Thứ sáu, 19/04/2024
Bắc giang 27 °C / 23 - 36 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

An ninh
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Giải tỏa hành lang ATGT: Không để "đá ném ao bèo"

Cập nhật: 09:42 ngày 29/03/2018
(BGĐT) - Bày bán hàng hóa lấn chiếm vỉa hè, làm mái che, mái vẩy trái phép là những lỗi chủ yếu về vi phạm hành lang an toàn đường bộ. Mặc dù các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh Bắc Giang đã quan tâm giải tỏa nhưng chỉ một thời gian ngắn, vi phạm lại tái diễn. 
{keywords}

Công an thị trấn Thắng (Hiệp Hòa) cùng đại diện chính quyền địa phương nhắc nhở các hộ dân không bày bán hàng lấn chiếm vỉa hè.

Xác định giải tỏa đã khó, việc ngăn chặn hành vi tái lấn chiếm còn khó hơn, vì vậy ngoài ban hành kế hoạch giải tỏa hành lang an toàn giao thông (ATGT) đường bộ tại tất cả các xã, tuyến đường, thời gian qua, UBND huyện Việt Yên còn yêu cầu lực lượng chức năng kẻ vạch sơn xác định chỉ giới đường bộ; lập biên bản hiện trạng, yêu cầu các hộ cam kết không tái phạm. Đội Trật tự giao thông, xây dựng và môi trường phối hợp với Công an huyện kiểm tra, xử lý các hành vi xâm lấn. Từ đầu năm 2017 đến nay, toàn huyện đã lập biên bản, tổ chức tháo dỡ hơn 1 nghìn trường hợp vi phạm hành lang ATGT; giải tỏa 78 m2 ki ốt; tháo dỡ hơn 3 nghìn m2 mái che, mái vẩy, giải tỏa 720 biển quảng cáo... 

Thế nhưng theo ông Nguyễn Văn Thư, Đội trưởng Đội Quản lý giao thông - xây dựng và môi trường huyện, dù đạt kết quả như vậy nhưng việc xử lý mới giải quyết "phần ngọn”, chưa dẹp bỏ được hoàn toàn sai phạm. Khi tổ công tác có mặt, các đối tượng chấp hành song cứ "vắng bóng" là tình trạng lấn chiếm lại tái diễn. Quan sát trên quốc lộ 37 đoạn giao với tỉnh lộ 295B thuộc khu vực Đình Trám cho thấy, vi phạm chủ yếu là các hộ kinh doanh bày bán hàng hóa lấn chiếm vỉa hè, đặt biển quảng cáo, biển hiệu che khuất tầm nhìn, dựng mái che, mái vẩy trái phép.

Ở một số địa phương khác cũng tương tự. Tại quốc lộ 31 đoạn qua phố Sàn, xã Phương Sơn (Lục Nam) hay phố Kim, xã Phượng Sơn (Lục Ngạn) vào buổi chiều hằng ngày xuất hiện nhiều quầy hàng bán thức ăn chế biến sẵn và rau quả. Người mua, bán thản nhiên giao dịch trên lòng đường, bất chấp nguy hiểm. Hay như ở TP Bắc Giang, người đi đường cũng dễ dàng bắt gặp các hành vi vi phạm hành lang ATGT. Bà Đỗ Thị Lợi, Tổ dân phố Châu Xuyên, phường Lê Lợi (TP Bắc Giang) chia sẻ: Tôi cảm thấy rất bất an mỗi khi phải đi qua tuyến đường Lê Lợi, nhất là đoạn ở cổng Bệnh viện Đa khoa tỉnh bởi khu vực này luôn có nhiều người, phương tiện qua lại. Vỉa hè dành cho người đi bộ đã bị chiếm dụng làm nơi trông giữ xe.

Thực tế cho thấy, tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè ở một số địa phương còn xảy ra nguyên nhân chủ yếu là do ý thức tự giác của người dân và các hộ kinh doanh chưa cao. Đa phần các trường hợp vi phạm không có đăng ký kinh doanh, hoạt động tự phát nên có thể hôm trước vừa bị nhắc nhở, tịch thu, hôm sau lại vi phạm. Cùng đó, chính quyền các địa phương xử lý vi phạm chưa dứt điểm, ở nhiều nơi mới quan tâm vào dịp cao điểm; mức xử phạt thấp nên chưa đủ sức răn đe. Hiện theo Nghị định 171 ngày 13-11-2013 của Chính phủ, số tiền phạt chỉ từ 100 - 800 nghìn đồng/trường hợp.

Nhằm bảo vệ hành lang ATGT, đầu năm 2018, Ban ATGT tỉnh chỉ đạo Ban ATGT các huyện, TP xây dựng kế hoạch phối hợp cùng đơn vị chức năng giải tỏa vi phạm. Một số địa phương đã kịp thời chấn chỉnh tình trạng tái lấn chiếm. Điển hình như tại huyện Hiệp Hòa, đầu tháng 3 vừa qua, Chủ tịch UBND huyện yêu cầu các cơ quan chuyên môn và lãnh đạo các xã Đức Thắng, Ngọc Sơn, thị trấn Thắng tập trung giải tỏa những điểm hay xảy ra vi phạm như tuyến đường bờ hồ Thống Nhất, ngã ba Trại Cờ, cổng Công ty May Philkovina... Tại Việt Yên, trong tháng 4 tới, huyện sẽ tổ chức đợt cao điểm lập lại trật tự hành lang ATGT đường bộ. Các xã, thị trấn đều đưa nhiệm vụ thực hiện đợt cao điểm này là một trong những nhiệm vụ trọng tâm.

Ông Bùi Thế Sơn, Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải, Phó Trưởng Ban ATGT tỉnh cho rằng: Để phòng ngừa tái lấn chiếm, chính quyền địa phương cần làm tốt công tác tuyên truyền tới người dân về Luật Giao thông đường bộ, từ đó vận động bà con tự tháo dỡ công trình vi phạm, đồng thời kiên quyết lập biên bản, tổ chức cưỡng chế đối với những trường hợp không chấp hành. Sau giải tỏa có kế hoạch giám sát cụ thể và giao cho thành viên phụ trách địa bàn. Về lâu dài, các huyện, TP nghiên cứu phương án tổ chức, bố trí lại các khu vực kinh doanh, họp chợ, vị trí dừng đỗ xe... phù hợp với thực tế địa phương.

Tuệ An


Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...