ta làm chủ trận địa, địch rơi vào thế vỡ trận. Chúng tôi thu giữ nhiều vũ khí, trang bị chiến tranh của địch. Cuối tháng 1-1968, chiến dịch Nậm Bạc toàn thắng”, ông Tự chia sẻ. 

Ban Liên lạc Quân tình nguyện và Chuyên gia quân sự Việt Nam giúp cách mạng Lào tỉnh Bắc Giang hiện có gần 2 nghìn hội viên. Những năm gần đây, Ban Liên lạc thường tổ chức cho hội viên đi viếng các nghĩa trang liệt sĩ, nơi có đồng đội hy sinh. Nhiều cựu chiến binh được nhận huân chương, huy chương của Nhà nước Lào. Trong thâm tâm mỗi người lính, tình cảm Việt - Lào luôn thiêng liêng, cao quý.

Trong căn nhà ở tổ dân phố Chi Ly 2, phường Trần Phú (TP Bắc Giang), Đại tá Trịnh Quang Tuyến (SN 1948) say sưa kể về những ngày chiến đấu trên cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng. Kỷ niệm sâu sắc nhất của ông là cùng đồng đội giữ chốt trên cao điểm Phu Khé năm 1973. Đây là chốt có vị trí quan trọng, mở lối thuận lợi để đánh vào cánh đồng Chum. Tình thế cấp bách, địch ném bom, sử dụng bộ binh liên tục tiến công hòng chiếm lại chốt. Có thời điểm, ông cùng đồng đội phải cơ động dưới giao thông hào nhằm tránh mưa bom bão đạn của kẻ thù. Trong một ngày chiến đấu ngoan cường, trung đội của ông chỉ có hơn 20 người đã bẻ gãy nhiều mũi tiến công của địch.

Ông Tuyến cũng không bao giờ quên quãng thời gian những người lính tình nguyện chia sẻ từng cân gạo, hạt muối, cọng rau giữa chiến trận. Kỷ niệm còn là những ngày chống chọi với từng cơn sốt rét, anh em nhường nhau tấm áo sờn chỉ, chiếc chăn bạc màu. Dù gặp muôn vàn khó khăn, gian khổ nhưng quân tình nguyện tỉnh Bắc Giang nói riêng luôn sát cánh cùng nhân dân Lào, xây dựng và phát triển vững mạnh nhiều khu căn cứ. Những cán bộ, chiến sĩ quân tình nguyện đã coi mảnh đất, con người Lào như quê hương, anh em ruột thịt, ra sức mở rộng và xây dựng vùng giải phóng.

Tại những vùng giải phóng, quân tình nguyện củng cố nhà cửa, thu hoạch hoa màu, tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho nhân dân Lào. Thỉnh thoảng, bà con đốt lửa trại mời Bộ đội Cụ Hồ cùng ca hát, múa Lăm-vông. Suốt những năm chiến đấu giúp nước bạn, nhiều chiến sĩ khi bị thương được nhân dân các bộ tộc Lào quan tâm giúp đỡ, vận chuyển bằng cáng đến căn cứ đội phẫu thuật của mặt trận. Nhờ sự đoàn kết, ý chí quyết tâm chiến đấu, quân tình nguyện Việt Nam cùng với bạn đã đánh bại “Chiến tranh đặc biệt” và “Chiến tranh đặc biệt tăng cường” của Mỹ, góp phần để ngày 2-12- 1975 nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào chính thức thành lập.

Mạc Yến

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...