Thứ sáu, 26/04/2024
Bắc giang 34 °C / 26 - 37 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

An ninh
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Đốt rơm, phơi thóc cản trở giao thông

Cập nhật: 09:39 ngày 20/06/2018
(BGĐT) - Đến hẹn lại lên, vào mùa thu hoạch lúa, nhiều nông dân đốt rơm rạ tại ruộng gây khói mịt mù, chiếm lòng lề đường để tuốt lúa, phơi thóc, phơi rơm. Hành vi này tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho người tham gia giao thông.
{keywords}

Người dân xã Trí Yên (Yên Dũng) phơi thóc trên tuyến đường vào chùa Vĩnh Nghiêm. Ảnh: Thế Đại

Biến đường thành sân phơi

Đang vào mùa gặt, đi trên nhiều tuyến đường tỉnh, huyện và liên xã, người tham gia giao thông rất khó di chuyển khi gặp cảnh tuốt lúa, phơi thóc, phơi rơm rạ ngay lòng, lề đường. Điển hình như tuyến đường tỉnh 293 và các nhánh vào Tây Yên Tử, chùa Vĩnh Nghiêm (Yên Dũng), không khó bắt gặp cảnh người nông dân nhễ nhại mồ hôi gánh lúa lên đường rồi đưa vào máy tuốt, máy phụt. Tuốt xong, tiện thể bà con phơi rơm, tẽ thóc tràn lan ngay trên đường bất chấp xe cộ đang hối hả lưu thông. 

Chưa hết, một số điểm bà con còn chất rơm ngay sát đường và đốt. Khói cuộn tròn, rồi theo chiều gió lan tỏa, bay mù mịt làm người đi đường chảy cả nước mắt, nước mũi, kết hợp với mặt đường bê tông hắt lên bỏng rát dưới cái nắng nóng lên đến 37 độ C khiến cho không khí càng thêm ngột ngạt. Nguy hiểm hơn, khói lan đã hạn chế tầm nhìn của người tham gia giao thông nhất là vào lúc trời nhá nhem tối, xe cộ không giữ được khoảng cách an toàn khiến cho nguy cơ tai nạn luôn hiện hữu.

Tương tự, quốc lộ 37 đoạn từ thị trấn Bích Động đến xã Tự Lạn (Việt Yên), một số bà con cũng phơi rơm, thóc sát lề đường bất chấp người qua lại. Cùng đó, dưới cánh đồng, từng đụn rơm to cuộn khói nghi ngút bay, lảng vảng như sương mù.

Đốt bỏ rơm rạ gây khói, chiếm lòng lề đường để tuốt lúa, phơi thóc, phơi rơm… làm ảnh hưởng đến người tham gia giao thông. Tài khoản facebook có tên MC Tien Manh cảnh báo: Hiện nay vào mùa gặt, người dân xã Xuân Hương (Lạng Giang) phơi rơm rạ ra đường, trẻ con đùa nghịch để gạch đá phía dưới rồi lấp rơm lên, vì vậy mọi người cẩn thận khi tham gia giao thông. Còn anh Ong Thế Tuấn ở ngõ 181, đường Pháp Loa, thị trấn Neo (Yên Dũng) hành nghề lái taxi than vãn: Mùa gặt chở khách về vùng nông thôn rất lo vì ngoài khói bụi làm mất tầm nhìn thì đường làng còn la liệt thóc, ô tô đi cả trên thóc, thậm chí áp sát đống rơm rạ đang cháy rất dễ gây cháy xe... 

Đầu tháng 4 vừa qua, một vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng đã xảy ra đồng loạt cả hai chiều ở cùng một thời điểm trên cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây khiến gần chục xe ô tô đâm vào nhau, 4 người phải nhập viện cấp cứu. Nguyên nhân do người dân đốt rơm, rạ trên đồng gần đường cao tốc rồi cháy lan vào bãi cỏ sát đường, che mất tầm quan sát của tài xế.

{keywords}

Nông dân xã Xuân Phú (Yên Dũng) đốt rơm rạ sát tỉnh lộ 299 gây khói mịt mù.

Thay đổi thói quen nguy hại

Ruộng lúa, bó rơm từ lâu đã gắn liền với cuộc sống của người nông dân Việt Nam. Ông Nguyễn Viết Hiệp, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Phú (Yên Dũng) cho biết: “Trước kia, rơm rạ rất quý, sau khi thu hoạch lúa, bà con thường cẩn thận phơi phóng cho khô nỏ, chất đống để đun nấu, làm thức ăn quanh năm cho trâu bò, trồng màu, rắc chuồng gia súc làm phân bón… Vụ chiêm xuân này, toàn xã gieo cấy 863 ha lúa, hầu hết số rơm rạ sau khi thu hoạch bị đốt tại ruộng mặc dù địa phương đã nhiều lần tuyên truyền, vận động bà con không đốt gây ảnh hưởng giao thông, thoái hóa đất mà nên hủy tại ruộng bằng cách chôn lấp, rắc chế phẩm vi sinh.

Nguyên nhân do nhu cầu sử dụng để đun nấu đã giảm đáng kể, máy móc nông nghiệp cũng thay thế đàn trâu bò, cộng với sự thiếu hiểu biết cho rằng đốt rơm rạ sẽ không mất công xử lý, chỉ cần một mồi lửa là sẽ cháy rụi toàn bộ, tiêu diệt được một số mầm bệnh dịch và dùng tro than bón lúa đợt sau nên bà con vẫn chưa tuân thủ. Sắp tới chúng tôi sẽ mời các hộ cố tình vi phạm đến UBND xã để nhắc nhở, quán triệt, đồng thời có biện pháp xử lý hành chính, bảo đảm tính răn đe”.

Bà Hoàng Thị Thiệp, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tư Mại (Yên Dũng) cho rằng: Để nâng cao nhận thức và giúp bà con xử lý rơm rạ sau thu hoạch có lợi nhất, Hội Nông dân xã đang vận động bà con đăng ký mua chế phẩm vi sinh do Hội Nông dân tỉnh cung ứng để vãi trực tiếp vào đồng ruộng, góp phần tăng độ phì nhiêu của đất; tránh đốt tràn lan.

Để giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường, gây mất an toàn giao thông do việc đốt rơm rạ, phơi thóc gây ra, ngày 13-6-2018, Chủ tịch UBND tỉnh có công văn chỉ đạo lực lượng chức năng các địa phương tăng cường tuần tra, kiểm soát trên các tuyến đường, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý tình trạng người dân phơi nông sản, rơm rạ lấn chiếm lòng, lề đường, đốt sản phẩm phụ của nông nghiệp tạo khói dọc các tuyến đường gây mất ATGT. Thiết nghĩ đây là cơ sở pháp lý quan trọng để các địa phương cùng vào cuộc, mạnh tay xử lý các hành vi vi phạm nêu trên, tránh tình trạng tái diễn ở các vụ sau.

Thu Phong

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...