Thứ tư, 17/04/2024
Bắc giang 26 °C / 25 - 32 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

An ninh
An ninh
icon
0.5 1.0 1.5
Chia sẻ:

Vận động, bắt giữ đối tượng truy nã: Bảo đảm sự nghiêm minh của pháp luật

Cập nhật: 08:27 ngày 03/05/2018
(BGĐT) - Sau khi gây án, nhiều nghi phạm cố tình mai danh ẩn tích nhằm trốn tránh sự trừng phạt của pháp luật. Bằng nhiều biện pháp nghiệp vụ, lực lượng cảnh sát truy nã tội phạm Công an tỉnh đã làm rõ hành tung, bắt giữ nhiều đối tượng có lệnh truy nã, bảo đảm sự nghiêm minh của pháp luật.
{keywords}

Công an huyện Lục Ngạn dẫn giải đối tượng về chấp hành án.

Năm 2012, sau khi lừa đảo chiếm đoạt hơn 2,7 tỷ đồng, Nguyễn Văn Tuấn (SN 1982) ở thôn Thăng Thượng, xã Khánh Lộc, huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) đã bỏ trốn khỏi địa phương và bị Công an tỉnh Hà Tĩnh phát lệnh truy nã. Lang bạt nhiều nơi, đầu năm 2017 Tuấn thay đổi hình dạng rồi bắt xe đến tỉnh Bắc Giang. Có bằng tốt nghiệp một trường đại học lĩnh vực nông nghiệp nên hắn nhanh chóng xin được vào làm nhân viên tiếp thị cho Công ty TNHH thức ăn chăn nuôi tại KCN Quang Châu (Việt Yên). Một thời gian sau, Tuấn được đề bạt làm Giám đốc kỹ thuật của Công ty.

Tháng 10-2017, nhận được tin báo có một đối tượng rất giống với Tuấn đang xuất hiện tại Bắc Giang, Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm Công an tỉnh Hà Tĩnh đã phối hợp với Công an tỉnh Bắc Giang tiến hành xác minh, truy bắt. Quá trình truy bắt, lực lượng chức năng phải chia làm ba mũi mai phục những nơi đối tượng thường lui tới, đồng thời xác minh các mối quan hệ liên quan. Từ các thông tin nắm bắt được, biết Tuấn đang có mối quan hệ qua lại với một người ở xã Ngọc Châu (Tân Yên) nên tổ công tác bố trí mật phục. Đến chiều 30-10-2017, khi Tuấn vừa về đến nơi đã bị các trinh sát tóm gọn sau 5 năm lẩn trốn về tội "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản".

Đấu tranh với tội phạm truy nã luôn gặp khó khăn vì chúng thường ngoan cố, tìm mọi cách lẩn trốn. Để hoàn thành nhiệm vụ, cán bộ, chiến sĩ đã chủ động xác lập các phương án, giỏi hóa trang, tích cực thâm nhập địa bàn, đồng thời tuân thủ nguyên tắc bí mật, kiên trì và bất ngờ. Thông qua tiếp cận người thân, bạn bè của đối tượng để tuyên truyền, vận động, nếu phát hiện bất kỳ manh mối nào, các anh cũng dày công xác minh, điều tra. Vụ bắt đối tượng Nguyễn Thế Sơn (SN 1986) ở thôn La Miệt, xã Yên Giả, TP Bắc Ninh là một minh chứng. Tháng 6-2016, bị Công an tỉnh Bắc Ninh truy nã về tội trộm cắp tài sản, biết bị truy lùng gắt gao, Sơn lập tức rời khỏi địa phương. Khi có thông tin hắn đang trốn tại huyện Lạng Giang, Đội Cảnh sát hình sự (Công an huyện) đã phối hợp với Công an tỉnh Bắc Ninh lập kế hoạch truy bắt, tỏa đi rà soát khắp các nhà nghỉ, khách sạn trên địa bàn để khoanh vùng, đồng thời xây dựng mạng lưới cộng tác viên để nắm thông tin đối tượng. Bằng nhiều biện pháp nghiệp vụ, giữa tháng 3 vừa qua, Sơn đã bị lực lượng chức năng tóm gọn tại một nhà nghỉ ở thị trấn Kép.

Năm 2017, lực lượng chức năng đã bắt, vận động 116 đối tượng ra đầu thú. Từ đầu năm đến nay, lực lượng công an các địa phương bắt, vận động 39 đối tượng. Hiện toàn tỉnh còn 175 đối tượng truy nã.

Ngoài điều tra, truy bắt, lực lượng công an các địa phương còn quan tâm vận động các đối tượng đầu thú. Thiếu úy Vũ Hồng Hải, Đội Cảnh sát hình sự (Công an huyện Lạng Giang) cho biết: Tùy từng loại tội phạm, các chiến sĩ có cách tiếp cận vận động khác nhau. Với tội phạm có hung khí đôi khi phải mềm mỏng, khéo léo. Những đối tượng có thời gian chấp hành án ít mà do nhận thức pháp luật hạn chế dẫn đến trốn tránh, chúng tôi kết hợp giữa lý và tình, kiên trì tuyên truyền, thuyết phục người thân trong gia đình để họ hợp tác.

Được biết, để củng cố niềm tin cho gia đình và đối tượng có lệnh truy nã, thời gian qua, liên ngành Công an, Viện KSND và TAND tỉnh đã ra thư kêu gọi đầu thú để hưởng chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà nước. Theo đó, tùy từng trường hợp, lực lượng chức năng có thể xem xét giảm án, nếu đối tượng tiếp tục lẩn trốn, phạm tội mới sẽ bị xử phạt nghiêm minh với những tình tiết tăng nặng.

Thượng tá Nguyễn Văn Tuấn, Phó trưởng Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm (PC52), Công an tỉnh nói: “Qua thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm cho thấy, quần chúng nhân dân có vai trò quan trọng trong việc cung cấp thông tin người trốn nã cho cơ quan điều tra. Vì thế, việc các địa phương thực hiện tốt phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, người dân tích cực tố giác tội phạm sẽ giúp lực lượng chức năng giảm bớt công sức, thời gian trong quá trình điều tra, truy tìm. Bản thân các đối tượng cũng cần nhận thức rõ hành vi phạm tội, chủ động ra đầu thú để được hưởng chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà nước. Bởi lẽ, khi đã phạm tội thì sớm hay muộn cũng sẽ bị bắt giữ và khi ấy, mọi sự ăn năn, hối lỗi đều đã quá muộn.

Tuệ An

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...