Thứ sáu, 19/04/2024
Bắc giang 27 °C / 23 - 36 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

An ninh
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Cấm nhưng nhiều hộ dân vẫn lén trồng cần sa, anh túc

Cập nhật: 09:16 ngày 17/08/2017
(BGĐT) - Cần sa, anh túc là hai loại cây bị cấm trồng, chế biến, tiêu thụ... dưới bất kỳ hình thức nào. Tuy vậy, bất chấp quy định, không ít người vẫn lén lút trồng để phục vụ nhu cầu gia đình, có trường hợp trồng lấy cây, quả bán kiếm lời.
{keywords}

Số cần sa bị thu giữ tại vườn nhà anh Nguyễn Hoài Hưng, thôn Chồi 1, xã Lục Sơn (Lục Nam).

Mặc dù chính quyền địa phương, ngành chức năng đã quan tâm tuyên truyền, cảnh báo hệ lụy của việc trồng cây có chứa chất ma túy (cần sa, anh túc...), thế nhưng một số hộ dân trên địa bàn tỉnh vẫn lén lút trồng. Đơn cử, mới đây, lực lượng chức năng phát hiện tại khu vườn rộng gần 300m2 của gia đình anh Nguyễn Hoài Hưng (SN 1984) ở thôn Chồi 1, xã Lục Sơn (Lục Nam) số lượng lớn cây cần sa đã đậu quả, được trồng thành từng luống như rau xanh. Anh Hưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính. Tại khu vườn bỏ hoang của một hộ dân xã Bình Sơn (Lục Nam), lực lượng chức năng phát hiện, tiêu hủy 35kg anh túc tươi. Do chủ nhà đi nước ngoài, không có người trông coi nên cơ quan chức năng chưa xác định được đối tượng vi phạm.

{keywords}

Trồng cần sa (bên trái) và anh túc (bên phải) là vi phạm pháp luật.

Trong một số trường hợp, có hộ lén trồng cần sa, anh túc xen kẽ với cây ăn quả. Tháng 6 vừa qua, Công an huyện Lục Ngạn phát hiện tại vườn của gia đình anh Nguyễn Văn Năng (SN 1978), thôn Thanh Giang, xã Trù Hựu nhiều cây anh túc trồng rải rác dưới gốc vải thiều. Anh Năng thừa nhận, qua thông tin truyền tai biết loại cây này có thể ngâm làm rượu thuốc để uống và chữa bệnh tiêu hóa cho gia súc, gia cầm nên mua cây giống của một người bán dạo về trồng. Dù biết là vi phạm nhưng nghĩ trồng ở nhà, số lượng ít nên không sao (?).

Người nào trồng cây thuốc phiện, cây cô ca, cây cần sa hoặc các loại cây khác có chứa chất ma túy, đã được giáo dục nhiều lần, đã được tạo điều kiện để ổn định cuộc sống và đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm thì bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Phạm tội có tổ chức hoặc tái phạm thì bị phạt tù từ 3 đến 7 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 1- 50 triệu đồng.
Nguồn: Điều 192, Bộ luật Hình sự

Khi bị cơ quan chức năng truy vấn, đa số đối tượng khai mục đích trồng loại cây chứa chất ma túy để phục vụ nhu cầu của gia đình. Tuy nhiên trên thực tế, cơ quan công an cũng đã từng phát hiện, bắt giữ đối tượng buôn bán loại cây cấm này. Hơn một năm trước, tại thôn Đồng Dinh, xã Tiên Nha, Công an huyện Lục Nam bắt quả tang Nguyễn Văn Phong (SN 1967) ở thôn Mỏ Vàng, xã Thiện Kỵ, huyện Hữu Lũng (Lạng Sơn) bán trái phép cây, lá, quả anh túc với giá 600-700 nghìn đồng/kg. Khám xét nơi ở của Phong, lực lượng công an thu giữ 23 kg anh túc. 

Thống kê cho thấy, từ đầu năm đến nay, lực lượng chức năng phát hiện 8 gia đình ở huyện Lục Nam và Lục Ngạn trồng cây chứa chất ma túy; thu giữ 68 kg nguyên liệu tươi (tăng hơn 60% trọng lượng cây tươi so với cùng kỳ năm trước). Các hộ vi phạm chủ yếu ở khu vực vùng cao, đồng bào dân tộc hoặc nơi có nhiều lao động làm việc ở Trung Quốc khi về mang theo loại cây này. Trước đó, tại huyện Sơn Động, Lạng Giang, lực lượng chức năng cũng phát hiện một số hộ vi phạm.

Được biết, hằng năm, vào mùa xuân (thời điểm thích hợp để cần sa hoặc anh túc nảy mầm), lực lượng công an phụ trách địa bàn đều có kế hoạch kiểm tra, rà soát, tuyên truyền, cảnh báo về hành vi trồng cây có chứa chất ma túy. Tuy nhiên hiệu quả công tác này chưa cao, số hộ bị phát giác đều đã trồng cách đó nhiều tháng. Thêm vào đó, việc xử lý người trồng cây chứa chất ma túy chủ yếu ở mức xử phạt vi phạm hành chính nên chưa có tính răn đe; nhận thức của người dân về việc cấm trồng, chế biến, tiêu thụ cây cần sa, anh túc chưa đầy đủ nên một số hộ vẫn lén lút trồng...

Cần sa, anh túc là hai trong số những loại cây có chứa chất gây nghiện, có hại cho sức khỏe con người và tiềm ẩn yếu tố phức tạp về an ninh trật tự ở cơ sở. Từ thực tế cho thấy, để xóa bỏ đòi hỏi các địa phương, cơ quan chức năng, nhất là lực lượng công an tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về quy định cấm; đặc điểm, hình dáng bên ngoài cũng như tác hại của loại cây này. Lực lượng công an thường xuyên kiểm tra, rà soát, nắm bắt địa bàn thay vì chỉ tập trung thực hiện vào mùa xuân; đồng thời phát động sâu rộng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, kịp thời phát hiện, tố giác và xử lý nghiêm mọi hành vi vi phạm để tăng tính răn đe, phòng ngừa chung.

Ngọc Anh

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...