Thứ ba, 23/04/2024
Bắc giang 28 °C / 24 - 29 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Đại biểu nhân dân với cử tri >> Tin tức thời sự
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Quyết liệt, linh hoạt phòng, chống dịch, phát triển đồng bộ hạ tầng giao thông

(BGĐT) - Tại phiên làm việc sáng 10/12, kỳ họp thứ 5, HĐND tỉnh khóa XIX, thay mặt UBND tỉnh, đồng chí Lê Ánh Dương, Chủ tịch UBND tỉnh tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu, cử tri; đồng thời làm rõ thêm một số kết quả, giải pháp khắc phục những hạn chế nhằm thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH đạt hiệu quả cao hơn.

Kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19

Đồng chí Lê Ánh Dương nhấn mạnh, năm 2021 là năm đầu thực hiện mục tiêu phát triển KT-XH giai đoạn 2021-2025 với nhiều nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung chỉ đạo, khởi động triển khai. 

Cùng với những thuận lợi từ kết quả nhiệm kỳ trước mang lại, tỉnh ta phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức chưa từng có, có thể nói là năm khó khăn nhất từ trước đến nay. Từ tháng 5, dịch Covid-19 đợt thứ tư bùng phát, Bắc Giang là tâm dịch của cả nước, các hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp (DN) và đời sống nhân dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

{keywords}

Đồng chí Lê Ánh Dương phát biểu tại kỳ họp.

Chặng đường chống dịch năm 2021, chúng ta cũng còn bộc lộ những hạn chế như: Hệ thống y tế cơ sở còn thiếu và yếu cả về nhân lực và trang thiết bị, đặc biệt là các huyện miền núi; công tác dự báo mức độ, tình hình dịch có lúc còn chưa chính xác, chưa làm chủ được; chính quyền cơ sở một số nơi chưa thực sự sâu sát, hiểu biết và kinh nghiệm chống dịch còn yếu. Đáng lo ngại là một bộ phận DN và người dân còn chủ quan, lơ là...

Trong khi đó, trên thế giới dịch đang có biến chủng mới Omicron, nhận định về chủng mới còn là ẩn số: Tốc độ lây 300% ở châu Phi nhưng triệu chứng bệnh nhẹ; tuy nhiên sang Hàn Quốc số ca trở nặng nhanh và nước này gần như đóng cửa biên giới. Việt Nam chưa có biến chủng mới song tình hình dịch bệnh trong nước và thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp; nguy cơ dịch bùng phát luôn thường trực.

Vì vậy, đồng chí nhấn mạnh, năm 2022, công tác phòng, chống dịch Covid-19 vẫn là mục tiêu số 1 toàn tỉnh phải tập trung thực hiện. Thời gian tới, bên cạnh các biện pháp đã và đang triển khai, chiến lược phòng, chống dịch của tỉnh sẽ tập trung vào 7 điểm: Khẩn trương bao phủ vắc-xin mũi 3 cho người dân, hoàn thành tiêm vắc xin cho trẻ em từ đủ 12 đến dưới 18 tuổi để bảo đảm sớm đạt miễn dịch cộng đồng; xây dựng ý thức người dân, DN để thích ứng an toàn với Covid-19, hướng dẫn kiến thức cho người dân nắm vững về quy trình cách ly và điều trị bệnh tại nhà để không bị động khi có tình huống xảy ra; tiếp tục hoàn thiện cơ chế phòng dịch thông qua xét nghiệm tầm soát và công tác quản lý các hoạt động tập trung đông người, củng cố mô hình “Tổ Covid cộng đồng”, “Tổ an toàn Covid DN”, siết chặt giám sát phòng dịch trong khu công nghiệp, tiến tới thành lập sớm trung tâm y tế khu công nghiệp; nâng cao năng lực y tế các cấp, nhất là năng lực điều trị, sẵn sàng các kịch bản ứng phó với các cấp độ dịch; thực hành các phương án cách ly, điều trị ít tốn kém; giảm tối đa bệnh nhân chuyển nặng và tử vong; tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong phòng, chống dịch; huy động và sẵn sàng các nguồn lực cho phòng, chống dịch; đổi mới công tác chỉ đạo, chỉ huy phòng chống dịch trên tinh thần quyết liệt, linh hoạt.

Ưu tiên nguồn lực đầu tư hạ tầng giao thông

Đồng chí Lê Ánh Dương cho rằng, đầu tư hạ tầng giao thông là nhiệm vụ trọng tâm, then chốt của tỉnh. Thực tiễn cho thấy hạ tầng giao thông có phát triển đồng bộ mới tạo động lực cho phát triển toàn diện các lĩnh vực KT-XH. Hiện nay, hệ thống giao thông của tỉnh chưa thực sự xứng với tiềm năng lợi thế; còn bộc lộ hạn chế về khả năng đấu nối, quy mô quy hoạch các tuyến đường nhỏ, chưa khai thác được lợi thế giao thông đường sắt và đường thủy phục vụ phát triển công nghiệp và xuất nhập khẩu.

Để hoàn thiện, đồng bộ hệ thống giao thông phục vụ cho phát triển của tỉnh cũng như bảo đảm nhu cầu dân sinh, UBND tỉnh tập trung nguồn lực của tỉnh, ưu tiên trước cho đầu tư hạ tầng giao thông trong năm 2022 và 2023 để tạo ra đột phá.

Các khu công nghiệp, khu đô thị ven trục đường cũ đã kín, vì vậy phải xây dựng các tuyến đường giao thông huyết mạch trong thời gian tới để phát triển công nghiệp, đô thị. 

Tại kỳ họp này, UBND tỉnh trình HĐND tỉnh dự thảo Nghị quyết quy định phân cấp ngân sách các cấp chính quyền địa phương tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2022-2025, trong đó tăng tỷ lệ điều tiết nguồn thu từ tiền sử dụng đất về cấp tỉnh để đầu tư các công trình, dự án mang tính chất động lực; tập trung chủ yếu lĩnh vực giao thông.

{keywords}

Toàn cảnh phiên làm việc sáng 10/12.

Trong Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 đã bố trí 9 khu vực để xây dựng các khu dịch vụ tổng hợp, logistics, cảng cạn ICD và cảng thủy nội địa dọc các tuyến cao tốc, tuyến sông để khai thác tối đa lợi thế giao thông đường bộ, đường thủy phục vụ phát triển công nghiệp, dịch vụ xuất nhập khẩu. 

UBND tỉnh sẽ đẩy mạnh xúc tiến, thu hút đầu tư để có các nhà đầu tư lớn đầu tư vào lĩnh vực này. UBND tỉnh đã đề xuất Bộ Giao thông - Vận tải cho thành lập ga liên vận quốc tế đường sắt trên địa bàn tỉnh để khai thác giao thông đường sắt phục vụ xuất nhập khẩu hàng hóa từ Bắc Giang sang Trung Quốc và ngược lại.

Cùng đó, UBND tỉnh chỉ đạo ngành Giao thông - Vận tải xây dựng quy hoạch chi tiết các tuyến vận tải; hệ thống giao thông đường bộ, các điểm đấu nối, kết nối; quy hoạch chi tiết hệ thống đường thủy nội địa, đường sắt… xác định và cắm mốc chỉ giới để quản lý, chống lấn chiếm hành lang, dành quỹ đất để mở rộng, nâng cấp các công trình giao thông, giảm thiểu chi phí bồi thường và các vấn đề có liên quan đến giải phóng mặt bằng sau này.

Tăng cường quản lý đất đai, tài nguyên khoáng sản

Đồng chí Lê Ánh Dương nhấn mạnh, quản lý đất đai, tài nguyên, khoáng sản luôn là vấn đề nóng được cử tri quan tâm tại mỗi kỳ họp của HĐND tỉnh. Hiện nay, tỉnh đang phát triển rất nhanh, như đại công trường khổng lồ; nhu cầu xây dựng đường giao thông, cầu, các khu, cụm công nghiệp, khu đô thị, dịch vụ, nhà ở… rất lớn. Nếu không quản lý tốt đất đai sẽ không thể triển khai, hoặc triển khai chậm dự án. Bên cạnh đó, nhiều công trình, dự án chưa được triển khai do không phù hợp quy hoạch sử dụng đất; các công trình giao thông không có đủ đất để san lấp.

Để giải quyết vấn đề trên, UBND tỉnh tập trung đẩy nhanh tiến độ lập điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất cấp huyện đến năm 2030 ngay sau khi Quy hoạch tỉnh được phê duyệt để các dự án sớm được triển khai thực hiện; chấn chỉnh công tác quản lý các dự án đầu tư có sử dụng đất, khắc phục tình trạng dự án chậm đầu tư, không đưa đất vào sử dụng.

Cùng đó, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính cấp phép khai thác khoáng sản các khu vực trúng đấu giá năm 2020 để sớm đưa vào khai thác giải quyết vấn đề khan hiếm đất để làm hạ tầng; tăng cường ủy quyền cho các huyện, TP thực hiện các thủ tục hành chính cấp phép khai thác khoáng sản san lấp để giảm bớt thời gian thực hiện thủ tục cấp phép, phục vụ nhu cầu nguyên liệu san lấp, đắp nền các công trình xây dựng tại địa phương; tăng cường công tác quản lý quy hoạch đất đai và quản lý thị trường bất động sản; ngăn chặn hiệu quả hiện tượng đầu cơ, “thổi giá” gây “sốt ảo”; kiên quyết xử lý nghiêm đối với các chủ đầu tư dự án khu đô thị, khu dân cư huy động vốn trái phép, vi phạm pháp luật về kinh doanh bất động sản.

Số hóa cơ sở dữ liệu đất đai để quản lý một cách đồng bộ, khoa học; quyết liệt chấn chỉnh việc đăng ký Danh mục của UBND các huyện, TP; chỉ đạo tích cực, tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng nhằm nâng cao tỷ lệ thực hiện công trình, dự án trong Danh mục đã được HĐND tỉnh thông qua.

Xây dựng nông thôn hiện đại, phát triển nông nghiệp bền vững

Về lĩnh vực nông nghiệp, dù chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 nhưng tỉnh vẫn đạt nhiều kết quả tích cực, sản phẩm nông nghiệp tiêu thụ thuận lợi; đời sống của bà con nông dân ổn định. Tuy nhiên, nhìn vào thực tế, lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Muốn vượt qua các khó khăn, thách thức đó, tiến tới xây dựng nông thôn hiện đại, nông nghiệp bền vững, giá trị cao, thời gian tới, UBND tỉnh sẽ tập trung hoàn thiện, bổ sung chính sách hỗ trợ cho phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa tỉnh nhằm tăng cường thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.

Đầu tư hạ tầng đồng bộ trong các vùng sản xuất tập trung như hạ tầng thủy lợi, kênh mương nội đồng… để nâng cao giá trị sản xuất, khắc phục điểm hạn chế về không gian sản xuất; đẩy mạnh chuyển đổi số trong nông nghiệp tạo dư địa cho tăng trưởng; chuẩn hóa quy trình sản xuất, ứng dụng khoa học kỹ thuật về giống, sơ chế, chế biến, bảo quản nông sản để tiết giảm chi phí đầu vào, nâng cao hiệu quả chất lượng nông sản sau thu hoạch.

Chỉ đạo các địa phương, trọng tâm là huyện Lục Ngạn nghiên cứu giải pháp tổ chức tiêu thụ nâng giá bán nông sản chủ lực, nhất là sản phẩm vải thiều.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh sẽ tập trung các giải pháp đẩy nhanh tiến độ xây dựng quy hoạch phân khu, đồng bộ hạ tầng đấu nối với các quy hoạch chi tiết để phát triển đô thị; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đẩy mạnh thu hút đầu tư; tăng cường cải cách hành chính gắn với chuyển đổi số, xây dựng chính quyền kiến tạo, phục vụ.

Để hoàn thành các mục tiêu phát triển KT-XH năm 2022 và những năm tiếp theo, đồng chí Lê Ánh Dương bày tỏ mong muốn UBND tỉnh tiếp tục nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, kịp thời của Tỉnh ủy; sự giám sát thường xuyên của HĐND, các Ban của HĐND tỉnh, các vị đại biểu HĐND và cử tri trong tỉnh; đặc biệt là sự phối hợp chặt chẽ của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội.

Tin, ảnh: Nhóm PVVX

Kỳ họp thứ 5, HĐND tỉnh khóa XIX: Thảo luận nhiều vấn đề cử tri quan tâm
(BGĐT) - Chiều 9/12, kỳ họp thứ 5, HĐND tỉnh khóa XIX tiếp tục làm việc với nội dung thảo luận tại hội trường. Các đại biểu đã thảo luận, làm rõ nhiều vấn đề cử tri và nhân dân quan tâm.
Kỳ họp thứ 5, HĐND tỉnh khóa XIX: Thảo luận sâu các giải pháp linh hoạt ứng phó với dịch bệnh
(BGĐT) - Chiều 8/12, sau khi nghe hai báo cáo: Kết quả giám sát việc giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri tại các kỳ họp trước, những kiến nghị trước, trong và sau kỳ họp thứ 2, HĐND tỉnh khóa XIX; tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri trước kỳ họp, HĐND tỉnh Bắc Giang tiến hành thảo luận tại tổ về kết quả phát triển KT-XH năm 2021, các giải pháp chủ yếu năm 2022. 
Khai mạc kỳ họp thứ 5, HĐND tỉnh Bắc Giang khóa XIX, nhiệm kỳ 2021- 2026
(BGĐT) - Sáng 8/12, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh, kỳ họp thứ 5, HĐND tỉnh Bắc Giang khóa XIX, nhiệm kỳ 2021-2026 chính thức khai mạc. Các đồng chí: Lê Thị Thu Hồng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Lâm Thị Hương Thành, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Nghiêm Xuân Hưởng, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh chủ tọa kỳ họp.
Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...