Thứ sáu, 26/04/2024
Bắc giang 35 °C / 27 - 39 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

An ninh
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Vụ ba người tử vong do bị ngạt dưới giếng: Cha cứu con, chủ cứu thợ… bất thành

Cập nhật: 17:13 ngày 14/07/2018
(BGĐT)- Chiều 13-7, cả thôn Cầu Bằng, xã Hương Sơn, huyện Lạng Giang (Bắc Giang) đẫm nước mắt lần lượt tiễn đưa ba người đàn ông về nơi an nghỉ cuối cùng. Sự việc khiến người dân nơi đây không khỏi bàng hoàng. 

Chiều thứ Sáu (13-7), cả thôn Cầu Bằng, xã Hương Sơn,huyện Lạng Giang (Bắc Giang) đẫm nước mắt lần lượt tiễn đưa 3 người đàn ông xấusố về nơi an nghỉ tại cùng một nghĩa trang. Cái chết thương tâm xảy ra bất ngờ khiến nhữngngười dân nơi đây không khỏi xót xa, bàng hoàng.

Tang thương bao trùm cả làng 

“Chưa bao giờ làng tôi lại có một buổi chiều muộn tang thương như thế. Ba người đàn ông khỏe mạnh đang là trụ cột của ba gia đình, chỉ trong chốc lát đã ra đi mãi mãi, thật quá đau xót. Ngay sau sự việc xảy ra, cơ quan chức năng đã đến khám nghiệm hiện trường, tử thi, điều tra làm rõ nguyên nhân. Tuy nhiên, cả ba gia đình đều đề nghị không khám nghiệm tử thi”- Ông Nguyễn Viết Bổng, Trưởng Ban công tác mặt trận thôn Cầu Bằng ngậm ngùi kể với phóng viên.

Ngồi tiếp chuyện với chúng tôi, ông Phạm Trọng Lịch - một trong những người hàng xóm và cũng là họ hàng của nạn nhân kể: Chiều 12-7, ông Nguyễn Văn Hùng (SN 1960), trú tại thôn Đồn 20, xã Hương Sơn cùng con rể là anh Quản Văn Chinh (SN 1978) trú tại thôn Cầu Bằng (cùng xã) đến gia đình anh Phạm Văn Thắng (SN 1984) ở thôn Cầu Bằng để nạo vét giếng thuê.

{keywords}

Ông Nguyễn Viết Bổng kể với cùng phóng viên về vụ tai nạn.

Giếng được gia đình anh Thắng đào cách đây vài tháng, sâu khoảng 8,5 mét, nay nạo vét thêm đồng thời xây gạch bao quanh để thuận tiện hơn cho việc lấy nước sinh hoạt và tưới cây trong vườn, trên đồi. Sau khi nghỉ giải lao, anh Chinh tiếp tục xuống đáy giếng làm việc. Lâu lâu không nghe thấy tiếng con rể gọi để kéo bùn lên, ông Hùng nhòm xuống thì phát hiện anh Chinh ở dưới giếng bị ngất nên vội trèo xuống để cứu nhưng cũng ngất ngay sau đó. 

Chủ nhà là anh Thắng ở trên thấy vậy hoảng quá liền hô hoán người dân đến giúp và không ngần ngại nhảy xuống giếng để cứu người song cũng bị ngất. Tuy nhiên, khi quần chúng nhân dân dùng dây thừng kẹp móc sắt kéo lên thì cả ba người đã tử vong. Nguyên nhân ban đầu được xác định là do ngạt khí.

Hai người hàng xóm may mắn sống sót khi xuống cứu người là anh Trần Văn Hồng (SN 1984) và anh Hoàng Văn Văn (không rõ năm sinh). Nghe tiếng kêu cứu, anh Hồng đu dây xuống đáy và ngay lập tức cảm thấy chóng mặt, khó thở. Lúc này, anh Vũ Văn Quân (nhà sát bên) cũng chạy sang và nhanh chóng dùng búa đập bỏ phần xây gạch ở giữa giếng để kéo anh Hồng lên và hô hoán mọi người làm các biện pháp hô hấp nhân tạo. 

Ông Lịch cho biết: "Nếu anh Quân chỉ chậm 1 phút thì anh Hồng chưa chắc đã được cứu sống". Ngay sau đó, anh Hồng được gia đình đưa đi Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu. Trưa 14-7, phóng viên liên hệ với người nhà qua điện thoại được biết anh đã qua cơn nguy kịch, sức khỏe dần ổn định. Còn anh Văn là người thứ năm cột dây vào người và mang theo một sợi dây khác nhảy xuống giếng để đưa các nạn nhân lên mặt đất. Tuy nhiên, mới xuống được vài mét đã bị ngất, được người dân nhanh chóng kéo lên nên chỉ bị ảnh hưởng nhẹ. 

Người dân thiếu thông tin, kỹ năng phòng ngừa

Hiện nay, việc sử dụng giếng đào rất phổ biến ở các vùng nông thôn. Riêng xã miền núi Hương Sơn có 3.600 hộ thì hầu hết đều sử dụng giếng để lấy nước sinh hoạt và sản xuất. Tai nạn thường xảy ra khi người dân xuống giếng nạo vét, vệ sinh, nhặt các vật dụng, con vật bị rơi hay sửa chữa máy bơm. 

Thế nhưng khi chúng tôi hỏi một số người dân ở đây rằng có biết dưới đáy giếng sâu thường có khí độc tích tụ lâu ngày, nếu có tác động khí sẽ bung ra gây nguy hiểm cho sức khỏe và tính mạng không thì họ trả lời hoàn toàn không biết. Vì vậy họ không hề trang bị các biện pháp bảo vệ, không có các kỹ năng phòng ngừa. Giá như mỗi người dân được trang bị kiến thức thì thương vong sẽ không nhiều như vụ việc nêu trên.

Ông Phạm Văn Trung, Chủ tịch UBND xã Hương Sơn cho biết: Trong số ba nạn nhân tử vong thì gia đình ông Nguyễn Văn Hùng rất khó khăn. Bản thân làm ruộng, vợ đau ốm nhiều năm, những lúc nông nhàn ai thuê gì làm nấy, từ đào giếng đến phụ hồ, làm vườn… Còn hai nạn nhân khác cũng là trụ cột gia đình. Sự ra đi đột ngột đã để lại khoảng trống lớn cả về vật chất và tinh thần cho vợ con và những người thân của họ.   

Sau khi nghe hung tin về vụ việc, ông Nguyễn Văn Nghĩa, Chủ tịch UBND huyện Lạng Giang và chính quyền địa phương đã liên lạc ngay với Đội phòng hóa, Trung đoàn 2 (Sư đoàn Sao Vàng) đóng quân trên địa bàn xã đến cứu nạn; đồng thời xuống gia đình các nạn nhân thăm hỏi, động viên, chia sẻ nỗi đau thương mất mát. 

Sở Lao động-Thương binh và xã hội, chính quyền, đoàn thể huyện Lạng Giang và xã Hương Sơn đã hỗ trợ mỗi gia đình 12,4 triệu đồng. Chính quyền xã Hương Sơn cũng họp đột xuất, phân công các ngành, đoàn thể cùng bàn bạc, sắp xếp để lần lượt tổ chức lễ an táng cho các nạn nhân theo phong tục địa phương vào hồi 14 giờ, 15 giờ và 16 giờ ngày 13-7; đồng thời khuyến cáo, thông báo trên loa truyền thanh tới người dân một số thông tin để phòng ngừa. 

Theo kinh nghiệm dân gian, trước khi xuống giếng người dân hãy sử dụng một bó to cành cây tươi có lá thả xuống, kéo lên kéo xuống khoảng 10 phút để làm loãng khí độc dưới giếng (nếu có). Hoặc nhốt một con gà khỏe mạnh (khoảng hơn 1kg) vào lồng rồi thả xuống, sau khoảng 15 phút kéo lên thấy gà ở trạng thái bình thường như ban đầu thì mới nên xuống. 

Người dân cũng cần trang bị thêm các kỹ năng phòng ngừa, khi có người bị ngất dưới giếng tuyệt đối không xuống cứu mà sử dụng dây thừng có móc sắt kéo lên hoặc nhanh chóng gọi cứu hộ.

Thu Phong- Việt Anh

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...