Thứ sáu, 19/04/2024
Bắc giang 30 °C / 25 - 34 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

An ninh
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

"Đường phải thông để Thu Đông bộ đội đánh thắng"

Cập nhật: 08:55 ngày 07/05/2019
(BGĐT) - “Cửa tử Đèo Cà” hay “ngã ba Đồng Lộc” trong chiến dịch Điện Biên Phủ là những cụm từ đặc tả về địa danh Đèo Cà thuộc xã Đồng Hưu, huyện Yên Thế (Bắc Giang). Từng bị địch ném bom, đánh phá ác liệt, thế nhưng giờ đây, nơi này đã có nhiều đổi thay, trở thành Di tích lịch sử - văn hóa.

Ký ức Đèo Cà

Đèo Cà cách đây hơn 60 năm về trước có địa hình hiểm trở, bên vực sâu, bên núi dốc, đường độc đạo, phía dưới là khu ruộng lầy, thấp trũng. Nơi này bị giặc Pháp tàn phá, mỗi ngày chúng ném xuống hàng trăm tấn bom đạn với ý định cắt đứt đường tiếp viện của ta lên Tây Bắc phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ. 

{keywords}

Các cựu TNXP xã Đồng Hưu (Yên Thế) giáo dục truyền thống cho học sinh Trường THCS xã Đồng Hưu tại Di tích lịch sử-văn hóa Đèo Cà.

Trước yêu cầu cấp bách của kháng chiến, năm 1951 và 1953, hai đơn vị thanh niên xung phong (TNXP) là C231 và C232 được thành lập với tổng số hơn 500 cán bộ, chiến sĩ do Ty Giao thông Công chính Bắc Giang quản lý. Họ đã thề “Quyết tử cho Đèo Cà quyết sinh”. 

Cùng với đội ngũ công nhân cầu đường, hai đơn vị đã luôn có mặt ở mọi nơi để bắc cầu, sửa phà, hàn vá khu vực địch ném bom. Vì thế, giao thông luôn thông suốt, đoàn xe vận chuyển hàng hóa, vũ khí qua Đèo Cà lên Điện Biên Phủ luôn lăn bánh an toàn.

Có mặt trong đội hình hàng trăm TNXP ấy, ông Nguyễn Văn Bằng (SN 1933) ở thôn Suối Dọc, xã Đồng Hưu xúc động kể: Khi ấy, địch điên cuồng phá hoại Đèo Cà, ban ngày có từ 4 đến 8 tốp máy bay thả bom, bắn phá. 

Ban đêm, chúng sử dụng đại bác bắn lên các điểm Đèo Cà, Bo Non, Phà Sỏi, cứ 5 phút một đợt suốt từ tối đến sáng. C232 cùng C231 khẩn trương khắc phục hậu quả. Một bộ phận vào rừng chặt gỗ, lấy lá cây lót trên mặt đường lầy cho xe đi qua, những chỗ sình sũng, các anh chị em phải hợp sức đẩy xe. 

Ngoài ra còn có bộ phận chuyên phá bom nổ chậm, phải ưu tiên những quả bom trên đèo, trên mặt đường. Ông Bằng còn được phân công theo dõi và cắm cờ tiêu đánh dấu những quả bom chưa nổ.

Ở tuổi gần đất xa trời, ông Lưu Văn Nàng (SN 1933) ở thôn Trại Vanh, xã Đồng Hưu vẫn nhớ về những năm tháng vất vả, gian nguy nhưng đầy tự hào nơi “chảo lửa” ấy. Suốt 35 ngày đêm địch bắn phá (từ ngày 4-4 đến 7-5-1954), khu vực Đèo Cà luôn rung chuyển, mịt mù khói bom mìn. 

Có thời điểm, ông đảm nhận việc nổ mìn phá đá. “Nguy hiểm lắm chứ, nhóm của tôi đào hố để đưa mìn vào, nối dây cháy chậm và dây dựt nụ xòe. Phải cẩn thận đến từng chi tiết nhỏ nếu không sẽ nguy hiểm đến tính mạng. Đơn vị chúng tôi phát động đợt thi đua “Đường phải thông để Thu Đông bộ đội đánh thắng”. Gian khổ bao nhiêu, chúng tôi càng kiên cường, vững tin vào ngày toàn thắng” -ông Nàng chia sẻ.

Quê hương thanh bình

Ông Phạm Đức Nguồn, Chủ tịch Hội Cựu TNXP xã Đồng Hưu là một trong số những người truyền tình yêu, niềm tự hào về truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ qua những câu chuyện lịch sử về Đèo Cà.

{keywords}

Hội viên Hội Cựu TNXP xã Đồng Hưu (Yên Thế) thắp hương tưởng nhớ những anh hùng đã ngã xuống tại Đèo Cà năm xưa.

“Là thế hệ đi sau, chúng tôi luôn tự hào khi nói cho bạn bè, con cháu nghe về những chiến công C231 và C232 lập được. Dù ác liệt nhưng Đèo Cà vẫn thông xe, bến Phà Sỏi vẫn hoạt động đều đều. Tuy cái chết và sự sống cách nhau gang tấc nhưng các TNXP năm xưa vẫn bám trụ, miệt mài lao động với hơn 1 vạn ngày công; nổ mìn lấy hàng nghìn m3 đá để san lấp các hố bom. Ở mặt trận này, có nhiều đồng chí đã hy sinh thân mình để không một chiếc ô tô nào phải nằm lại” - ông Nguồn nhớ lại.

Năm 2007, địa điểm Đèo Cà được Chủ tịch UBND tỉnh xếp hạng là Di tích lịch sử-văn hóa. Theo chân ông Đàm Văn Thoi, Phó Chủ tịch UBND xã Đồng Hưu, chúng tôi đến “ngã ba Đồng Lộc” năm xưa. Quãng đường tuy ngắn nhưng để lên tới nơi cũng mất khá thời gian, thế mới thấy những TNXP năm xưa dũng cảm đến nhường nào.

Thôn Đèo Cà đã đổi thay. Đường bê tông trải dài về nhiều ngõ nhỏ. Người dân làm nông nghiệp là chính, năng suất lao động tăng cao do được thụ hưởng sự tiến bộ của khoa học công nghệ. Xã đã thành lập Ban quản lý di tích, chủ động bảo tồn, giữ gìn và quảng bá giá trị lịch sử này. 

Nguyện vọng của chính quyền địa phương cũng như người dân là Đèo Cà trong những năm tới sẽ được sang sửa to đẹp hơn. Đó cũng là tâm nguyện của hàng trăm cựu TNXP đã từng phục vụ ở nơi này.

Tạm biệt Đèo Cà, câu chuyện về những cựu TNXP tay phá đá, mở đường, gian khó nhưng luôn lạc quan, cất cao lời ca vẫn in dấu trong tâm trí chúng tôi. Thay vào những hố bom, vùng đất cằn cỗi là những rừng cây đua nhau xòe tán vươn cành giống như sự đổi thay, khoe sắc của mảnh đất Yên Thế anh hùng.

Tiếng ve trên đỉnh đèo Cà
(BGĐT) - Ngang trưa lên đỉnh đèo Cà/Nắng tròn ngóng đợi nắng xa chửa về...
 
Trọng thể Lễ kỷ niệm 65 năm chiến thắng Điện Biên Phủ
Sáng 6-5, tại Sân vận động tỉnh, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh Điện Biên long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 110 năm Ngày thành lập tỉnh 28-6 (1909-2019); 70 năm Ngày thành lập Đảng bộ tỉnh 10-10 (1949-2019); 65 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ 7-5 (1954-2019) và đón nhận Huân chương Độc lập hạng nhất của Chủ tịch nước trao tặng.
 
Sáng tạo độc đáo, phi thường của bộ đội ta trong chiến dịch Điện Biên Phủ
Những sáng tạo độc đáo của bộ đội ta đã góp phần quan trọng làm nên chiến thắng vẻ vang trong Chiến dịch Điện Biên Phủ.
 

Mạc Yến

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...