Thứ bảy, 27/04/2024
Bắc giang 27 °C / 27 - 40 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Bầu cử ĐBQH và HĐND các cấp
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Trở thành đại biểu Quốc hội là gánh vác trách nhiệm lớn lao trước nhân dân

Cập nhật: 10:08 ngày 21/05/2021
(BGĐT) - “Được nhân dân tin tưởng bầu làm đại biểu Quốc hội (ĐBQH) là vinh dự lớn lao. Khi trở thành ĐBQH là bắt đầu gánh vác trách nhiệm nặng nề trước cử tri và nhân dân, trước Quốc hội. Nếu không toàn tâm, toàn ý thì việc hoàn thành nhiệm vụ đại biểu không phải là dễ dàng”.
{keywords}

Ông Hoàng Văn Lợi. Ảnh: Kim Hiếu

Đó là chia sẻ của ông Hoàng Văn Lợi, ĐBQH chuyên trách khóa XI, XII (khu vực tỉnh Bắc Giang) trước ngày bầu cử ĐBQH khóa XV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 với phóng viên Báo Bắc Giang.

Ông từng công tác lâu năm trong ngành tư pháp tỉnh Bắc Giang. Có chuyên môn sâu về lĩnh vực luật pháp, điều này giúp gì cho ông khi làm ĐBQH?

5 năm được đào tạo về luật tại Liên Xô cùng với kinh nghiệm sống tích lũy qua những năm tháng tham gia quân đội là hành trang quan trọng giúp tôi hoàn thành công việc ở ngành tư pháp cũng như làm ĐBQH chuyên trách từ năm 2002 đến năm 2011.

Không chỉ trong công tác xây dựng pháp luật mới cần đến kiến thức về luật pháp vì đương nhiên đây là điều kiện không thể thiếu. Các công việc khác trong hoạt động của Quốc hội như giám sát tối cao hay giám sát tại địa phương, quyết định những vấn đề lớn và quan trọng mang tính quốc gia hay tiếp xúc với cử tri, nếu không hiểu biết về pháp luật hoặc hiểu biết không đầy đủ sẽ tạo ra cho đại biểu tâm lý thiếu tự tin khi tham gia thảo luận, tranh luận hoặc khó giải thích một cách thấu đáo cho cử tri những vấn đề mà họ quan tâm. 

Pháp luật không chỉ là Hiến pháp, các đạo luật, bộ luật hay những quy định của cơ quan nhà nước ở trung ương, nó còn bao gồm những quy định rất cụ thể của các cấp chính quyền ở địa phương. Đó không phải là những quy định khô cứng mà còn là những nguyên tắc xử sự văn minh, lịch thiệp trong cuộc sống hằng ngày, là hành vi chuẩn mực đạo đức giúp mỗi người có thể tự cân bằng thái độ đối nhân xử thế. Đối với người đại biểu dân cử nói chung, ĐBQH nói riêng, là điều kiện không thể thiếu trong hoạt động của mình, nhất là trong sinh hoạt nghị trường.

Nhiệm vụ của đại biểu chuyên trách có gì khác biệt so với đại biểu không chuyên trách, thưa ông?

Theo quy định hiện hành thì ĐBQH hoạt động chuyên trách là đại biểu dành toàn bộ thời gian công tác cho hoạt động của Quốc hội, bao gồm ĐBQH chuyên trách hoạt động ở trung ương và địa phương. Đó là những người không giữ bất cứ chức vụ nào trong bộ máy quản lý hành chính nhà nước, cơ quan xét xử, cơ quan kiểm sát, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân. 

ĐBQH chuyên trách được bố trí nơi làm việc và các điều kiện cần thiết khác cho hoạt động đại biểu, được hưởng lương và phụ cấp do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định. Đây là những điều khác biệt so với ĐBQH kiêm nhiệm.

Trong hoạt động của Quốc hội, các đại biểu chuyên trách phải là nòng cốt trong công tác xây dựng pháp luật cũng như việc giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Trong các cơ quan của Quốc hội, ĐBQH chuyên trách phải là những chuyên gia giỏi, chuyên nghiệp về lĩnh vực mà họ đảm nhiệm. 

Vì vậy, đòi hỏi việc lựa chọn ứng cử viên đối với ĐBQH chuyên trách ở trung ương và địa phương cần được thực hiện kỹ càng theo các tiêu chuẩn đã quy định. ĐBQH hoạt động chuyên trách cũng cần không ngừng trau dồi kiến thức, cập nhật thông tin, nâng cao kỹ năng, bản lĩnh hoạt động nghị trường để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của cử tri và nhân dân.

Xin ông chia sẻ cảm nhận của mình khi theo dõi hoạt động của Quốc hội và ĐBQH qua các kỳ họp những năm gần đây?

Quốc hội khóa XI để lại dấu ấn sâu sắc khi lần đầu tiên có đại biểu hoạt động chuyên trách ở trung ương và các đoàn ĐBQH tỉnh, thành phố. Công tác xây dựng pháp luật được triển khai mạnh mẽ với 84 luật, bộ luật, 68 nghị quyết được thông qua trong nhiệm kỳ. 

Chất lượng làm luật được nâng cao khi hội nghị ĐBQH chuyên trách được tổ chức thường xuyên sau mỗi kỳ họp của Quốc hội. Hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn sôi động; hỏi và trả lời thẳng thắn, không né tránh, không ngại va chạm nhưng vẫn mang tính xây dựng. 

Quốc hội khóa XII đã thông qua Nghị quyết lịch sử về mở rộng địa giới Thủ đô Hà Nội vào phiên họp buổi chiều ngày 29/5/2008 với tỷ lệ 92,9% tán thành. Theo Nghị quyết, từ ngày 1/8/2008, diện tích tự nhiên của Hà Nội là 3.344 km vuông với 29 đơn vị hành chính cấp huyện, dân số hơn 6,2 triệu người.

{keywords}

Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang nhấn nút thông qua dự án luật tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV. Ảnh tư liệu

Để thông qua được Nghị quyết này, Quốc hội đã trải qua những phiên họp với sự thảo luận, tranh luận rất sôi nổi và thẳng thắn, nhiều ý kiến khác nhau, trái chiều được đưa ra phân tích, giải trình để đi đến sự đồng thuận. Quốc hội khóa XIII với dấu ấn khó quên khi thông qua bản Hiến pháp tại kỳ họp thứ 6, ngày 28/11/2013 nhằm thể chế hóa Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH và kế thừa các bản Hiến pháp 1946, 1959, 1980 và 1992 với mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Quốc hội khóa XIV vừa kết thúc hành trình hoạt động của mình, để lại niềm tin, ấn tượng tốt trong nhân dân và cử tri cả nước. Có thể nói, Quốc hội khóa XIV đã thành công khá toàn diện trên các lĩnh vực lập pháp, giám sát, quyết định vấn đề quan trọng của đất nước và ngoại giao nghị viện. Thành công đó đã góp phần quan trọng đưa đất nước vượt qua khó khăn, tiếp tục vững bước phát triển, đồng thời làm giàu thêm truyền thống 75 năm vẻ vang của Quốc hội Việt Nam.

Điểm sáng của nhiệm kỳ khóa XIV là việc chuyển mạnh mẽ từ Quốc hội tham luận sang Quốc hội thảo luận, tranh luận, được ĐBQH, cử tri và dư luận xã hội đánh giá rất cao, là một trong những nhân tố tạo nên thành công của Quốc hội khóa này.

Có ý kiến cho rằng Quốc hội và ĐBQH có chức năng giám sát song cũng là đối tượng được cử tri, báo chí giám sát rất chặt chẽ mọi động thái, nhất là hoạt động và các phát biểu tại nghị trường nên cũng rất áp lực. Ý kiến của ông về vấn đề này?

ĐBQH là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân Việt Nam, không chỉ đại diện cho nhân dân ở đơn vị bầu cử ra mình mà còn đại diện cho nhân dân cả nước. ĐBQH có địa vị pháp lý đặc biệt, vừa là đại diện chính thức của nhân dân vừa là đại biểu cấu thành cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất; là cầu nối quan trọng giữa chính quyền nhà nước với nhân dân.

Quốc hội được trao quyền lập hiến, lập pháp, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước; được trao thẩm quyền kiểm soát quyền lực của Chính phủ và Tòa án nhân dân Tối cao thông qua việc bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm các chức danh thuộc Chính phủ và Tòa án nhân dân Tối cao; bãi bỏ các quyết định của Chính phủ và Tòa án nhân dân Tối cao.

Tuy nhiên, cơ chế kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan trong bộ máy nhà nước ở nước ta hiện nay đang đặt ra một số vấn đề cần được tiếp tục nghiên cứu và hoàn thiện. Thứ nhất, cần tiếp tục xây dựng, hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan trong bộ máy nhà nước để bảo đảm cơ chế này được vận hành một cách hiệu quả. Tất cả các cơ quan quyền lực nhà nước đều phải trở thành đối tượng của sự giám sát, kiểm soát. Thứ hai, cần tạo điều kiện thuận lợi để báo chí tham gia kiểm soát quyền lực nhà nước. 

Thực tế cho thấy, báo chí là một kênh giám sát quyền lực nhà nước khá hiệu quả. Có thể nói, trong thời gian tới, báo chí vẫn sẽ đóng vai trò quan trọng trong quá trình giám sát việc thực thi quyền lực nhà nước. Thứ ba, tiếp tục huy động sự tham gia của MTTQ vào quá trình giám sát quyền lực nhà nước, bởi chức năng giám sát và phản biện xã hội của MTTQ giúp giảm thiểu nguy cơ chủ quan, duy ý chí trong các quyết định chính sách của Nhà nước; đồng thời, là cơ sở để nhân dân phát huy vai trò làm chủ thông qua hoạt động giám sát của tổ chức đại diện cho mình là MTTQ.

Để làm tốt trọng trách trước cử tri và nhân dân, đại biểu phải làm gì thưa ông?

Ở nước ta, ĐBQH là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân Việt Nam, không chỉ đại diện cho nhân dân ở đơn vị bầu cử ra mình mà còn đại diện cho nhân dân cả nước. ĐBQH có địa vị pháp lý đặc biệt, vừa là đại diện chính thức của nhân dân vừa là đại biểu cấu thành cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất; là cầu nối quan trọng giữa chính quyền nhà nước với nhân dân.

ĐBQH có trách nhiệm liên hệ chặt chẽ với cử tri, chịu sự giám sát của cử tri, thường xuyên tiếp xúc, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của cử tri; thu thập và phản ánh trung thực ý kiến, kiến nghị của cử tri với Quốc hội, các cơ quan, tổ chức hữu quan; phổ biến và vận động nhân dân thực hiện Hiến pháp và pháp luật. ĐBQH có trách nhiệm tiếp công dân, tiếp nhận và xử lý khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân theo quy định của pháp luật.

Xin cảm ơn ông!

Kim Hiếu (thực hiện)

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn: Phối hợp chặt chẽ, tham mưu, giải quyết chính xác vấn đề nhân sự
Sáng 17/5, tại Nhà Quốc hội, Tiểu ban Nhân sự, Hội đồng Bầu cử Quốc gia tổ chức phiên họp toàn thể. Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Bầu cử Quốc gia, Trưởng Tiểu ban Nhân sự Trần Thanh Mẫn chủ trì phiên họp.
Rút tên ông Nguyễn Quang Tuấn khỏi danh sách ứng cử đại biểu Quốc hội
Hội đồng Bầu cử quốc gia đã quyết định rút tên ông Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, khỏi danh sách ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tiếp xúc cử tri TP Hồ Chí Minh
Trong hai ngày 14-15/5, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng các ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa XV, đơn vị bầu cử số 10 (huyện Củ Chi, huyện Hóc Môn) tiếp xúc cử tri theo hình thức trực tuyến tại 2 huyện Củ Chi và Hóc Môn.
Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...