Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 28 °C / 25 - 27 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

An ninh
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Khi hôn nhân không còn "lửa ấm"

Cập nhật: 07:00 ngày 22/11/2017
(BGĐT) - Trong cuộc sống gia đình, phụ nữ thường là nạn nhân của nạn bạo hành về thể xác, tinh thần. Kẻ gây ra những nỗi đau đó, xót xa thay lại là người từng hứa hẹn sẽ chăm lo, sống đến bạc đầu, răng long với họ.
{keywords}

Một vụ ly hôn được TAND huyện Lục Nam giải quyết.

Gần nơi tôi sống (xã X, huyện Lạng Giang), bà con đã quen với cảnh anh K đánh đập, mắng chửi chị H-người mà anh từng yêu tha thiết. Mọi người khuyên can nhưng anh đều bỏ ngoài tai và cấm đoán không cho ai xen vào chuyện gia đình mình. Anh K và chị H có ba người con, đứa lớn học THPT, đứa nhỏ nhất lên 6. Khi các con còn nhỏ, điều kiện kinh tế khó khăn, anh K đi xuất khẩu lao động, mong kiếm được nhiều tiền gửi về cho vợ trang trải cuộc sống. Ai ngờ, ở đất nước xa xôi, anh đem lòng yêu một phụ nữ khác trẻ đẹp hơn. Năm này qua năm khác, người thân không thấy anh về quê thăm vợ con, mọi thông tin liên lạc bị cắt đứt. Làm được bao nhiêu tiền, anh đem hết cho tình nhân. Những cám dỗ ở mảnh đất mới khiến anh quên đi nghĩa vợ tình chồng, tình cha con. Chị H ở nhà âm thầm chịu đựng, bươn trải nuôi các con ăn học. Khi chị nghĩ chồng mình sẽ chẳng quay về thì là lúc anh ta xuất hiện, thân thể gầy gò, trên người không có thứ gì giá trị và đương nhiên, giữa hai người tình cảm phu thê chẳng còn như trước.

Không một lời giải thích, không xin lỗi vợ, thay vào đó, anh chì chiết, đánh đập chị thâm tím người. Tệ bạc hơn, sau mỗi trận đòn, anh lại ngọt nhẹ, xin tiền vợ để chi tiêu. Chị nghĩ bố mẹ chồng sẽ đứng về phía mình, bênh vực mình vì bao năm xa chồng vẫn chung thủy, cần mẫn nuôi con. Nhưng mọi chuyện hoàn toàn ngược lại. Chị nuốt nước mắt vào trong, nhẫn nhịn chịu đựng để các con không phải chịu cảnh bố mẹ ly tán.

Theo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, “Bạo hành gia đình là một dạng thức của bạo lực xã hội, là hành vi cố ý của các thành viên gia đình gây tổn hại hoặc đe dọa gây tổn hại cho các thành viên khác...”, mà người thiệt thòi nhất chính là phụ nữ. Thực tiễn, không chỉ bạo hành thể xác, tinh thần, đã có nhiều trường hợp chồng bạo hành tình dục, bạo hành xã hội đối với vợ mình. Luật Phòng, chống bạo lực gia đình có nhiều quy định bảo vệ người bị bạo hành (thường là phụ nữ và trẻ em). Tuy nhiên, phần lớn nạn nhân đều chịu đựng, không tố giác, xem đây là vấn đề tế nhị và muốn giữ sĩ diện cho chồng, muốn con cái có mẹ, có cha. Chính tâm lý ấy khiến nhiều phụ nữ vẫn mãi quẩn quanh trong vòng vây bạo lực gia đình.

Luật sư Võ Thị An Bình, Văn phòng Luật sư An Bình (TP Bắc Giang) tư vấn, nếu như vợ chồng không thể hòa giải, làm lành, nạn nhân của bạo lực gia đình nên lên tiếng để bảo vệ chính mình. Người vợ có thể đề nghị các cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền bảo vệ sức khỏe, tính mạng, nhân phẩm và quyền lợi chính đáng của bản thân. Nếu hành vi bạo lực gây tổn hại nghiêm trọng tới sức khỏe, tinh thần, nạn nhân có thể nộp đơn tố cáo tới công an về tội “Cố ý gây thương tích” theo quy định trong Bộ luật Hình sự.

Mạc Yến

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...