Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 31 °C / 25 - 31 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

An ninh
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Mô hình "xã không ma túy": Bình yên cho những làng quê

Cập nhật: 09:10 ngày 12/09/2017
(BGĐT) - Với quyết tâm giữ vững an ninh trật tự (ANTT) địa bàn, đẩy lùi tệ nạn ma túy, nhiều địa phương trong tỉnh Bắc Giang đã quan tâm thực hiện mô hình “xã không có tệ nạn ma túy". Mô hình đã góp phần mang lại sự bình yên cho mỗi làng quê.
{keywords}

Công an viên xã Lãng Sơn (Yên Dũng) thường xuyên tuần tra, nắm bắt tình hình an ninh trật tự tại địa bàn.

Những mô hình điểm

Hơn 10 năm qua, xã Đồng Tâm (Yên Thế) luôn giữ vững danh hiệu “xã không có tệ nạn ma túy”. Đây cũng là địa phương duy nhất của huyện đạt danh hiệu này. Ông Nguyễn Hữu Tư, Trưởng Công an xã nói: "Năm 1998, tệ nạn ma túy bắt đầu manh nha, nổi lên là tình trạng người nghiện trộm cắp, gây rối trật tự công cộng. Để lập lại tình hình ANTT, lực lượng công an xã đã tham mưu với cấp ủy, chính quyền thực hiện mô hình “xã không có tệ nạn ma túy" gắn với phát động sâu rộng phong trào "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc". Khi mới triển khai, địa phương thành lập các tổ, cụm liên gia tự quản tại những thôn giáp ranh, khuyến khích nhân dân phát giác, tố giác tội phạm".

Với vai trò nòng cốt, công an xã thường xuyên phối hợp với Ủy ban MTTQ xã tích cực tuyên truyền hiểm họa của ma túy tới người dân, vận động 100% hộ dân ký cam kết xây dựng thôn, xóm không có tệ nạn xã hội, ma túy. Từ sự chung tay của người dân, ANTT tại địa bàn dần ổn định, người dân yên tâm sản xuất. Năm 2015, xã hoàn thành các tiêu chí để về đích nông thôn mới.

Cũng là điểm sáng về thực hiện mô hình này, ba năm gần đây xã Lãng Sơn (Yên Dũng) không xảy ra các vụ việc liên quan đến ma túy. Thành công rõ nhất là xã phát huy được hiệu quả các hương ước, quy ước trong xây dựng đời sống văn hóa ở từng thôn. Mỗi đoàn thể đều hưởng ứng một mô hình phòng, chống tệ nạn ma túy như: Quản lý, giáo dục thanh thiếu niên hư; quản lý, giáo dục con em không phạm tội, mắc tệ nạn xã hội, ma túy…

Ông Đỗ Văn Chính, Trưởng thôn Đông Thượng cho biết: Là thôn có nghề truyền thống làm mộc nên so với các nơi khác thanh niên trong độ tuổi lao động làm kinh tế ở địa phương đông hơn. Để ma túy không len lỏi vào đời sống, Ban quản lý thôn thường xuyên phối hợp với lực lượng công an xã rà soát địa bàn, nắm chắc tình hình nhân hộ khẩu, nhất là những người đến kinh doanh, buôn bán. Nhờ vậy nhiều năm nay thôn không có người nghiện cũng như các vụ việc liên quan đến ma túy. Được biết, huyện Yên Dũng còn ba xã khác cũng được công nhận là địa bàn không có tệ nạn ma túy, đó là: Trí Yên, Thắng Cương và Lão Hộ.

Quản lý, phòng ngừa từ cơ sở

Tiêu chuẩn để được công nhận xã không có tệ nạn ma túy gồm: Không có người nghiện, không có tụ điểm tệ nạn ma túy và các vụ việc liên quan đến ma túy.

Năm 2016, toàn tỉnh có 34 xã được Chủ tịch UBND tỉnh công nhận không có tệ nạn ma túy. Một trong những biện pháp trọng tâm được các địa phương áp dụng để thực hiện thành công mô hình "xã không có tệ nạn ma túy" là làm tốt công tác quản lý, phòng ngừa ngay từ cơ sở. Hằng năm, cấp ủy địa phương ban hành nghị quyết về xây dựng xã không có tệ nạn ma túy. Quá trình triển khai gắn với thực hiện cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư.

Ở thôn, các tổ tự quản tích cực phối hợp với Ban công tác Mặt trận nắm hoàn cảnh những gia đình, đối tượng có nguy cơ mắc tệ nạn ma túy để tuyên truyền, vận động nhất là những trường hợp đi làm ăn xa. Đồng thời, lấy kết quả thực hiện mô hình làm tiêu chí bình xét công nhận làng văn hóa, gia đình văn hóa hằng năm. Thực tiễn cho thấy, nơi nào làm tốt công tác tuyên truyền, phòng ngừa sẽ làm giảm tình hình tội phạm nói chung, trong đó có tội phạm, tệ nạn ma túy.

Mặc dù các huyện, TP đã có nhiều biện pháp để phòng ngừa, ngăn chặn tệ nạn ma túy, tuy nhiên số lượng các xã đạt danh hiệu "xã không có tệ nạn ma túy" còn ít. Thượng úy Trần Đình Chu, Đội trưởng Đội Xây dựng phong trào và phụ trách xã (Công an huyện Yên Dũng) cho biết: Vướng mắc chủ yếu ở các địa phương trong quá trình thực hiện mô hình là quản lý người nghiện. Thế nhưng để xác định được đối tượng có sử dụng ma túy, nhất là ma túy đá, ma túy tổng hợp hay không lại gặp những khó khăn nhất định. Bên cạnh đó, hình thức giáo dục tại xã, phường, thị trấn cũng có những bất cập như thời gian áp dụng biện pháp giáo dục ngắn (từ 3-6 tháng); quy trình lập hồ sơ liên quan đến nhiều cấp, ngành với không ít thủ tục.

Để nhân rộng, phát huy hiệu quả mô hình "xã không có tệ nạn ma túy", mang lại bình yên cho những làng quê, Đại tá Nguyễn Văn Binh, Trưởng Phòng Xây dựng và phát triển phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (Công an tỉnh) cho rằng, cùng với tuyên truyền, giáo dục, các địa phương cần làm tốt công tác cai nghiện, quản lý sau cai để ngăn ngừa tái nghiện. Do đó, cần có chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho người sau cai nghiện tái hòa nhập cộng đồng. Công an các xã phải nắm chắc tình hình, chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng kế hoạch phòng, chống ma túy cụ thể trong từng thời điểm, tại mỗi địa bàn. Tích cực gọi hỏi, răn đe, giáo dục đối tượng có biểu hiện nghi vấn. Phối hợp chặt chẽ với các đội nghiệp vụ công an huyện tăng cường đấu tranh trấn áp mạnh các loại tội phạm, bảo đảm ANTT và cuộc sống bình yên cho nhân dân.

Tuệ An

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...