Thứ bảy, 20/04/2024
Bắc giang 34 °C / 26 - 34 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

An ninh
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Đại tướng Lê Đức Anh - vị Tư lệnh bình dị, gần gũi

Cập nhật: 14:35 ngày 26/04/2019
(BGĐT) - “Hằng tuần, cũng có thời điểm hằng ngày, chúng tôi được họp giao ban để báo cáo tình hình cụ thể với Đại tướng. Lúc ấy tôi mới là Thượng úy. Ở cương vị cấp trên - cấp dưới cách đến cả gần chục bậc hàm nhưng sự bình dị, gần gũi của Đại tướng khiến chúng tôi thấy bớt căng thẳng”- Ông Nguyễn Văn Toản, thôn Hạ, xã Thượng Lan (Việt Yên) kể về nguyên Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh.

Nghe tin Đại tướng Lê Đức Anh qua đời, tôi liên hệ với Đại tá Lê Văn Hoan, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh để nhờ ông giới thiệu một số cựu chiến binh đã từng được gặp Đại tướng. “Có bác Toản đang nghỉ hưu ở huyện Việt Yên, người nhiều năm công tác ở một đơn vị làm nhiệm vụ bảo vệ Đại tướng, cháu liên hệ gặp nhé”. Tôi điện thoại, ông Toản hẹn tôi tại nhà riêng ở thôn Hạ, xã Thượng Lan. Ở tuổi 77, sức khỏe giảm sút nhiều nhưng kỷ niệm với Đại tướng thì ông còn nhớ. Thấy tôi chăm chú nhìn những bức ảnh treo trên tường, ông Toản bảo: Tôi có ba tấm chụp cùng Đại tướng, một ở TP Hồ Chí Minh, một ở Campuchia và sau này khi Đại tướng ra Hà Nội làm Tổng Tham mưu trưởng, rồi Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, tôi cũng có chụp cùng, nhưng không mang tấm nào về nhà mà để lại đơn vị làm tư liệu.

{keywords}

Chủ tịch nước Lê Đức Anh với cán bộ, nhân dân xã Phú Ðình, huyện Định Hóa, tỉnh Bắc Thái (tháng 1-1995).

Ông Toản nhập ngũ năm 1965, sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, ông là chính trị viên Tiểu đoàn 2, Lữ đoàn 144 trực thuộc Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam. Tiểu đoàn 2 là đơn vị bảo vệ trực tiếp cơ quan Bộ Quốc phòng ở phía Nam TP Hồ Chí Minh. Khi đó ông Lê Đức Anh là Tư lệnh Quân khu 7. Ông Toản kể: “Trong suốt cuộc đời 30 năm binh nghiệp, tôi có gần 10 năm được ở gần Đại tướng Lê Đức Anh. Với cá nhân tôi, ông là vị tướng tài, công tác, chiến đấu trên nhiều mặt trận từ Nam ra Bắc; chỉ huy đánh Pháp, Mỹ, cả khi làm Tư lệnh Quân tình nguyện Việt Nam chiến đấu ở Campuchia tiêu diệt tập đoàn Pôn Pốt, mặt trận nào ông cũng có những quyết định sáng suốt”.

Lần đầu tiên ông Toản được gặp Đại tướng Lê Đức Anh vào năm 1977. “Đó là một con người có thân hình cao lớn, quắc thước, là tướng nhưng rất gần gũi với cấp dưới. Đơn vị tôi có nhiệm vụ bảo vệ Đại tướng nên cá nhân tôi được gặp thường xuyên, mỗi lần gặp ông luôn nở nụ cười thân thiện, chủ động bắt tay hoặc gật đầu chào lại anh em như không hề có sự phân cấp. Những lúc họp giao ban báo cáo tình hình công việc cụ thể, Đại tướng luôn chăm chú lắng nghe mọi ý kiến, rồi phân tích, tổng hợp, sau đó trao đổi, kết luận lại một cách thận trọng, kiệm lời chứ không vồ vập khiến chúng tôi bớt căng thẳng”- ông Toản nhớ lại.

{keywords}

Đại tướng Lê Đức Anh với các cựu chiến binh. Ảnh tư liệu.

Mặc dù bận rất nhiều công việc nhưng Đại tướng lại không quan cách, sống rất tình cảm, quan tâm đến đời sống bộ đội. “Những năm làm việc ở TP Hồ Chí Minh, ngày lễ Tết ông thường xuống trực tiếp với bộ đội, có gì ăn nấy cùng anh em. Đôi khi bất chợt thấy bộ đội thiếu thốn những vật dụng sinh hoạt tối thiểu, ông liền hỏi han cụ thể, đồng thời chỉ đạo bổ sung ngay. Cứ tưởng khoảng cách giữa một vị tướng với chiến sĩ là xa nhau vời vợi nhưng không phải. Sau bữa cơm tối hằng ngày, rất hiếm khi ông nghỉ sớm mà thường đi bộ cùng với bộ đội trong khuôn viên đơn vị; ông cũng hay chủ động chuyện trò, hỏi thăm tình hình gia đình, hậu phương cán bộ, chiến sĩ ở quê nhà ra sao, công tác, sản xuất thế nào... Sau này khi ông ấy ra Thủ đô Hà Nội, trên cương vị Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam, ông Toản cũng ra Hà Nội công tác, giữ chức Chủ nhiệm chính trị Lữ đoàn 144. “Gặp chúng tôi khi qua cổng hay ở cuộc họp, trong bộ quân phục Đại tướng nhưng ông luôn biết cách thu hẹp khoảng cách, làm cho cấp dưới cảm thấy vô cùng gần gũi. Con người Đại tướng là như vậy đó, đối với cấp dưới ông luôn đối xử bằng tình cảm yêu thương, trân trọng và gần gũi nhất”- ông Toản xúc động.

Năm 1989, ông Toản xin chuyển công tác về Bộ CHQS tỉnh Hà Bắc giữ chức Chủ nhiệm chính trị, mang quân hàm Thượng tá. Năm 1994 ông nghỉ hưu tại quê nhà. Do điều kiện, ông không có lần nào được gặp trực tiếp Đại tướng nhưng vẫn thường xuyên biết tin tức về vị Tư lệnh qua báo chí, truyền hình.

{keywords}

Cựu chiến binh Nguyễn Văn Toản, xã Thượng Lan (Việt Yên) kể về Đại tướng Lê Đức Anh.

Đại tướng Lê Đức Anh đã về với đất mẹ đúng thời điểm cả nước đang chuẩn bị kỷ niệm 44 năm Giải phóng miền Nam. Nhớ về Đại tướng trên cương vị Phó Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam; Phó Tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng Quân giải phóng miền Nam; Phó Tư lệnh chiến dịch Hồ Chí Minh, kiêm Tư lệnh cánh quân Tây Nam đánh vào Sài Gòn tháng 4-1975 và nhiều trận đánh quyết định khác... khiến mọi người trong đó có những người lính như ông Toản càng nhớ đến công lao của Đại tướng. Với ông, thời gian 30 năm binh nghiệp được gặp gỡ, tiếp xúc và làm việc trực tiếp với Đại tướng Lê Đức Anh là niềm tự hào, vinh dự của cả cuộc đời, không thể nào quên.

Tóm tắt quá trình công tác của đồng chí Lê Đức Anh
Mặc dù được Đảng, Nhà nước, tập thể các giáo sư, bác sĩ tận tình cứu chữa, gia đình hết lòng chăm sóc, nhưng do tuổi cao sức yếu, đồng chí Lê Đức Anh đã từ trần vào hồi 20 giờ 10 phút, ngày 22-4.
 
Nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh từ trần
Theo tin từ Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương, nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh từ trần.
 
Kể chuyện chiến tranh để thấu hiểu hòa bình
(BGĐT)- Chiến tranh là hoang tàn đổ nát, là mất mát đau thương. Hơn bốn chục năm trôi qua kể từ ngày miền Nam được giải phóng, mỗi lần gặp lại nhau nhân Ngày Chiến thắng, những người cựu binh Bắc Giang tự hào kể về năm tháng tuổi trẻ chiến đấu nơi chiến trường khốc liệt, từ đó thêm trân quý giá trị lớn lao của hòa bình hôm nay.
 

Thu Phong

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...