Thứ tư, 24/04/2024
Bắc giang 26 °C / 24 - 27 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

An ninh
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Ngựa quen đường cũ

Cập nhật: 09:37 ngày 25/05/2018
(BGĐT) - Không bản lĩnh, lười lao động lại thiếu sự quan tâm, giáo dục, định hướng nghề nghiệp của gia đình cũng như chính quyền cơ sở, nhiều đối tượng sau khi chấp hành án phạt tù trở về địa phương lại tiếp tục tái phạm.
{keywords}

Đối tượng nhiều lần trộm cắp tài sản Trần Văn Lưu (SN 1987) ở thôn Trong Giữa, xã Việt Lập (Tân Yên) tại cơ quan điều tra Công an TP Bắc Giang.

Đã có hai tiền án về tội trộm cắp tài sản, thế nhưng Trần Văn Hoàn (SN 1991) ở thôn Hà Phú 13, xã Tam Dị (Lục Nam) vẫn không lấy đó làm bài học để tu chí làm ăn, lại nghiện ma túy. Mỗi lần cải tạo trở về, Hoàn không ăn năn mà tiếp tục sa chân vào con đường tội lỗi. Sau hai lần kết hôn, những người phụ nữ sống với Hoàn cũng không thể chịu được phải “dứt áo ra đi”. Tại cơ quan điều tra, đối tượng cho biết: “Hầu hết những công việc mà gia đình, người thân xin cho tôi đi làm đều là lao động chân tay nên vất vả lắm, tôi không chịu được. Không có tiền lại nghiện ma túy, tôi thường đi lang thang trên đường, thấy ai sơ hở là ăn trộm”. Được biết, ngày 18-5, Công an huyện Lục Nam đã làm rõ và bắt khẩn cấp Hoàn về hành vi trộm cắp tài sản.

Lười lao động, chỉ quen hưởng thụ, nghiện ma túy là đặc điểm thường thấy ở các đối tượng có tiền án, tiền sự. Họ không chỉ gây ảnh hưởng tiêu cực đến an ninh trật tự mà còn khiến người thân, gia đình chịu bao hệ lụy. Nhắc đến người con trai là Nguyễn Văn Quang (SN 1970) nhiều lần ra tù vào tội, ông Nguyễn Văn L (SN 1935) ở phường Lê Lợi (TP Bắc Giang) buồn rầu nói: “Đã gần 50 tuổi nhưng nó vẫn độc thân và chẳng có nghề nghiệp. Làm việc gì cũng chỉ vài buổi là bỏ dở. Đây là lần thứ tư nó phải đi cải tạo chẳng biết có thay đổi không chứ tôi già rồi làm sao nuôi nổi nữa”.

Thượng úy Vi Văn Tạo, Công an huyện Lục Ngạn cho biết: Thị trấn Chũ hiện có 103 đối tượng trong diện quản lý về hình sự, ma túy, cải tạo không giam giữ. Ý thức của nhóm người này về chấp hành quy định kiểm danh, kiểm diện còn hạn chế, có người rời khỏi nơi cư trú nhưng không xin phép. Khi chính quyền cơ sở phê bình, kiểm điểm, phạt hành chính họ cũng không chấp hành thậm chí hành hung, lăng mạ. Chính vì vậy, một số cán bộ được phân công quản lý đối tượng thường e ngại trong việc tiếp cận, giáo dục cảm hóa đối tượng.

Toàn tỉnh hiện có khoảng 1.800 người trong diện bị quản thúc sau khi chấp hành án phạt tù trở về, đối tượng thi hành án treo, cải tạo không giam giữ. Theo đánh giá của cơ quan chức năng, tỷ lệ tái phạm chiếm khoảng 40% thường là nghiện ma túy, có tiền án về tội trộm cắp tài sản, phạm tội ma túy hoặc cờ bạc... Hầu hết những đối tượng này khi về địa phương không có việc làm, lại thiếu sự quan tâm, định hướng của gia đình, người thân nên tiếp tục sa chân vào con đường phạm pháp.

Toàn tỉnh Bắc Giang hiện có khoảng 1.800 người trong diện bị quản thúc sau khi chấp hành án phạt tù trở về, đối tượng thi hành án treo, cải tạo không giam giữ. Theo đánh giá của cơ quan chức năng, tỷ lệ tái phạm chiếm khoảng 40% thường là nghiện ma túy, có tiền án về tội trộm cắp tài sản, phạm tội ma túy hoặc cờ bạc...

Mặc dù hằng năm, lực lượng chức năng đều phối hợp với các tổ chức đoàn thể, chính quyền cơ sở tổ chức tập huấn, triển khai các quy định của pháp luật về công tác quản lý, giúp đỡ, giáo dục, hỗ trợ người lầm lỗi hoàn lương song hiệu quả chưa cao. Sau khi mãn hạn tù, nhiều người không về nơi cư trú, thường xuyên thay đổi chỗ ở khiến công tác quản lý gặp khó khăn.

Để nâng cao hiệu quả giáo dục người lầm lỗi, thời gian tới, lực lượng công an tiếp tục rà soát, phân loại đối tượng nhằm chủ động quản lý số người chấp hành xong án phạt tù về địa phương. Có biện pháp để tăng cường quản lý, giáo dục những công dân không chịu hoàn lương; xử lý nghiêm những cá nhân tái phạm. Đối với những mô hình điển hình về tái hòa nhập cộng đồng sẽ tổ chức nhân rộng tại các địa phương, nhất là những mô hình về tạo việc làm. Một giải pháp nữa là tăng cường công tác phối hợp giữa các đơn vị, địa phương trong trao đổi thông tin liên quan đến chỗ ở và di biến động của người chấp hành xong án phạt tù nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, giáo dục, giúp đỡ, phòng ngừa tái phạm.

Cùng với sự vào cuộc của ngành chức năng thì sự quan tâm của gia đình, người thân là hết sức cần thiết. Cộng đồng dân cư cần có cái nhìn bao dung, độ lượng hơn với những người trót lầm lỡ. Và quan trọng nhất chính ý chí của họ, chỉ khi nhận thức được rõ ràng hậu quả của hành vi tái phạm thì họ mới ý thức để làm lại cuộc đời. Trường hợp của ông Nguyễn Tuấn Hạnh (SN 1963) ở khu Dốc Đồn, thị trấn Chũ (Lục Ngạn) phạm tội vận chuyển ma túy là một ví dụ. Sau hơn hai năm chấp hành án phạt tù, trở về địa phương nhờ nỗ lực của bản thân, sự giúp đỡ của chính quyền và cảm thông, chia sẻ của gia đình, cộng đồng, ông đã vượt qua mặc cảm vươn lên phát triển kinh tế, nuôi dưỡng các con trưởng thành.

Ngọc Anh

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...