Thứ ba, 16/04/2024
Bắc giang 32 °C / 24 - 30 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

An ninh
An ninh
icon
0.5 1.0 1.5
Chia sẻ:

Luật An ninh mạng: Cơ sở pháp lý bảo vệ không gian mạng

Cập nhật: 20:00 ngày 27/06/2018
(BGĐT) - Luật An ninh mạng vừa được Quốc hội thông qua, có hiệu lực từ ngày 1-1-2019. Luật gồm 7 chương, 43 điều quy định về hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trên không gian mạng; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Phóng viên Báo Bắc Giang trao đổi với luật sư Trần Văn An, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bắc Giang về một số nội dung của Luật.

{keywords}

Luật sư Trần Văn An.

Ngày 12-6, Quốc hội thông qua Luật An ninh mạng. Luật sư có thể cho biết sự cần thiết phải ban hành Luật ?

Luật sư Trần Văn An: Phải khẳng định rằng, hoạt động trên không gian mạng thời gian qua không còn là hoạt động “ảo” mà nó có tác động trực tiếp, sâu rộng đến mọi mặt đời sống xã hội từ an ninh trật tự, chính trị, kinh tế, quyền, lợi ích của người dân, thậm chí còn định hướng, dẫn dắt dư luận, các trào lưu trong xã hội... Bên cạnh những mặt tích cực, hoạt động trên mạng xã hội bộc lộ nhiều hạn chế, tiêu cực; có nhiều diễn biến phức tạp khó kiểm soát. Đối tượng xấu đã lợi dụng mạng xã hội để kích động, tuyên truyền chống phá Nhà nước, chống chế độ; các tội phạm xâm phạm quyền con người, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, tội phạm xâm phạm trật tự an toàn xã hội; tội phạm kinh tế…

Sự hình thành và phát triển với tốc độ rất cao của không gian mạng; các hoạt động trên không gian mạng đã, đang và ngày càng có tác động trực tiếp đến mọi mặt đời sống xã hội. Việc Quốc hội lấy ý kiến nhân dân, ban hành Luật để điều chỉnh là tất yếu.

Đề nghị Luật sư nói rõ hơn về các hành vi mà Luật An ninh mạng nghiêm cấm?

Luật sư Trần Văn An: Luật An ninh mạng quy định các nhóm hành vi bị nghiêm cấm gồm: Sử dụng không gian mạng để thực hiện hành vi tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, chia rẽ đoàn kết dân tộc, gây mất uy tín của cơ quan, tổ chức như: Tuyên truyền xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân; kích động chiến tranh xâm lược, chia rẽ, gây mất đoàn kết giữa các dân tộc, tôn giáo và nhân dân các nước; xúc phạm dân tộc, quốc kỳ, quốc huy, quốc ca, vĩ nhân, lãnh tụ, danh nhân, anh hùng dân tộc... Nhóm hành vi sử dụng không gian mạng để thực hiện các hành vi trái luật, xâm phạm danh dự, nhân phẩm của công dân và các quan hệ kinh tế.

Trước và sau khi Luật An ninh mạng được thông qua còn có những ý kiến chưa đồng thuận, e ngại Luật sẽ hạn chế quyền tự do ngôn luận, quyền bày tỏ chính kiến của mỗi người. Quan điểm của luật sư về vấn đề này như thế nào?

Luật sư Trần Văn An: Trước đây, hoạt động trên không gian mạng được hiểu, được coi là hoạt động “ảo”, ít bị quản lý. Nay Quốc hội ban hành Luật để quản lý hoạt động trên không gian mạng thì việc phát sinh quan điểm chưa đồng thuận là điều dễ hiểu.

Dù ở bất kỳ quốc gia nào, pháp luật luôn là căn cứ, cơ sở để Nhà nước thực hiện chức năng quản lý xã hội - quản lý xã hội bằng quyền lực của Nhà nước; bảo đảm trật tự xã hội, bảo vệ quyền con người, quyền lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Thực tế, nhiều người coi mạng xã hội là hoạt động “ảo” vô tư bày tỏ, thể hiện quan điểm thái độ... mà không hoặc chưa ý thức được rằng việc làm của mình đã xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác. Không có xã hội nào chấp nhận việc xúc phạm, nhục mạ người khác; lợi dụng mạng để tuyên truyền, cổ súy hành vi bạo lực, đồi trụy, chống phá Nhà nước, chống chế độ; làm công cụ phạm tội… Mặt khác, thời gian qua, lợi dụng việc thiếu cơ chế, chính sách, chế tài do chưa có luật chuyên ngành điều chỉnh, các đối tượng lưu manh, cơ hội, phản động đã lợi dụng tối đa mạng xã hội để tuyên truyền, kích động, dụ dỗ, lôi kéo một số người chống phá Đảng, Nhà nước, chính quyền nhân dân. Luật An ninh mạng ra đời góp phần bảo đảm an ninh, bảo vệ thể chế, chế độ, bảo vệ Nhà nước; xử lý hành vi xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc, xúc phạm tôn giáo; ngăn chặn những phần tử kích động bạo loạn, phá rối an ninh quốc gia, gây rối trật tự công cộng…

Trong một nhà nước pháp quyền, quyền của mỗi người luôn đi liền với nghĩa vụ, trách nhiệm của họ với người khác, với xã hội. Quyền của người này là nghĩa vụ, trách nhiệm của người kia. Mỗi cá nhân, tổ chức đều phải có trách nhiệm bảo vệ độc lập dân tộc, bảo vệ chế độ, bảo vệ các giá trị lịch sử của dân tộc, tôn trọng và bảo vệ quyền, lợi ích của tổ chức, cá nhân khác. Với cách hiểu đó, tôi cho rằng Luật An ninh mạng ra đời không phải để hạn chế tự do, dân chủ, quyền tự do ngôn luận mà chính là công cụ để bảo đảm các quyền này được thực hiện.

Để Luật An ninh mạng đi vào cuộc sống, thời gian tới chúng ta cần phải làm gì thưa Luật sư ?

Luật sư Trần Văn An: Để làm được điều đó, đi đôi với tuyên truyền, giải thích vận động để nhân dân tự giác thực hiện cần sớm ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành thật cụ thể, chi tiết, tránh gây hiểu lầm hoặc khó khăn trong việc hiểu, áp dụng. Văn bản hướng dẫn phải phân định được giới hạn đâu là hành vi vi phạm, hành vi bị ngăn cấm, đâu là việc bày tỏ tự do ngôn luận, tự do dân chủ để người dân thực hiện đúng. Văn bản hướng dẫn phải rõ ràng, chỉ rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan công quyền, người thi hành công vụ. Khi pháp luật thật sự cụ thể, chi tiết thì kẻ xấu không thể lợi dụng để xuyên tạc. Tôi tin tưởng và mong muốn rằng thực tiễn áp dụng sẽ chứng minh Luật An ninh mạng ra đời là công cụ hữu hiệu bảo đảm quyền con người, quyền và lợi ích của cá nhân, tổ chức; bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, độc lập dân tộc, bảo vệ chế độ.

Xin cảm ơn Luật sư!

Thùy Ninh

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...