Thứ sáu, 26/04/2024
Bắc giang 31 °C / 26 - 31 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

An ninh
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Bị cáo trả án đúng quy định: Bảo đảm sự tôn nghiêm của pháp luật

Cập nhật: 09:25 ngày 16/03/2018
(BGĐT) - Với chính sách nhân đạo, khoan hồng của Đảng và Nhà nước, nhiều trường hợp được hoãn thi hành án phạt tù. Để bảo đảm sự tôn nghiêm của pháp luật, công an các địa phương trong tỉnh Bắc Giang thường xuyên nắm tình hình, vận động, yêu cầu bị cáo trả án đúng quy định.
{keywords}

Công an phường Hoàng Văn Thụ (TP Bắc Giang) cùng cấp ủy, chính quyền địa phương động viên giúp người lầm lỗi tái hòa nhập cộng đồng.

Bị cáo Nguyễn Đức Duy (SN 1979) ở Tổ dân phố Tân Ninh, phường Trần Phú (TP Bắc Giang) là lao động duy nhất trong gia đình. Duy bị TAND TP Bắc Giang tuyên phạt 2 năm tù về tội đánh bạc. Để tạo điều kiện cho bị án và gia đình thu xếp công việc nên lực lượng chức năng cho hoãn thi hành án phạt tù. Tuy nhiên, gần đến thời điểm trả án, do mâu thuẫn trong cuộc sống gia đình, vợ bị cáo bỏ đi để lại cô con gái nhỏ ở lại với bố. Điều này khiến đối tượng có ý chần chừ chưa muốn chấp hành án phạt. Hiểu tâm trạng đó, cán bộ Công an TP đã phối hợp với chính quyền địa phương đến vận động, thuyết phục để Duy tự nguyện đi chấp hành án.

Theo Trung tá Nguyễn Đình Tuân, Đội phó Đội Thi hành án hình sự và Hỗ trợ tư pháp (Công an TP Bắc Giang), vận động đối tượng chấp hành án phạt không chỉ hoàn thành quá trình giải quyết một vụ án hình sự, bảo đảm sự tôn nghiêm của pháp luật mà còn giúp người chấp hành án được hưởng chính sách khoan hồng của Nhà nước. Đơn cử như trường hợp Nguyễn Văn Đại (SN 1988) ở đường Lê Lợi, phường Hoàng Văn Thụ (TP Bắc Giang), phạm tội tiêu thụ tài sản người khác phạm tội và bị kết án 9 tháng tù. Thời điểm nhận án, do đối tượng đang bị bệnh nặng nên được hoãn thi hành án 6 tháng để điều trị. Được biết, năm 2017, Công an TP tiếp nhận 41 đối tượng phải thi hành án và đã vận động 39 đối tượng chấp hành hình phạt. Có được kết quả này là do đơn vị đã giao cụ thể từng đối tượng cho cán bộ thi hành án quản lý; tập trung tuyên truyền, phổ biến pháp luật để bị án hiểu rõ quyền, lợi ích, nghĩa vụ khi chấp hành đúng thời hạn.

Tại huyện Lạng Giang, những năm qua, Công an huyện luôn hoàn thành chỉ tiêu về vận động bị án chấp hành án phạt tù. Cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ đều nắm chắc Luật Thi hành án hình sự, thực hiện đúng trình tự, quy định; thường xuyên nắm tâm tư, nguyện vọng từng trường hợp cụ thể để áp dụng biện pháp nghiệp vụ thích hợp. Có khi phải mềm dẻo khuyên bảo, kiên trì giải thích nhưng cũng có trường hợp phải nghiêm khắc, quyết liệt. Thiếu tá Hà Mạnh Hà, Phó Trưởng Công an huyện cho biết: Trong thời hạn 7 ngày kể từ khi vận động, triệu tập mà bị án vẫn không chấp hành, cơ quan thi hành án sẽ áp dụng biện pháp cưỡng chế áp giải đối tượng. Điển hình như trường hợp Nguyễn Văn Tuấn (SN 1984), năm 2016 bị TAND huyện tuyên phạt 2 năm tù về tội che giấu tội phạm. Mặc dù cán bộ thi hành án đã nhiều lần đến tận nhà vận động bị cáo và yêu cầu gia đình khuyên giải nhưng bị cáo vẫn không chịu trả án, thậm chí còn tự ý rời khỏi nơi cư trú. Đơn vị đã phải ra quyết định truy nã và bắt buộc đối tượng thi hành án, bảo đảm tính công bằng, nghiêm minh của pháp luật.

Theo quy định của pháp luật, đối với người bị bệnh nặng, phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, là lao động duy nhất trong gia đình... có thể được xem xét hoãn thi hành án tù. Trước thời điểm trả án, công an các huyện, TP đều gửi giấy triệu tập, nhắc nhở đối tượng. Đối với những trường hợp nhận thức hạn chế, lực lượng chức năng phối hợp với chính quyền và các đoàn thể đến tận nhà vận động, giải thích. Mỗi năm toàn tỉnh có hàng trăm đối tượng được hoãn thực hiện án phạt nhưng thực tế không phải bị cáo nào cũng có ý thức chấp hành đúng thời gian trả án.

Qua hoạt động thi hành án vẫn có những trường hợp lợi dụng chính sách khoan hồng của pháp luật để cố tình trì hoãn, trốn tránh việc chấp hành quyết định. Trong đó diễn ra nhiều nhất là ở nhóm bị cáo đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng. Nhiều trường hợp cố tình sinh con mỗi khi gần đến thời hạn chấp hành án, gây khó khăn cho cơ quan thi hành án.

Có thực trạng trên là do trách nhiệm của người được giao giám sát, giáo dục chưa cao, nhận thức của người phạm tội còn hạn chế nên chưa hiểu được các quy định của pháp luật dẫn đến chấp hành chưa nghiêm. Để tránh tình trạng trên, nhiều ý kiến cho rằng, pháp luật cần siết chặt quy định về trường hợp được hoãn thi hành án phạt tù, thời hạn hoãn. Đồng thời có văn bản quy định trách nhiệm cụ thể từng cấp, đơn vị trong quản lý, giám sát các đối tượng trên. Ngoài ra cần tăng cường hơn nữa hiệu quả phối hợp, nắm tình hình giữa các cơ quan thi hành pháp luật với cấp ủy, chính quyền địa phương nơi người bị kết án đang cư trú.

Tuệ An

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...