Thứ năm, 18/04/2024
Bắc giang 29 °C / 25 - 28 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

An ninh
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Lục Ngạn: 4 kế toán bị khởi tố - “lỗ hổng” quản lý tài chính trường học

Cập nhật: 09:49 ngày 26/07/2017
(BGĐT) - Cuối năm 2016, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) tiếp nhận 4 tin báo liên quan đến hành vi tham nhũng. Đáng chú ý, các hành vi này đều do 4 nam kế toán ở các trường học gây ra, làm thất thoát tài sản lớn của Nhà nước. 
{keywords}

Trường THCS Nam Dương, nơi đối tượng Dương Đình Mạnh có thời gian dài làm kế toán.

Lập chứng từ khống, rút tiền chi tiêu cá nhân

Từ tháng 8-2011 đến tháng 11-2016, Ngọc Thanh Sơn (SN 1987) là kế toán Trường Tiểu học Giáp Sơn lập hồ sơ, làm nhiều hợp đồng mua bán hàng hóa khống, giả mạo chữ ký của hiệu trưởng để chuyển tiền từ tài khoản của trường ở Kho bạc Nhà nước huyện Lục Ngạn sang tài khoản của một số cửa hàng. Sau đó, Sơn nhờ họ rút tiền về đưa cho mình chi tiêu cá nhân. Quá trình điều tra đến thời điểm này, số tiền Sơn chiếm đoạt gần 4 tỷ đồng (trước đó có thông tin là gần 2,5 tỷ đồng).

Cũng với thủ đoạn tương tự, Dương Đình Mạnh (SN 1985), kế toán Trường THCS Nam Dương có nhiệm vụ theo dõi, lập hồ sơ quyết toán các khoản ngân sách, làm thủ tục rút dự toán do Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện phân bổ cho trường. Mạnh đã tự ý lập một số chứng từ, giả mạo chữ ký của hiệu trưởng, đồng thời móc nối với một chủ cửa hàng trên địa bàn huyện viết hóa đơn khống để rút tiền hơn 1 tỷ đồng chi tiêu cá nhân. Đến nay, Mạnh không có khả năng thanh toán.

Là kế toán Trường Tiểu học Kim Sơn, Vi Quang Dự (SN 1982) đã lập chứng từ khống, tự nâng lương cho một số cán bộ, giáo viên của trường. Bên cạnh đó, một số cán bộ, giáo viên của trường chuyển đi nơi khác nhưng Dự không làm báo cáo giảm lương để rút gần 137 triệu đồng. 

Tăng Văn Hanh (SN 1985) là kế toán Trường THCS Phong Minh. Cũng với thủ đoạn giả mạo chữ ký, lập hồ sơ khống, Hanh tư túi 67,2 triệu đồng. 

Căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Lục Ngạn thụ lý vụ Tăng Văn Hanh và Vi Quang Dự. Hai vụ còn lại chuyển Cơ quan Cảnh sát điều tra (Công an tỉnh) giải quyết theo thẩm quyền. 

Nguyên nhân sai phạm

Vì sao 4 kế toán ở các trường bậc phổ thông lại có thể dễ dàng rút được số tiền lớn trong thời gian dài như vậy? Qua tìm hiểu thực tế và nắm bắt thông tin từ Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng (PC46-Công an tỉnh), nguyên nhân xảy ra các sai phạm trên trước hết do các kế toán thiếu ý thức rèn luyện, chi tiêu vượt xa mức thu nhập chính đáng dẫn đến nợ nần, không có khả năng chi trả cho sự ăn chơi của mình dẫn đến “túng làm liều”. Công tác quản lý, cấp bổ sung ngân sách, kiểm tra, kiểm soát và giám sát việc thu chi của các cơ quan quản lý tài chính trên địa bàn huyện chưa được thường xuyên, chặt chẽ; có trường hợp không đúng với nhu cầu thực tế, sai quy định. 

{keywords}

Đối tượng Dương Đình Mạnh.

Bên cạnh đó, có sự buông lỏng của chủ tài khoản, thiếu kiến thức nghiệp vụ, nhiều khi xem nhẹ quy định quản lý tài chính nên tin tưởng giao toàn bộ cho kế toán. Cũng không loại trừ khả năng hiệu trưởng bị kế toán “gài bẫy” làm trái quy định pháp luật mà không biết. Việc quản lý cán bộ, quản lý con dấu còn lỏng lẻo. Công tác thanh tra ở các trường hiện nay còn nhiều hạn chế, thiếu dân chủ trong cơ quan. Việc đôn đốc kiểm tra, đánh giá, rút kinh nghiệm của cấp ủy, chính quyền về quản lý tài chính chưa được coi trọng dẫn đến lỗ hổng. Đặc biệt, công tác luân chuyển cán bộ làm kế toán tại các trường học chưa thực hiện thường xuyên theo các quy định hiện hành về danh mục các vị trí công tác và thời hạn định kỳ chuyển vị trí công tác đối với cán bộ công chức, viên chức.

Giải pháp phòng ngừa

Từ các vụ án trên cho thấy, để công tác quản lý tài chính trong trường học được minh bạch, hiệu quả, góp phần phòng ngừa vi phạm và tội phạm, các cơ quan chuyên môn trực thuộc UBND huyện Lục Ngạn cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát tài chính; rà soát lại việc thu chi ngân sách tại các trường học để có biện pháp quản lý hiệu quả. Ngoài chứng từ hợp lệ, hợp pháp của ngành cần quan tâm đến tính hợp lý của mặt hàng đề xuất mua sắm, xem xét có đúng với thực tế sử dụng hay không, nếu thấy không phù hợp phải dừng ngay việc quyết toán. Tăng cường quản lý nhà nước ở các cửa hàng kinh doanh, nhất là việc mua bán hóa đơn trái pháp luật.

Phòng Nội vụ, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện rà soát các vị trí công tác và thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí làm việc đối với cán bộ, công chức, viên chức để tham mưu đề xuất ra quyết định điều động bảo đảm đúng quy định. Các cấp quản lý cần mở những lớp bồi dưỡng, tập huấn về quản lý tài chính để hiệu trưởng, chủ tài khoản nâng cao hiểu biết. Các khoản thu chi phải được công khai, bàn bạc thống nhất trong toàn hội đồng nhà trường, tạo điều kiện cho tập thể, cá nhân dễ dàng thanh tra giám sát công tác tài chính.

Thu Phong

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...