Thứ bảy, 27/04/2024
Bắc giang 30 °C / 28 - 40 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

An ninh
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Cảnh giác trước những cạm bẫy

Cập nhật: 08:41 ngày 30/07/2018
(BGĐT) - Bất kỳ ai nếu thiếu hiểu biết và mất cảnh giác đều có thể trở thành nạn nhân của tội phạm mua bán người. Cạm bẫy chúng đưa ra thường là viễn cảnh tươi sáng, công việc nhàn hạ nhưng thu nhập cao. 
{keywords}

Thủ đoạn của bọn buôn người thường đưa ra viễn cảnh việc nhẹ, lương cao.

Nhiều kiểu lừa

Thủ đoạn phổ biến nhất của các đối tượng phạm tội mua bán người là làm quen với phụ nữ, nhất là ở khu vực nông thôn, trình độ học vấn thấp, hoàn cảnh khó khăn, đang thiếu việc làm, sau đó dùng lời đường mật dụ dỗ, vẽ ra viễn cảnh tương lai tươi sáng để lôi kéo nạn nhân. 

Chị M ở xã Song Khê (TP Bắc Giang)- một nạn nhân của vụ mua bán người nghẹn ngào kể: “Gia đình em chỉ có hai mẹ con. Học hết cấp 3, do mẹ ốm nặng nên em nghỉ học đi xin việc làm. Đến một công ty ở huyện Từ Sơn (Bắc Ninh) nộp hồ sơ nhưng thời điểm đó công ty đã tuyển đủ lao động. Em thất thểu ra bến bắt xe về nhà. Hôm đó chờ mãi mà không có chuyến xe nào, trời thì tối dần, bỗng một thanh niên đi xe máy áp sát và hỏi em cần đi đâu? Em thật thà kể muốn về Bắc Giang, hắn lân la chuyện trò rồi ngỏ ý muốn đưa em về tận nhà mà không lấy tiền xe. 

Tận mắt thấy gia đình em khó khăn, mẹ nằm bệt trên giường nên hắn bảo “Nhìn hoàn cảnh em thương quá” nên rất muốn giúp đỡ. Hắn nói lên Lạng Sơn có việc làm tốt, lương cao, hằng tháng có tiền triệu gửi về cho mẹ chữa bệnh. Em đồng ý. Ngồi trên xe khách li bì, nên sang đến Trung Quốc lúc nào không biết. Khi tỉnh dậy thấy có người bảo: “Mày đang ở Trung Quốc, bị thằng Bộ bán lấy 20 triệu rồi”. Quá sợ hãi muốn về nhà nhưng không còn cách nào, em đành chấp nhận cuộc sống khổ cực nơi xứ người một thời gian dài. Trốn được về Việt Nam, được công an vận động, em mới dám viết đơn tố cáo đối tượng Ngọ Văn Bộ (SN 1978) trú tại thôn Ngọ Xá, xã Châu Minh (Hiệp Hòa) đã lừa bán em”.

Đối tượng mua bán người cũng lợi dụng sơ hở trong việc tư vấn môi giới hôn nhân với người nước ngoài, cho, nhận con nuôi, du lịch thăm thân, đi hợp tác lao động. Chúng chủ động làm quen, vờ yêu đương, sau thời gian tạo mối quan hệ đã hứa hẹn làm tin rồi lừa nạn nhân đi du lịch, ra mắt bố mẹ… Đến khi ra khỏi biên giới, chúng báo cho đối tượng cò mồi đang đợi sẵn. 

Một số người do thua lỗ nợ nần chồng chất, muốn kiếm ngay việc làm có thu nhập cao để bù nhanh vào khoản bị mất cũng dễ là nạn nhân. Một thủ đoạn rất mới trong những năm gần đây là đối tượng xấu lợi dụng công nghệ thông tin, mạng xã hội lừa bán những cô gái mới lớn ở gia đình có bố mẹ nuông chiều, dễ dãi trong chuyện yêu đương, ham cái mới.

Cá biệt có trường hợp cha mẹ nhẫn tâm bán cả con đẻ sang Trung Quốc lấy tiền tiêu pha. Ngày 24-7 vừa qua, Đặng Văn Thùy (SN 1968) ở thôn Ngọc Thành, xã Ngọc Sơn (Hiệp Hòa) đã mang con gái 4 tuổi đi bán. Sau khi vợ qua đời, Thùy nuôi con một mình và có quan hệ như vợ chồng với Nguyễn Thị Trang (SN 1997) ở tỉnh Hưng Yên. 

Cách đây gần một tháng, một phụ nữ giới thiệu tên Hiền (không rõ danh tính) tình cờ làm quen với Thùy khi hai bố con đang ngồi uống nước ở quán ven đường. Qua câu chuyện, Hiền cho biết muốn nhận con nuôi cho một người bên Trung Quốc. Nếu Thùy đồng ý sẽ hỗ trợ 30 triệu đồng. Không có tiền tiêu, lại nghiện ma túy, Thùy và người tình đã nhẫn tâm đưa con gái lên Lạng Sơn, đang tìm cách sang Trung Quốc thì bị bắt giữ.

Nâng cao cảnh giác

Đại tá Lại Văn Đông, Trưởng Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh cho biết: Đấu tranh với tội phạm mua bán người cực kỳ khó khăn, phức tạp. Năm 2016 và 2017, cả tỉnh không bắt được vụ nào; 6 tháng đầu năm 2018, đơn vị điều tra 2 vụ, bắt 2 đối tượng. 

Nguyên nhân do bị hại thường ở bên kia biên giới, nếu có về được địa phương thì việc nạn nhân chỉ đích xác đối tượng cũng khó, không có người làm chứng, đối chất nên đối tượng không nhận tội thì không thể áp dụng các biện pháp ngăn chặn. Tiếp đến là chúng thường hoạt động lưu động nên khó xác định địa điểm.

Nạn nhân sau khi bị bán thường bị ép làm gái bán dâm, làm vợ bất hợp pháp hoặc cưỡng bức lao động, vì tương lai, danh dự nên rất ít người dám đứng ra tố cáo. Thậm chí việc hỗ trợ, giúp đỡ của Hội phụ nữ, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội… còn bị từ chối vì họ không muốn nhắc đến chuyện bị mua bán.

Trước thực trạng trên, giải pháp quan trọng nhất là tăng cường tuyên truyền để người dân (nhất là những nhóm người dễ bị lôi kéo, dụ dỗ như phụ nữ, trẻ em gái) nắm được thủ đoạn của bọn tội phạm, từ đó nhận thức được hậu quả, tác hại của hành vi mua bán người để phòng tránh. Bên cạnh đó, ngành công an đẩy mạnh công tác nắm tình hình, phòng ngừa đấu tranh; kịp thời phát hiện, bắt giữ và xử lý nghiêm các đối tượng, băng nhóm, tổ chức thực hiện hành vi buôn bán người. Ngoài tuyên truyền pháp luật, còn khuyến khích, động viên nạn nhân tố giác tội phạm để răn đe, phòng ngừa, không cho chúng có “đất” hoạt động.

Thu Phong

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...