Thứ năm, 18/04/2024
Bắc giang 28 °C / 25 - 31 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

An ninh
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Chiến công của quân và dân Bắc Giang trong chiến dịch Điện Biên Phủ

Cập nhật: 08:53 ngày 07/05/2018
(BGĐT) - Cách đây 64 năm, dân tộc ta đã giành chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Cùng với cả nước, quân và dân Bắc Giang có nhiều đóng góp trong những trận chiến oai hùng trên mặt trận Điện Biên Phủ. 
{keywords}

Lá cờ Tổ quốc tung bay trên nóc hầm Tướng Đờ cát ngày 7-5-1954, đánh dấu thắng lợi của Chiến dịch Điện Biên Phủ.  Ảnh tư liệu.

Điện Biên Phủ lúc bấy giờ là tập đoàn cứ điểm phòng ngự mạnh nhất của Pháp ở Đông Dương, Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ bao gồm 49 cứ điểm, được tổ chức thành các cụm cứ điểm liên hoàn với nhau. Toàn bộ Tập đoàn cứ điểm được chia thành ba phân khu: Bắc, Trung tâm và Nam. Lực lượng địch tập trung ở Điện Biên Phủ lên tới hơn 16.000 quân… Thực dân Pháp coi Điện Biên Phủ như “một pháo đài không thể công phá”. 

Với tầm nhìn rộng lớn, sâu sắc, đầy quyết đoán và sáng tạo, Đảng ta đã hạ quyết tâm mở Chiến dịch Điện Biên Phủ. Toàn quân, toàn dân cả nước huy động tối đa sức mạnh vật chất và tinh thần với khẩu hiệu “Tất cả cho Điện Biên Phủ, tất cả để chiến thắng”. 

Mùa Xuân năm 1954, khi Chiến dịch Điện Biên Phủ bắt đầu, quân dân Bắc Giang ra sức thi đua lập công, đóng góp sức người, sức của cho tiền tuyến. Ở các vùng tạm chiếm, nhân dân tích cực đấu tranh chống địch bắt phu, bắt lính, vận động ngụy quân, ngụy quyền trở về với chính nghĩa. Lực lượng du kích đánh địch, phá đường giao thông tiếp viện của chúng, đồng thời bảo vệ các tuyến đường vận chuyển của ta. Lực lượng vũ trang trong tỉnh chủ động tiến công địch với các hình thức đánh phục kích, tập kích, bao vây bắn tỉa được vận dụng linh hoạt và đạt hiệu quả cao.

Sau khi quân ta nổ súng đánh địch ở Điện Biên Phủ, trên chiến trường Bắc Giang, địch điều động một tiểu đoàn lên tiếp viện cho Điện Biên Phủ, số quân còn lại phần lớn trong tình trạng hoang mang dao động. Trước tình hình trên, Tỉnh ủy Bắc Giang yêu cầu các lực lượng vũ trang cần tranh thủ tiến công tiêu diệt sinh lực địch, bao vây các vị trí và kiềm chế pháo binh địch từ Phủ Lạng Thương bắn lên Đèo Cà (Yên Thế). Những ngày tiếp theo, một bộ phận của Tiểu đoàn 61 và bộ đội Lục Ngạn phối hợp tập kích diệt gọn địch ở Từ Xuyên. Lực lượng vũ trang bố trí nhiều trận phục kích trên đoạn đường 1A, 13B chặn đường tiếp viện của chúng đến các vị trí đang bị ta vây hãm.  

{keywords}

Quân ta kéo pháo vào trận địa.  Ảnh tư liệu

Để bảo vệ các tuyến đường giao thông vận tải từ hậu phương ra tiền tuyến được thông suốt, an toàn, Ban cầu, đường, phà từ tỉnh đến các địa phương được thành lập và tích cực hoạt động. Tuyến đường qua Đèo Cà - Pha Đin - Điện Biên Phủ là một trong các tuyến đường vận chuyển quan trọng cho Chiến dịch Điện Biên Phủ luôn bị máy bay địch ném bom, bắn phá ác liệt trong suốt thời gian diễn ra chiến dịch. 

Quân và dân Bắc Giang đã kiên cường bám trụ, dũng cảm tháo gỡ bom nổ chậm, nhanh chóng sửa lại đường, cầu, phà bảo đảm giao thông thông suốt. Dân công và thanh niên xung phong (TNXP) của tỉnh Bắc Giang còn được Liên khu Việt Bắc giao nhiệm vụ làm ba đoạn đường vòng dài 25 km, tránh trọng điểm Đèo Cà. Mặc dù bị địch bắn phá nhưng với quyết tâm ngày đêm lao động khẩn trương, chỉ sau một tháng, ba đoạn đường trên đã hoàn thành. Sau khi làm xong tuyến đường, lực lượng TNXP đã hướng dẫn cho 365 lượt ô tô chở hàng và kéo pháo an toàn lên Điện Biên Phủ. 

Cùng với đánh địch ở địa phương, bảo đảm tuyến giao thông huyết mạch qua Đèo Cà, người dân Bắc Giang cùng Bắc Ninh còn vận chuyển lên Điện Biên Phủ 117 tấn gạo, 70 nghìn chiếc bánh dày khô, 4,6 tấn thịt, 55 tấn đỗ, lạc, rau, củ và 16 tấn đường để chi viện cho bộ đội. 

Tại mặt trận Điện Biên Phủ, các đơn vị bộ đội chủ lực có nhiều cán bộ, chiến sĩ là con em quê hương Bắc Giang trực tiếp tham gia chiến đấu rất mưu trí, dũng cảm và lập được nhiều thành tích xuất sắc, trong đó có đồng chí được Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân như: Nguyễn Văn Ty, Chu Văn Mùi...

56 ngày đêm với tinh thần quyết tâm chiến đấu, lòng dũng cảm hy sinh quên mình, trí thông minh, sáng tạo vượt qua mọi khó khăn, gian khổ của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân đã làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, đập tan tập đoàn cứ điểm mạnh nhất của thực dân Pháp tại Đông Dương. Chiến thắng Điện Biên Phủ mãi mãi là niềm tự hào của nhân dân ta trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước.

Việt Anh (tổng hợp)

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...