Thứ sáu, 19/04/2024
Bắc giang 31 °C / 25 - 29 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

An ninh
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Xóa bỏ lối đi tự mở, giảm thiểu TNGT đường sắt

Cập nhật: 15:01 ngày 13/06/2018
(BGĐT) - Ngày 12-5-2018, Chính phủ ban hành Nghị định 65 quy định chi tiết  thi hành một số điều của Luật Đường sắt, trong đó nêu rõ: Đến năm 2025 sẽ xóa bỏ toàn bộ lối đi tự mở. Đây được xem là giải pháp căn cơ nhằm ngăn chặn, kéo giảm các vụ tai nạn giao thông (TNGT) đường sắt đang diễn biến rất phức tạp trên địa bàn cả nước.

{keywords}

Do khuất tầm nhìn, không có cảnh báo tự động nên nguy cơ tai nạn tại khu dân cư thuộc tổ dân phố số 8, phường Ngô Quyền (TP Bắc Giang) luôn hiện hữu.

Thường trực nỗi lo

Cùng cán bộ Phòng Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh) đi khảo sát tại một số đường ngang, lối đi dân sinh tự mở mới thấy được vi phạm trật tự ATGT đường sắt đang diễn biến phức tạp. Tại hầu hết các điểm giao cắt, tầm nhìn chưa bảo đảm, độ dốc lớn, đường bộ quá gần với đường sắt và những lối đi do người dân tự mở hay tháo dỡ rào chắn để thuận tiện đi lại vẫn chưa được khắc phục. 

Tại cầu chung thuộc địa phận xã Cẩm Lý (Lục Nam), hệ thống biển báo đã cũ, mờ và thiếu đồng bộ. Sáng 8-6, bất chấp có tín hiệu đèn đỏ, ô tô BKS 34A-196.26 vẫn lưu thông vào cầu. Cùng đó, nhiều xe máy vô tư đi chung dù đã có biển báo cấm. Tại tuyến đường sắt Hà Nội - Đồng Đăng thuộc xã Phi Mô (Lạng Giang), do đường khuất tầm nhìn, xe ô tô đầu kéo thường xuyên qua lại nên gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông. 

Cũng tại tuyến này đoạn qua thị trấn Vôi, do đường ngang đấu nối với quốc lộ 1 có độ dốc cao nên nhiều phương tiện bị tuột dốc. “Hầu như ngày nào tôi cũng chứng kiến 1-2 phương tiện, nhất là xe tải bị tuột dốc, chết máy ngay trên đường ray. Nếu lúc đó mà có tàu chạy qua thì hậu quả sẽ khó lường”- chị Hoa, một người bán hàng gần khu vực này cho hay.

Trên địa bàn tỉnh có hai tuyến đường sắt quốc gia chạy qua 29 xã, phường, thị trấn thuộc các huyện Việt Yên, Lạng Giang, Lục Nam và TP Bắc Giang, tổng chiều dài 67,88 km. Trên các tuyến này có 32 đường ngang (trong đó có 13 điểm có người gác, 8 điểm có cảnh báo tự động) và 257 lối đi tự mở. Khảo sát dọc tuyến đường sắt qua địa bàn phường Ngô Quyền và Xương Giang (TP Bắc Giang) cho thấy, do bố trí đường bộ chạy song song và quá gần đường sắt, tình trạng người dân tự ý mở đường ngang dân sinh, san nền làm các công trình gần đường sắt diễn ra khá phổ biến.

Năm 2017, các địa phương này đã tiến hành cải tạo, tháo dỡ lối đi dân sinh và đường gom tự mở nhưng đến nay lại tái diễn. Trung úy Nguyễn Quang Tuân, Đội Cảnh sát giao thông đường sắt (Phòng Cảnh sát giao thông) nhìn nhận: “Mặc dù 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh không xảy ra vụ TNGT đường sắt nào song nguy cơ, yếu tố tiềm ẩn vẫn hiện hữu”.

Lộ trình phù hợp

Theo Nghị định thi hành Luật Đường sắt năm 2017, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2018, đến năm 2025 sẽ xóa bỏ toàn bộ lối đi tự mở qua đường sắt. Thực hiện chủ trương này, Công ty cổ phần Đường sắt Hà Lạng sớm rà soát, phối hợp với các địa phương đóng 19 lối đi tự mở và thu hẹp 78 lối khác, đồng thời cắm biển chú ý tàu hỏa tại 120/257 đường ngang dân sinh. 

Đồng hành cùng Công ty, cấp ủy, chính quyền các địa phương thực hiện nhiều giải pháp cụ thể để ngăn chặn các vụ tai nạn. Điển hình như các xã: Hồng Thái (Việt Yên), Tân Mỹ (TP Bắc Giang) và Tân Dĩnh (Lạng Giang) cử đoàn viên thanh niên phối hợp với cán bộ ngành đường sắt duy trì cảnh giới dịp cao điểm tại các đường ngang không có người gác, cảnh báo tự động. UBND xã Phi Mô (Lạng Giang) cử người cảnh giới theo giờ tàu tại lối đi tự mở km 54+510.

Từ năm 2013, khi có Quy chế phối hợp giữa Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) và UBND tỉnh về quản lý hành lang, Sở GTVT đã tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương thống kê, giải tỏa hành lang an toàn đường sắt, xây dựng và tăng cường các biện pháp phòng vệ. Năm 2017, UBND tỉnh bố trí 1,9 tỷ đồng sửa chữa, thay thế biển báo, làm gồ giảm tốc, bổ sung vạch sơn, làm gồ cưỡng bức, xây dựng đường gom... 

Ông Hoàng Văn Thanh, Phó Giám đốc Sở GTVT cho biết: “Đường sắt chạy qua địa bàn chủ yếu thuộc khu vực đô thị, khu đông dân cư, nhu cầu đi lại ngang qua đường sắt lớn nên việc xóa bỏ các lối đi tự mở cần thời gian và lộ trình cụ thể. Trước mắt, Sở sẽ tham mưu cho UBND tỉnh đề nghị Bộ GTVT bố trí kinh phí thực hiện các hạng mục, dự án tập trung ưu tiên nâng cấp, chuyển đổi đường ngang phòng vệ bằng biển báo thành đường ngang phòng vệ bằng tín hiệu cảnh báo có lắp đặt cần chắn tự động; xây dựng hàng rào cách ly, đường gom để tiến tới xóa bỏ, giảm dần lối đi tự mở".

Tuy nhiên, để bảo đảm an toàn, chính quyền địa phương các cấp cần tăng cường tuyên truyền vận động người dân nâng cao ý thức chấp hành các quy định khi tham gia giao thông ngang qua đường sắt, cam kết không để phát sinh thêm các lối đi dân sinh.

Sỹ Quyết

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...