Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 28 °C / 25 - 27 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

An ninh
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Hậu phương vững chắc của lính đảo

Cập nhật: 10:08 ngày 08/04/2019
(BGĐT) - Trường Sa - phần lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc quanh năm rì rào sóng vỗ. Để bảo vệ nơi này, biết bao cán bộ, chiến sĩ đã và đang ngày đêm âm thầm bám trụ. Dù mới ra công tác hay đã nhiều năm, dù đi một lần hay đã vài lần thì những gia đình có con làm nhiệm vụ nơi biển đảo đều tự hào, sẵn sàng là hậu phương vững chắc để các anh yên tâm “chắc tay súng, vững chí bền”.

Trung tá Nguyễn Văn Khương - ba lần ra đảo công tác

Trung tá Nguyễn Văn Khương (SN 1977), Chính trị viên, hiện công tác tại đảo Nam Yết là con cả trong gia đình có bốn anh em ở thôn Yên Viên, xã Vân Hà (Việt Yên-Bắc Giang). Tốt nghiệp Trường Sĩ quan Chính trị, anh công tác tại Lữ đoàn 147 Hải quân. Năm 2004, lần đầu tiên anh ra Trường Sa nhận nhiệm vụ tại đảo Thuyền Chài, sau đó tiếp tục đến đảo Đá Nam. Ông Nguyễn Văn Tân, bố Trung tá Khương cho biết: “Thời ấy, phương tiện liên lạc duy nhất của Khương với gia đình là những lá thư, có khi vài tháng mới nhận được chứ có điện thoại nhanh như bây giờ đâu. Hoàn thành nhiệm vụ trên đảo, Khương trở về đất liền nhận nhiệm vụ mới, tôi cũng không nhớ rõ năm nào”.

{keywords}

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Nguyễn Thị Thu Hà thăm, động viên thân nhân gia đình Trung úy Nguyễn Đức Duy, Phó trưởng tàu 741-Trường Sa ở thôn Cẩm Bào, xã Xuân Cẩm (Hiệp Hòa).

Tháng 6-2013, một lần nữa anh Khương lại ra Trường Sa công tác, lần này là đảo Phan Vinh. Sau vài năm bám trụ ở đây, anh về đất liền học cao học tại Hà Nội. Một chốn bốn nơi, những ngày nghỉ cuối tuần hiếm hoi, anh chỉ có ít thời gian về thăm bố mẹ đẻ ở Việt Yên, sau đó lại bắt xe tranh thủ về thị xã Quảng Yên (Quảng Ninh) - nơi vợ và hai con đang sinh sống. Mới đây, anh lại tiếp tục ra Trường Sa lần thứ ba. “Úi giời, lần nào về tôi cũng thấy da dẻ nó đen sì sì, bóng nhẫy, nhưng được cái rắn rỏi, khỏe mạnh, chắc ngoài đó khí hậu khắc nghiệt, nắng gió lắm”- bà Nguyễn Thị Tơ, mẹ Trung tá Khương chuyện trò vui vẻ.

“Địa phương tôi có nghề truyền thống nấu rượu, nuôi lợn, vợ chồng tôi quanh năm ở làng, ít giao lưu với bên ngoài. Có con trai công tác ở Trường Sa, hằng năm được chính quyền và các anh ở trên đến thăm hỏi, động viên, tặng quà, gia đình rất xúc động, tự hào. Chỉ mong con giữ gìn sức khỏe, mạnh mẽ, vững tin trước biển khơi mênh mông, hoàn thành tốt nhiệm vụ”, ông Nguyễn Văn Tân chia sẻ.

{keywords}

Đại diện lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bắc Giang thăm gia đình Thượng úy Nguyễn Văn Kiên, xã Tư Mại (Yên Dũng).

Khi nào nghỉ hưu, con hãy về quê hương

Ông bà Lê Văn Củi- Từ Thị Đìa ở thôn Non Cải, thị trấn Vôi (Lạng Giang-Bắc Giang) có con trai thứ là Thiếu tá Lê Đức Hưng (SN 1970) làm nhiệm vụ tại đảo Nam Yết đã hơn một năm. Dù tuổi đã cao nhưng ông bà còn minh mẫn, khỏe mạnh, hài hước khi liên tục kể những câu chuyện cười dí dỏm. Ông bảo: “So với anh em trong nhà, Hưng là người có học vấn và địa vị xã hội cao. Ngày đỗ vào Trường Cao đẳng Phòng không- Không quân, gia đình tôi ai cũng ủng hộ. Con được sống, rèn luyện, làm việc trong môi trường quân đội, tôi hoàn toàn yên tâm. Giờ con lại được ra Quần đảo Trường Sa công tác cũng vinh dự lắm chứ, đâu phải ai cũng được ra đó. Mỗi lần con gọi điện về hỏi thăm sức khỏe, tình hình ở quê, được nghe con kể về Trường Sa dù có phải vượt qua mấy nghìn kilomet nhưng không hề xa khi nơi đây luôn nhận được sự chia sẻ, động viên về mọi mặt của quân và dân nơi đất liền, tôi càng thấy ấm lòng”.

{keywords}

Cha mẹ Thiếu tá Lê Đức Hưng, thị trấn Vôi (Lạng Giang).

Trước thềm chuyến công tác Trường Sa của đoàn lãnh đạo tỉnh, tôi hỏi ông Củi có muốn nhắn gửi gì tới con trai Lê Đức Hưng? Ông cười: Tôi nay đã tuổi 87, bà xã 85, có 8 người con đều an cư lập nghiệp ở quanh làng, chỉ có Hưng là đi biền biệt, nó lấy vợ quê Thái Bình rồi sinh sống ở tỉnh Khánh Hòa đã gần 20 năm. Vì công việc, lại đường sá xa xôi cách trở nên rất ít khi về quê hương thăm bố mẹ, họ hàng. Vì vậy, vợ chồng tôi luôn có ước nguyện sau này về hưu, Hưng sẽ đưa cả gia đình về quê sinh sống cho có anh có em. Nhà đất này tôi đã sang tên làm bìa đỏ cho vợ chồng nó rồi, chỉ việc về ở thôi”.

Con sẽ vạm vỡ và trưởng thành hơn

Dù ở nhà có vất vả thế nào, mỗi cuộc điện thoại ngắn ngủi của con trai Nguyễn Văn Kiên gọi về từ đảo Sinh Tồn, ông Nguyễn Văn Cường luôn dặn vợ chỉ nói chuyện vui cho con yên tâm công tác.

{keywords}

Cha mẹ Trung tá Nguyễn Văn Khương ở xã Vân Hà (Việt Yên) luôn tự hào khi con trai ba lần ra đảo công tác.

Gia đình Thượng úy Nguyễn Văn Kiên ở thôn Phú Mại, xã Tư Mại (Yên Dũng). Khi anh Kiên thi đỗ vào một trường đại học trong quân đội, vợ chồng ông Cường rất tự hào. Kiên lại luôn chăm chỉ học tập, rèn luyện, không phải đóng học phí. Sau khi tốt nghiệp, anh Kiên còn được giữ lại làm giảng viên rồi chuyển công tác sang Tổng cục Kỹ thuật. “Ngày con ra đảo, gia đình không ai được biết. Chỉ đến khi nó gọi điện về, tôi nghe như có âm thanh của tiếng sóng biển nên hỏi: “Con đang ở đâu mà bố nghe như có tiếng sóng biển ở xung quanh thế? Lúc đó Kiên mới nói là đã nhận nhiệm vụ mới ở Trường Sa. Nghe tin ấy, tôi rất xúc động, thương con vì nó nghĩ chắc nói ra sợ bố mẹ ở nhà lo lắng. Những lần gọi điện về thăm, Kiên thường động viên cha mẹ, người thân ở quê nhà cứ yên tâm. Qua điện thoại, vợ chồng tôi cũng chỉ biết nhắn nhủ con giữ gìn sức khỏe, con đã là người của Nhà nước, của Quân đội, lại còn là đảng viên, sĩ quan thì phải luôn nêu gương, chấp hành nghiêm chỉnh mọi quy định, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Tôi tin ở môi trường này, Kiên sẽ vạm vỡ, kiên cường và trưởng thành hơn”, ông Cường nói.

Tỉnh Bắc Giang hiện có 26 cán bộ, chiến sĩ đang ngày đêm canh giữ biển đảo của Tổ quốc. Họ chính là niềm tự hào của gia đình, lòng tự tôn của dân tộc, luôn tâm nguyện sẽ chiến đấu, cống hiến hết mình, góp phần để quần đảo Trường Sa mãi vững chãi, trường tồn trong lòng mỗi người dân Việt Nam.

Đoàn công tác của tỉnh thăm, tặng quà thân nhân cán bộ đang công tác tại quần đảo Trường Sa
(BGĐT)-Ngày 5-4, đoàn công tác của tỉnh do đồng chí Thạch Văn Chung, Tỉnh ủy viên, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bắc Giang làm trưởng đoàn đến thăm, tặng quà thân nhân Trung úy Ngô Xuân Diện (SN 1992) quê ở thôn Tư 1, xã Quý Sơn (Lục Ngạn).
 
Trước thềm Xuân- Trò chuyện cùng lính đảo Trường Sa
(BGĐT)- Vào những ngày áp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, phóng viên Báo Bắc Giang đã có dịp gặp gỡ, trò chuyện với một số cán bộ, chiến sĩ quê Bắc Giang đang đóng quân trên quần đảo Trường Sa, những người ngày đêm vững tay súng bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.
 
Tình đồng đội nơi đảo xa
(BGĐT) - Dù chưa một lần đến quần đảo Trường Sa, chưa từng được nghe gió biển “gào thét” bên những cây phong ba nhưng qua lời kể của những người lính về cái Tết xa người thân mà thắm tình đồng đội, chúng tôi thấy thêm yêu vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
 

Thu Phong

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...