Thứ sáu, 26/04/2024
Bắc giang 28 °C / 26 - 37 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

An ninh
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Cảm hóa, giáo dục người lầm lỗi: Nắm chắc, quản chặt, ngừa tái phạm

Cập nhật: 09:05 ngày 24/08/2017
(BGĐT) - Nhằm giữ gìn an ninh trật tự (ANTT), phòng ngừa tội phạm ngay từ cơ sở, ngành chức năng và các tổ chức, đoàn thể đã chú trọng công tác giáo dục, cảm hóa đối tượng trong diện quản lý tại địa phương. Bằng biện pháp thiết thực, nhiều người lầm lỡ đã vượt qua mặc cảm, vươn lên trong cuộc sống.
{keywords}

Công an phường Hoàng Văn Thụ (TP Bắc Giang) cùng cán bộ phường, tổ dân phố gặp gỡ, nắm bắt tình hình đối tượng thuộc diện quản lý trên địa bàn.

Làm lại cuộc đời

Việc tái hòa nhập cộng đồng, trước tiên phải từ chính người lầm lỗi. Sau khi chấp hành xong án phạt tù, họ cần có nghị lực để xóa bỏ mặc cảm tự ti, quên đi quá khứ. Bên cạnh đó là sự quan tâm, giúp đỡ của gia đình, chính quyền và các ban, ngành, đoàn thể địa phương.

Cùng Công an phường Hoàng Văn Thụ (TP Bắc Giang), chúng tôi đến nhà ông Trần Quang T (SN 1959) ở tổ dân phố Tiền Giang. Cách đây gần chục năm, khi mãn hạn tù trở về, ông T luôn e dè, ngại ngùng về quá khứ tội lỗi. Hiểu được tâm tư đó, cán bộ cảnh sát khu vực cùng tổ dân phố thường xuyên gặp gỡ, động viên. Để giúp ông T ổn định cuộc sống, chính quyền địa phương tạo điều kiện cho ông gia nhập đội xe ôm tự quản khu vực cổng Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Nhiều năm qua, ông chấp hành tốt nội quy nơi cư trú, không tái phạm, chuyên tâm lao động chăm lo cho gia đình.

Hay như anh Trần Ngọc H (SN 1989) ở thôn Lò, xã Tân Mỹ (TP Bắc Giang). Năm 2012, H bị TAND TP tuyên phạt ba năm tù cho hưởng án treo, thời gian thử thách 5 năm về tội vi phạm quy định về điều khiển giao thông đường bộ. Trong thời gian chấp hành án, anh thường xuyên được cán bộ các tổ chức hội ở cơ sở qua lại thăm hỏi, động viên, khi có biểu hiện lệch lạc là kịp thời nhắc nhở, định hướng.

Sau hai năm ra tù vì tội gây rối trật tự công cộng, anh Ngô Trung K (SN 1983) ở thôn Xuân Lạn, xã Hương Mai (Việt Yên) đã làm lại cuộc sống. Anh K chia sẻ: “Năm 2013, tôi bước ra khỏi cánh cửa nhà giam trở về địa phương. Kinh tế gia đình dựa vào mấy sào ruộng của bố mẹ. Sẵn có kiến thức về sửa chữa xe máy từ trước, được sự giúp đỡ của chính quyền, đoàn thể địa phương và người thân, tôi quyết tâm làm lại cuộc đời; vay mượn anh em họ hàng để mở cửa hàng. Cuộc sống gia đình cũng dần ổn định, không còn khó khăn như trước”.

Tăng cường quản lý, giáo dục

8 tháng qua, công an các huyện, TP lập 177 hồ sơ đưa đối tượng vào quản lý, giáo dục tại xã, phường, thị trấn; 7 hồ sơ đưa đối tượng vào cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng; 133 hồ sơ đưa đối tượng vào cai nghiện tại gia đình, cộng đồng.

Tính đến tháng 8 năm nay, toàn tỉnh có khoảng 1.700 đối tượng chấp hành án treo và gần 80 trường hợp cải tạo không giam giữ. Đối với người chấp hành xong án phạt tù, khi trở về địa phương, lực lượng công an cơ sở đều đến gặp gỡ, hướng dẫn làm thủ tục trình diện với chính quyền sở tại; phân công cán bộ cùng phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể như: MTTQ, hội cựu chiến binh, phụ nữ, đoàn thanh niên, nông dân giáo dục, giúp đỡ kịp thời.

Tại huyện Việt Yên, thời điểm này, địa phương quản lý hơn 300 đối tượng lầm lỗi tại cộng đồng. Đại úy Diêm Công Long, Đội trưởng Đội Phụ trách xã và xây dựng phong trào (Công an huyện) nói: “Thời gian qua, đơn vị đã tham mưu với cấp ủy, chính quyền, các ngành, đoàn thể ở địa phương trong công tác phối hợp tham gia tiếp nhận, quản lý, cảm hóa người vi phạm pháp luật tại cộng đồng. Công an huyện, xã trực tiếp gặp gỡ, hướng dẫn họ làm các thủ tục trình diện tại địa phương. Mặt khác, yêu cầu ký cam kết không vi phạm. Do thường xuyên giám sát kết hợp tuyên truyền, định hướng nên nhiều năm qua trên địa bàn huyện không có người tái phạm trong thời gian thử thách”.

Điểm nổi bật nhất trong hoạt động giúp người lầm lỗi của các ngành, đoàn thể, chính quyền cơ sở là gắn việc tái hòa nhập cộng đồng với phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”. Nhiều mô hình tốt trong quản lý giáo dục, giúp đỡ người lầm lỗi được xây dựng và hoạt động hiệu quả. Tiêu biểu như đoàn thanh niên với mô  hình “1+2” (mỗi đoàn viên giúp đỡ 2-3 thanh niên chậm tiến). Hội phụ nữ các cấp phối hợp với Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội tỉnh thành lập các CLB "Phụ nữ tự lực", "Thắp sáng niềm tin" làm điểm tựa cho phụ nữ yếu thế, chị em trước đây từng vướng vòng lao lý. Ngoài ra còn có các mô hình tổ liên gia tự quản ở khu dân cư...

Theo Đại tá Đào Trọng Thi, Trưởng phòng Cảnh sát Thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp (Công an tỉnh), để làm tốt hơn công tác giáo dục, hướng thiện cho đối tượng trong diện quản lý tại cộng đồng, cấp ủy, chính quyền địa phương tiếp tục nâng cao nhận thức về vai trò quan trọng của hoạt động này đối với việc bảo đảm ANTT tại cơ sở. Tăng cường việc giáo dục pháp luật thông qua gặp gỡ, trao đổi giữa các cơ quan chức năng và người bị kết án, góp phần nâng cao hiểu biết pháp luật cho người lầm lỡ để họ tự giác chấp hành đúng, kịp thời xử lý những biểu hiện chấp hành không nghiêm.

Tuệ An

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...