Thứ sáu, 26/04/2024
Bắc giang 28 °C / 26 - 37 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

An ninh
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Giáo dục quốc phòng, an ninh: Tạo hứng thú cho học sinh, sinh viên

Cập nhật: 07:00 ngày 22/10/2018
(BGĐT) - Giáo dục quốc phòng, an ninh (QPAN) là nội dung học tập đặc thù trong trường học nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của thế hệ trẻ đối với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Nhận thức rõ tầm quan trọng của môn học này, các trường học của tỉnh đã đổi mới phương pháp giảng dạy, từng bước nâng cao chất lượng giáo dục QPAN cho học sinh, sinh viên.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo về giáo dục QPAN trong nhà trường, 100% các trường trên địa bàn tỉnh thực hiện đúng, đủ nội dung theo phân phối chương trình của Bộ. Cụ thể, ở các trường THPT và trung tâm giáo dục nghề nghiệp-giáo dục thường xuyên được tổ chức dạy và học theo phân phối chương trình với thời lượng 35 tiết/năm, 1 tiết/tuần. Đối với các trường ngoài công lập, Sở Giáo dục và Đào tạo cho phép chia nhỏ phần lý thuyết học trong năm, phần thực hành học tập trung. Riêng khối 12 các trường THPT và các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên tổ chức học tập trung vào đầu năm học.

{keywords}

Học sinh Trường THPT Nhã Nam thực hành thao tác ngắm bắn.

Một số nhà trường có cách làm sáng tạo, tạo hứng thú cho học sinh, sinh viên như Trường THPT Việt Yên số 2, sau thời gian học giáo dục QPAN cho học sinh khối 12, nhà trường tổ chức hội thao với nhiều nội dung như: Hiểu biết, vẽ tranh, sưu tầm hình ảnh về biển đảo Việt Nam, thực hành đội hình, đội ngũ, các động tác, tư thế vận động cơ bản trên chiến trường, tháo lắp súng... Thầy Nguyễn Văn Bông, Hiệu trưởng Trường THPT Việt Yên số 2 cho biết: “Thông qua các hoạt động chính khóa và ngoại khóa, nhận thức của học sinh về tình yêu quê hương, truyền thống dân tộc cũng như trách nhiệm, nghĩa vụ của tuổi trẻ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc được nâng lên”.

Một số trường tổ chức giao lưu với các đơn vị quân đội; phối hợp với đoàn thanh niên các cấp phát động các đợt thi đua thiết thực hướng về Trường Sa, tuyên truyền về biển, đảo, biên giới... Như Trường THPT Lý Thường Kiệt (Việt Yên) phát động phong trào tuổi trẻ hướng về biển đảo; thi tìm hiểu về biển đảo, tài nguyên biển; vẽ tranh tuyên truyền biển đảo... Nhà trường đã ủng hộ chương trình “Góp đá xây dựng Trường Sa” với tổng số tiền gần 30 triệu đồng.

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo, công tác giảng dạy nội dung giáo dục QPAN trong nhà trường thời gian qua đã có nhiều chuyển biến tích cực, một số nơi đã đổi mới, sáng tạo trong nội dung, hình thức giáo dục nhằm tạo hứng thú đối với học sinh, sinh viên. Tuy nhiên, thực tế, giáo viên giảng dạy môn giáo dục QPAN trong tỉnh còn thiếu, nhất là tại các trường THPT ngoài công lập. Cơ sở vật chất, trang thiết bị chưa đáp ứng được nhu cầu.

Theo ông Nguyễn Văn Thêm, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, các trường cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục về vị trí, vai trò của công tác giáo dục QPAN; quan tâm đổi mới nội dung, chương trình; chú trọng kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh, sinh viên. Đầu tư mua sắm thiết bị dạy học nhằm khắc phục tình trạng dạy “chay”, học “chay”, tạo sự hứng thú cho học sinh đối với môn học; tăng cường bồi dưỡng đội ngũ giáo viên giáo dục QPAN; các cơ sở chủ động rà soát, cân đối cử giáo viên đã đào tạo 6 tháng tiếp tục đào tạo thêm 18 tháng để có văn bằng 2 về giáo dục QPAN; tiếp tục tổ chức thi giáo viên dạy giỏi môn giáo dục QPAN cấp tỉnh và tham gia thi cấp toàn quốc. Các cơ sở thiếu giáo viên, cơ sở vật chất có thể liên kết với các đơn vị giáo dục QPAN đủ điều kiện để phối hợp giảng dạy.

Việt Anh

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...