Thứ tư, 24/04/2024
Bắc giang 26 °C / 24 - 27 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

An ninh
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Việt Minh và OSS - Đồng minh bất ngờ trong cuộc chiến chống phát xít Nhật

Cập nhật: 07:00 ngày 19/05/2018
(BGĐT) - "Ho Chi Minh and OSS", nguyên văn tựa đề bài viết đăng trên tạp chí Historynet.com của Mỹ, nói về ký ức lịch sử một thời Mỹ và Hồ Chí Minh từng là đồng minh chống phát xít và lịch sử quan hệ Việt-Mỹ trong Thế chiến II cũng như vai trò to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong và sau Cách mạng Tháng Tám 1945. 
{keywords}

Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp chụp ảnh cùng thành viên OSS  tại Tân Trào tháng 8-1945.

Hồ Chí Minh tìm kiếm đồng minh để giành độc lập

Theo tác giả bài viết, Claude G. Berube, giảng viên Học viện Hải quân Hoa Kỳ, sự kiện Trân Châu Cảng diễn ra ngày 7-12-1941 đã dẫn đến những thay đổi mang tính "điểm nhấn" trên quy mô toàn cầu, làm cho chiến tranh lan rộng và nhanh chóng kết thúc. Chiến tranh cũng tạo ra những mối quan hệ không kém phần thú vị và bất ngờ, trong đó có mối quan hệ Mỹ với Việt Nam. Cũng phải nói thêm rằng, người Mỹ rất đau đầu về Trân Châu Cảng, cũng từ đây họ mới sẵn sàng cho cuộc chiến dài hơi và đầy gian nan ở phía trước. Còn đối với người Việt Nam, Mỹ tham chiến có thể tác động tích cực đến cuộc chiến mà dân tộc họ sắp phải đương đầu để giành độc lập, thoát khỏi ách thực dân. Để làm được điều này người Việt Nam tìm kiếm các đồng minh, cho dù chỉ mang tính nhất thời hay có điều kiện.

Không chỉ có bài viết nói trên, tại Mỹ, người ta còn ấn hành một ấn phẩm khác có tên “The OSS and Ho Chi Minh, the Unexpected Allies in the War Against Japan” (Hồ Chí Minh và OSS, đồng minh bất ngờ trong cuộc chiến chống phát xít Nhật) của tác giả Dixee R. Bartholomew- Fets. Cả hai ấn phẩm đều có cái nhìn thiện cảm về cuộc chiến tranh giành độc lập của người Việt Nam. Đây là một công trình được coi là hoàn chỉnh về lịch sử quan hệ Việt-Mỹ diễn ra trong Thế chiến II, bổ ích cho những ai đang quan tâm, chứng kiến mối quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ cũng như tiến trình đổi mới của Việt Nam hiện nay.

Tháng 7-1945, toán quân Đặc nhiệm số 13, biệt danh Deer (Con Nai) đầu tiên do Thiếu tá Allison Thomas dẫn đầu đã nhảy dù xuống khu vực Tân Trào. Deer thuộc Cơ quan Tình báo chiến lược Mỹ (OSS), tiền thân của CIA ngày nay, có nhiệm vụ đào tạo du kích Việt Minh và thu thập thông tin tình báo để phục vụ việc chống lại quân Nhật vào giai đoạn cuối khi Chiến tranh Thế giới lần thứ II kết thúc. Ngày 15-9-1945, đội quân này đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp tiếp. 

Trong buổi tiếp, Allison Thomas đã mạnh dạn hỏi "Ngài là một người cộng sản?", "Vâng nhưng chúng ta vẫn có thể là bạn, phải không? ", ông Hồ đáp. Đây là buổi nhập môn đầy thú vị của OSS bởi vào giữa thập niên 40, Việt Minh dưới sự lãnh đạo của Hồ Chí Minh đang cần có đồng minh để giúp họ giành độc lập. Khi Chiến tranh Thế giới lần thứ II kết thúc, Mỹ và đồng minh phải đối mặt với một thách thức mới, phong trào độc lập đang nổi lên khắp châu Á.

Theo Thiếu tá Allison Thomas, đội quân của ông có nhiệm vụ huấn luyện từ 50 đến 100 người làm nhiệm vụ tấn công và ngăn cản giao thông trên tuyến đường sắt Hà Nội- Lạng Sơn, ngăn chặn người Nhật vào Việt Nam từ phía Trung Quốc. Ngoài ra, đội quân này còn có nhiệm vụ phát hiện mục tiêu của quân đội Nhật Bản, như căn cứ quân sự và kho bãi, gửi các thông tin sang cho phân ban OSS ở Trung Quốc. Phía Việt Minh sẽ nhận được các thông tin về thời tiết giúp Không quân Mỹ (USAAF) gửi các nhu yếu phẩm, trang thiết bị phục vụ huấn luyện và đồn trú của OSS.

Nhóm Allison Thomas nhảy dù xuống Tân Trào hôm 16-7-1945, gồm ba người, cả thượng sĩ điện đài William Zielski, binh nhất Henry Prunier và một phiên dịch. Nhóm Deer được chào đón bởi hơn 200 du kích Việt Minh ngay tại lán tiền phương. Sau đó họ được gặp lãnh tụ Hồ Chí Minh tại trụ sở của ông.

Vào ngày 30-7, các thành viên còn lại của Deer tiếp tục nhảy dù xuống Tân Trào, gồm đội phó Trung úy René Defourneaux, Lawrence R. Vogt, Trung sĩ Aaron Squires và một bác sĩ, Paul Hoagland. Người đầu tiên mà Defourneaux gặp khi đến Tân Trào là "Mr. Văn" tức tướng Giáp, sau đó Defourneaux được gặp ông Hồ.

OSS hợp tác với Việt Minh để chống Nhật

Đông Dương dưới quyền cai trị của thực dân Pháp trong Thế chiến II được ví như chiếc vạc sôi của các cường quốc thuộc địa suy tàn và nơi nhòm ngó của các cường quốc đang lên. Khu vực này gồm phần lớn là Việt Nam, Campuchia và Lào, được Pháp ví "viên ngọc trong vương miện Pháp" vào cuối thế kỷ 19 ở Đông Nam Á. Riêng Việt Nam được chia thành ba vùng với các phe phái giành quyền kiểm soát. Sự kiểm soát Đông Dương của Pháp chỉ bị đe dọa khi nước Pháp rơi vào tay Phát xít Đức năm 1940. Bản thân nước Pháp bị chia thành hai nước với các chế độ cai trị khác nhau. Khi Nhật Bản mở rộng sang Thái Bình Dương và châu Á, điều trớ trêu, nó bị ảnh hưởng bởi chính liên minh của nó với Đức và bị thất bại nặng nề sau khi Đồng minh tiến về Normandy và giải phóng Paris hồi tháng 8-1944.

Trong suốt thời gian Thế chiến II, Mỹ tìm kiếm và hỗ trợ các đồng minh tại Trung Quốc và khu vực Đông Nam Á, kể cả Đông Dương. Việt Minh, một phong trào giải phóng nổi lên dưới sự lãnh đạo của Hồ Chí Minh những năm 40, không chỉ giành độc lập từ tay người Pháp mà còn muốn thoát khỏi ách chiếm đóng của Nhật Bản. Vào giữa năm 1944, OSS tiếp cận với Việt Minh nhằm giúp thành lập một mạng lưới tình báo ở Đông Dương chống lại Nhật Bản.

Cũng trong thời gian này, một chiếc máy bay của Mỹ bị quân Nhật bắn hạ trên vùng trời Việt Nam, Trung úy phi công Shaw nhảy dù xuống khu rừng được du kích Việt Minh cứu thoát và đưa về gặp lãnh tụ Hồ Chí Minh. Ông Hồ đã quyết định đưa viên phi công sang Côn Minh trao trả cho đại diện quân đội Mỹ, vừa thể hiện thiện chí của Việt Minh, đồng thời để khẳng định lực lượng Việt Minh đứng về phe đồng minh cùng chống phát xít. Quá trình hợp tác giữa Việt Minh và Mỹ được bắt đầu từ tháng 12-1942 khi các đại diện của Việt Minh tiếp cận Đại sứ quán Mỹ tại Trung Quốc đề nghị giúp ông Hồ được tự do khi đang bị giam giữ trong nhà tù Tưởng Giới Thạch, nơi ông bị giam giữ bất hợp pháp.

Tháng 9-1943, sau khi được trả tự do, ông Hồ trở về Việt Nam để tổ chức lực lượng tìm kiếm sự độc lập. Một bản ghi nhớ của OSS vào tháng 10-1943 đề xuất phía Mỹ sẽ hợp tác với phía Việt Minh tiến hành chiến tranh du kích trong các môi trường khó khăn, đặc biệt trong bối cảnh đồng minh thắng trận. Việc này sẽ giúp cho Việt Nam sớm giành được độc lập. Với cuộc đảo chính của Nhật với Pháp, OSS nhận thấy người Pháp đã rơi vào thế yếu. Trên 24 triệu người Việt Nam sẽ đồng lòng ủng hộ chế độ dân tộc mới của ông Hồ. Việt Minh bắt đầu tự tổ chức thành lập chính phủ lâm thời ở tất cả các cấp. Vì vậy, Archimedes LA Patti đã gặp Hồ Chí Minh để xin phép gửi một đội OSS đến giúp Việt Minh, thu thập thông tin tình báo về Nhật Bản. Không chỉ cho phép OSS mà ông Hồ còn tiếp đón Archimedes LA Patti một cách trọng thị. Ông Hồ đồng ý làm việc với một nhóm OSS và cho thành lập một trại huấn luyện trong rừng, nay là chiến khu Tân Trào, trụ sở Việt Minh, cách Hà Nội chừng 200 cây số.

Sau khi Nhật đầu hàng, Việt Nam tuyên bố độc lập, vai trò của OSS tại Việt Nam cũng kết thúc. Năm 1985, tròn một thập kỷ trước khi Mỹ bình thường hóa quan hệ với Việt Nam, tại Mỹ, người ta đã phát hành cuốn Why Vietnam? (Tại sao Việt Nam ?) của A. Patti, chỉ huy cao nhất của tổ chức tình báo chiến lược OSS (tiền thân của CIA) đã có mặt ở Việt Nam khi Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công. Sách đã được dịch sang tiếng Việt và bán rộng rãi ở Việt Nam. Sách nói về thời kỳ Mỹ và Hồ Chí Minh từng là đồng minh bất ngờ trong cuộc chiến chống phát xít Nhật vì quyền lợi của cả đôi bên. Cuốn sách được viết với quan điểm khách quan và thiện cảm với Hồ Chí Minh, Việt Minh cũng như nhiều nhân vật quan trọng của Việt Nam. Tác giả Bartholomew-Feis thừa nhận mong muốn hòa bình của Hồ Chí Minh như nêu trong tuyên bố năm 1946 mà giá trị của nó còn tồn tại cho đến ngày nay rằng: "Việt Nam chủ trương hoàn toàn độc lập và hợp tác toàn diện với Mỹ".

Khắc Hùng 

(Theo Historynet.com)

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...