Thứ sáu, 19/04/2024
Bắc giang 29 °C / 23 - 36 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

An ninh
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Đại tá Ninh Đắc Thỏa: Nhớ một thời gian lao mà anh dũng

Cập nhật: 17:23 ngày 17/08/2018
(BGĐT) - Đại tá Ninh Đắc Thỏa (SN 1927), nguyên Phó trưởng phòng Kinh tế, Công an tỉnh Hà Bắc từng có nhiều năm chiến đấu trong lòng địch. Hơn 30 năm công tác trong ngành công an, ông đã tham gia đấu tranh với tội phạm ở nhiều lĩnh vực, góp phần bảo đảm an ninh trật tự địa bàn, đem lại bình yên cho nhân dân.

Thời thanh niên sôi nổi

Chiều cuối tuần, tôi tìm đến nhà Đại tá Ninh Đắc Thỏa ở đường Võ Thị Sáu, phường Hoàng Văn Thụ (TP Bắc Giang). Đón tôi, Đại tá hồ hởi: “Sáng con đến tìm ông à? Ông vừa ra Hà Nội thăm người lính cũ mới về hưu”. Là người đã từng trải qua bao gian khổ, khó khăn, ông luôn dành cho đồng đội tình cảm trân trọng, quý mến, kể cả khi còn công tác hay đã về nghỉ hưu.

Nhắc đến những năm tháng tuổi trẻ hoạt động cách mạng, ánh mắt ông rạng rỡ niềm tự hào. Tham gia lực lượng tự vệ khi chưa đầy 18 tuổi, ông làm nhiệm vụ bí mật truyền thư, vận động người dân đi theo cách mạng. Do đặc thù công việc, ông thường xuyên vắng nhà. Thi thoảng ban đêm về thăm gia đình ít phút rồi lại vội vã lên đường.

{keywords}

Đại tá Ninh Đắc Thỏa trao sổ tay ghi chép cá nhân cho Phòng Truyền thống Công an tỉnh.

Ông kể: Sau chiến thắng ở làng Bừng, xã Tân Thanh (Lạng Giang), ngày 18-8-1945, ông và đồng đội trở về Phủ Lạng Thương hợp nhất cùng lực lượng tự vệ chiến đấu, tham gia khởi nghĩa giành chính quyền. Cách mạng Tháng Tám thành công, để kiện toàn bộ máy chính quyền và xây dựng lực lượng bảo vệ an ninh trật tự, Ty liêm phóng Bắc Giang (sau này đổi thành Ty Công an Bắc Giang) ra đời với khoảng 60 người. Đây là những hạt nhân tin cậy được tuyển chọn ở cơ sở và đội tự vệ, trong đó có chàng trai trẻ Ninh Đắc Thỏa.

Đêm giao thừa năm 1948, dưới cái lạnh như cắt da thịt, tổ công tác của ông chân trần đi bộ gần chục cây số để truy bắt kẻ địch. Trong ngày đầu năm mới, hai đồng đội của ông đã hy sinh. Thế nhưng ông vẫn gắng kìm nén cảm xúc, động viên những thành viên khác hoàn thành nhiệm vụ, kịp thời đưa thông tin về hoạt động của địch tới chỉ huy để xây dựng phương án đấu tranh.

Nhằm phục vụ nhiệm vụ mới, năm 1949, ông Ninh Đắc Thỏa được chuyển về Đội Quyết tử Bạch Đằng hoạt động bí mật trong lòng địch. Năm đó, nhiều lần kẻ địch treo thưởng cho ai tìm ra danh tính, tung tích những thành viên trong Đội Quyết tử Bạch Đằng. Nhờ có những thông tin của ông và đồng đội, quân ta đã xử lý và vô hiệu hóa được âm mưu của địch. Hoạt động của bọn phỉ giảm hẳn.

“Án khó, có ông Thỏa”

Những ngày chiến đấu trong lòng địch là khoảng thời gian ông không bao giờ quên. Chứng kiến biết bao hy sinh, mất mát của đồng đội càng làm ông trở nên mạnh mẽ, kiên cường. Ông luôn tâm niệm, chỉ cần có độc lập, có tự do cho nhân dân thì mọi sự hy sinh đều là xứng đáng. Năm 1954, hòa bình lập lại ở miền Bắc, lúc này, ông được phân công tiếp quản hai căn cứ an ninh ở bốt Dĩnh Lục và Phủ Lạng Thương. Sau khi ổn định tình hình tại hai địa phương được giao, ông trở về Ty Công an Bắc Giang nhận nhiệm vụ tại Trại tạm giam rồi chuyển đến Ban Hình sự.

Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội thời điểm đó rất phức tạp. Với kinh nghiệm công tác và sự cẩn trọng, nhạy bén trong suy luận điều tra, nhiều vụ án khó tưởng chừng bị “thối” đã được ông làm rõ. Đơn cử như vụ giết người, cướp tài sản ở huyện Yên Thế. Với manh mối từ chiếc mũ rơi ở cánh rừng và chiếc bút Phi-lốt, ông một mình đi bộ qua nhiều xã trong huyện để rà soát tình hình, sàng lọc đối tượng. Sau gần một tháng thu thập, củng cố tài liệu, chứng cứ, kẻ gây án là xã đội trưởng Nguyễn Đăng Dung đã bị bắt giữ.

Hay như vụ án “xác người trên sông Chũ” năm 1958. Do am hiểu đặc điểm về người dân địa phương, ông phân tích và nhận thấy người phụ nữ bị giết là ở huyện Nam Sách (tỉnh Hải Dương). Từ dấu vết đó, ông đã rà soát và tìm ra nhiều tình tiết quan trọng, giúp làm rõ kẻ thủ ác chính là người chồng bội bạc của nạn nhân. Ông có “duyên” trong điều tra trọng án nên đồng nghiệp thường nói “án khó có ông Thỏa”.

Năm 1984, ông nghỉ hưu khi giữ chức vụ Phó trưởng Phòng Kinh tế (Công an tỉnh Hà Bắc). Suốt những năm công tác, ở vai trò nào ông cũng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, được nhân dân yêu mến. Đặc biệt, sáng kiến của ông về vận động quần chúng tham gia tố giác, phát giác tội phạm và xây dựng đội ngũ cộng tác viên bí mật đến nay vẫn được coi là một trong những biện pháp nghiệp vụ quan trọng của ngành công an. Dù lập nhiều thành tích nhưng ông luôn coi đó là thành quả của một tập thể đoàn kết, của cả lực lượng, chứ ông không nhận gì cho riêng cá nhân mình.

Tôn vinh điển hình tiên tiến trong lực lượng Công an nhân dân
Những chiến công thầm lặng của lực lượng Công an nhân dân (CAND) được phác họa trong cuộc giao lưu điển hình tiên tiến (ĐHTT) nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Bác Hồ có Sáu điều dạy CAND 11-3 (1948-2018) và 70 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc 11-6 (1948-2018), Bộ Công an và Đài Tiếng nói Việt Nam (TNVN) tổ chức ngày 14-5 tại Hà Nội.
 

Ngọc Anh

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...