Thứ tư, 24/04/2024
Bắc giang 23 °C / 24 - 32 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

An ninh
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Lập lại trật tự hành lang an toàn giao thông: Liệu có “bắt cóc bỏ đĩa” ?

Cập nhật: 16:56 ngày 09/07/2018
(BGĐT) - Với phương châm “dân đồng thuận, việc khó thành dễ”, các địa phương trong tỉnh Bắc Giang đang tích cực tiến hành giải tỏa, tháo dỡ mái che, mái vẩy, cây xanh trong chỉ giới đường bộ, lập lại trật tự hành lang an toàn giao thông (ATGT).
{keywords}

Cơ quan chức năng tiến hành di chuyển cây xanh trên hành lang ATGT tại thôn Cả,

xã Mỹ Thái (Lạng Giang).

Làm đến đâu, gọn đến đó

Sau hơn một tuần ra quân xử lý các trường hợp lấn chiếm lòng, lề đường, đến nay xã Ngọc Thiện (Tân Yên) đã giải tỏa 75 trường hợp vi phạm tại tuyến đường dẫn vào chợ Bỉ. Quá trình thực hiện, 70% số hộ dân đã tự giác tháo dỡ công trình vi phạm, 30% số hộ còn lại cố tình chây ì nên lực lượng chức năng phải cưỡng chế. Sau đợt ra quân giải tỏa, tuyến đường này đã thông thoáng.

Ông Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch UBND xã Ngọc Thiện cho biết: “Qua rà soát, toàn xã có khoảng 200 trường hợp làm mái che, mái vẩy, bậc tam cấp, biển quảng cáo ngoài phạm vi đất của gia đình. Để giải quyết dứt điểm tình trạng này, chúng tôi xây dựng kế hoạch, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân và tập trung làm gọn từng khu vực một. Quá trình tổ chức, địa phương trích một phần kinh phí hỗ trợ các hộ mua xi-măng để hoàn lại mặt đường sau giải tỏa. Nhờ đó, tạo được sự đồng thuận trong nhân dân”. Theo kế hoạch, từ nay đến hết tháng 9, UBND xã Ngọc Thiện sẽ xử lý dứt điểm các trường hợp vi phạm.

Với chủ trương làm đến đâu, gọn đến đó, sau khi hoàn thành giải tỏa hành lang ATGT tại đường gom dân sinh qua các khu công nghiệp và tỉnh lộ 298 (đoạn qua thị trấn Bích Động), lực lượng chức năng huyện Việt Yên đang phối hợp với các xã, thị trấn tập trung triển khai nhiệm vụ này tại tuyến quốc lộ 37. Đến nay, lực lượng chức năng đã lập biên bản, hỗ trợ người dân tháo dỡ, giải tỏa 536 mái che, mái vẩy, biển quảng cáo cùng hàng trăm cây xanh.

Tương tự, năm nay, UBND huyện Lạng Giang xác định rõ ba khu vực cần tập trung giải tỏa gồm: Đường tỉnh 295 chạy qua thị trấn Vôi; khu vực phố Bằng thuộc hai xã An Hà, Nghĩa Hòa và đường huyện từ phố Giỏ (xã Tân Dĩnh) đi xã Mỹ Thái. Theo đó, UBND huyện yêu cầu Phòng Kinh tế - Hạ tầng phối hợp với ngành chức năng và chính quyền địa phương làm tốt công tác dân vận, bố trí lực lượng hỗ trợ các gia đình tự nguyện tháo dỡ. 

Ghi nhận tại xã Mỹ Thái được biết, trên tuyến đường huyện qua địa bàn, một số hộ trước kia được cấp sổ đỏ đến sát mép đường. Do đó, có chỗ vỉa hè của đường vẫn nằm trong đất của người dân. Để đường thông, hè thoáng, chính quyền địa phương đã đẩy mạnh tuyên truyền giúp người dân hiểu, tự tháo dỡ công trình ảnh hưởng đến hàng lang ATGT và được đại đa số người dân ủng hộ. Hiện chỉ còn 12/200 trường hợp chưa đồng thuận. 

Ông Hoàng Văn Quyền, Phó trưởng Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Lạng Giang nói: “Nhờ tập trung lực lượng để giải tỏa tại từng khu vực nên tạo khí thế ra quân sôi nổi, người dân nhận thức và đồng tình ủng hộ, tự tháo dỡ những vật dụng lấn chiếm. Vì vậy, các tuyến đường trở nên đẹp và quy củ hơn”.

Ngăn chặn tái lấn chiếm

Ngay sau khi hoàn thành tháo dỡ các công trình vi phạm trên tuyến tỉnh lộ 298 (đoạn qua thị trấn Bích Động), UBND huyện Việt Yên bố trí hơn 11 tỷ đồng để lát, bó vỉa hè và xây dựng hệ thống thoát nước dọc hai bên đường. Còn đối với quốc lộ 37, sau giải tỏa, UBND huyện lập biên bản hiện trạng, bàn giao mặt bằng cho Đội Quản lý trật tự, giao thông, xây dựng và môi trường huyện cùng UBND các xã, thị trấn nơi có tuyến đường đi qua tăng cường quản lý, kiên quyết không để người dân tái lấn chiếm. 

Tương tự, UBND xã Ngọc Thiện (Tân Yên) yêu cầu các hộ ký cam kết không tái phạm. Đặc biệt, đầu tháng 7, UBND xã thành lập Tổ trật tự về ATGT do lực lượng công an xã làm nòng cốt để nhắc nhở các trường hợp cố tình để xe máy, biển quảng cáo lấn chiếm.

Được biết, nhằm hỗ trợ các địa phương, năm nay, từ nguồn ngân sách, UBND tỉnh hỗ trợ mỗi huyện, TP 300 triệu đồng để thực hiện việc lập lại trật tự hành lang ATGT. Phần kinh phí này, các địa phương sẽ ưu tiên giải tỏa tại các điểm có nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông cao. Ngoài hỗ trợ của tỉnh, căn cứ tình hình thực tế, các địa phương bố trí thêm nguồn kinh phí cho nhiệm vụ này, đồng thời đưa ra nhiều giải pháp để ngăn chặn tái lấn chiếm. 

Điển hình, Chủ tịch UBND huyện Lạng Giang yêu cầu tất cả các tổ chức, đoàn thể phải vào cuộc, trong đó người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra tái lấn chiếm. Còn tại huyện Tân Yên, UBND huyện xây dựng lộ trình cụ thể, nếu để tình trạng tái lấn chiếm thì UBND cấp xã chịu trách nhiệm trực tiếp trước UBND huyện; đồng thời coi đây là tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ cuối năm.

Giải pháp đã được các cơ quan chức năng đưa ra nhưng liệu có tình trạng “bắt cóc bỏ đĩa”(?). Lý do là thời gian qua, nhiệm vụ giải tỏa hành lang giao thông năm nào cũng được các địa phương xác định là nhiệm vụ trọng tâm. Tuy nhiên sau các đợt ra quân, chỉ vắng bóng cơ quan chức năng là tình trạng lấn chiếm lòng, lề đường lại tái diễn. Vì thế, sau giải tỏa, các địa phương cần đẩy mạnh kiểm tra, giám sát việc chấp hành của hộ dân, kiên quyết xử lý đối với những trường hợp cố tình vi phạm. Có như vậy, hành lang ATGT mới được bảo vệ, tạo tầm nhìn thông thoáng, hạn chế các vụ va chạm, tai nạn giao thông.

Sỹ Quyết

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...