Thứ sáu, 26/04/2024
Bắc giang 30 °C / 26 - 30 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Chính trị
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm và làm việc tại tỉnh Quảng Ninh

Cập nhật: 08:13 ngày 28/07/2014
Ngày 27-7, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng Ðoàn công tác Trung ương có buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh về kết quả ba năm thực hiện Nghị quyết Ðại hội XI của Ðảng và Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ tỉnh lần thứ 13.
{keywords}
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang với cán bộ, công nhân Công ty TNHH Cảng công-ten-nơ quốc tế Cái Lân (CICI).

Ðồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên T.Ư Ðảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh báo cáo Chủ tịch nước kết quả ba năm thực hiện Nghị quyết Ðại hội XI của Ðảng và Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ tỉnh lần thứ 13. Báo cáo nêu rõ, tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức thực hiện linh hoạt, sáng tạo, có hiệu quả ba đột phá chiến lược gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế và chuyển đổi phương thức phát triển từ "nâu" sang "xanh". 

Theo đó, cơ cấu chuyển dịch đúng hướng và tích cực, tỷ trọng công nghiệp giảm từ 59% (năm 2011) xuống còn 50% (năm 2013); dịch vụ tăng từ 34% (năm 2011) lên 44% (năm 2013). Ðặc biệt, tỷ trọng đóng góp của ngành than trong GDP đã giảm từ mức 24% (năm 2011) xuống còn 17% và thu ngân sách dựa vào than giảm dần từ 67% xuống còn 51% (năm 2013); tăng trưởng GDP sáu tháng đầu năm 2014 tăng 6,9%; thu ngân sách luôn đứng vào tốp năm tỉnh, thành phố cao nhất cả nước.

Những thành tựu đạt được đã khẳng định vai trò, vị trí của Quảng Ninh trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, vùng đồng bằng sông Hồng, trở thành động lực, cực tăng trưởng, đầu tàu và là trung tâm kinh tế mạnh của vùng đồng bằng sông Hồng, vành đai kinh tế vịnh Bắc Bộ. Tỉnh Quảng Ninh đã có những đột phá quan trọng về thể chế khi nghiên cứu, đề xuất và tổ chức thực hiện những chỉ đạo của Trung ương về hai đề án "Phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững; bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh và thí điểm xây dựng hai đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Ðồn, Móng Cái" và đề án "Xây dựng Ðặc khu kinh tế Vân Ðồn". 

Ðồng thời, đã mạnh dạn nghiên cứu, thí điểm và từng bước áp dụng các mô hình quản lý: "lãnh đạo công, quản trị tư", "đầu tư công, quản lý tư", "đầu tư tư, sử dụng công" cho việc xây dựng, vận hành các khu kinh tế, khu công nghiệp, các thiết chế văn hóa... Tỉnh cũng có những bước phát triển đột phá về hạ tầng, trước hết là tập trung xây dựng và thực hiện tốt các quy hoạch quan trọng; đồng thời huy động mọi nguồn lực, thúc đẩy mô hình hợp tác công - tư kết hợp để đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng thiết yếu.

 Nhằm khắc phục tình trạng cồng kềnh, chồng chéo, lãng phí, tiêu cực trong hệ thống chính trị, tỉnh Quảng Ninh đã nỗ lực khắc phục những hạn chế, yếu kém, thực hiện hiệu quả đề án nâng cao năng lực, sức chiến đấu, đổi mới phương thức lãnh đạo của Ðảng và tinh giản bộ máy, biên chế. Ðẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, vận hành có hiệu quả các trung tâm hành chính công của tỉnh. 

Ðồng thời chỉ đạo quyết liệt việc khắc phục thiếu sót, khuyết điểm theo Nghị quyết T.Ư 4 khóa XI kết hợp với tổ chức học tập Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Cùng với đó, Quảng Ninh cũng xác định xây dựng tỉnh trở thành khu vực phòng thủ vững chắc về quốc phòng - an ninh và phòng tuyến hợp tác, cạnh tranh kinh tế quốc tế một cách tích cực, chủ động.

Tuy nhiên, Quảng Ninh cũng đang phải đối mặt với những yếu kém, hạn chế như: Bộ máy cồng kềnh; tăng trưởng nóng; hạ tầng đồng bộ yếu; nguồn nhân lực chất lượng cao còn thiếu; đầu tư công còn dàn trải; khoảng cách giàu, nghèo còn lớn; tiêu cực, tham nhũng đã được đẩy lùi nhưng chưa thật sự bền vững...

Phát biểu ý kiến tại buổi làm việc, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh, tỉnh Quảng Ninh có vai trò, vị trí cửa ngõ, quan trọng về quốc phòng - an ninh cả trên biển và đất liền, trong bối cảnh khó khăn chung vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng cao, so các địa phương trong cả nước; đời sống của người dân đã được cải thiện, kể cả khu vực biên giới, hải đảo; quốc phòng - an ninh cơ bản được giữ vững; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được tăng cường và có sự thay đổi tích cực, tạo cho Quảng Ninh một diện mạo mới.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cũng chỉ ra những hạn chế, yếu kém: Mô hình kinh tế còn nhỏ, sản phẩm chủ yếu vẫn dựa vào việc khai thác thiên nhiên và tự nhiên; chưa mạnh dạn đổi mới để theo kịp yêu cầu của thực tế đặt ra. Chủ tịch nước lưu ý, Quảng Ninh cần tiếp tục đẩy nhanh việc thực hiện quy hoạch đô thị; đầu tư hạ tầng tuyến đảo Vân Ðồn, Cô Tô; tăng cường hơn nữa về quốc phòng - an ninh, trong đó chú ý những nhân tố bên ngoài tác động làm bất ổn tình hình; tiếp tục chăm lo tốt đời sống nhân dân khu vực biên giới, hải đảo; quan tâm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp; bảo đảm môi trường tốt trong quá trình phát triển.

Chủ tịch nước tán thành và hoan nghênh những mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội mà tỉnh Quảng Ninh đã đề ra, đồng thời yêu cầu các bộ, ngành tiếp tục nghiên cứu các kiến nghị của tỉnh, phối hợp với tỉnh xây dựng phương án báo cáo Chính phủ xem xét trong thời gian tới.

Trong chương trình công tác, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Ðoàn công tác Trung ương đã đến thăm và nói chuyện với cán bộ, công nhân Công ty TNHH Cảng công-ten-nơ quốc tế Cái Lân; Công ty TNHH MTV Ðóng tàu Hạ Long và kiểm tra tiến độ đóng tàu kiểm ngư KN-782; Trung tâm Hành chính công tỉnh Quảng Ninh và Công ty Ðiện lực Quảng Ninh.

Trước đó, ngày 26-7, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng Ðoàn công tác Trung ương đã đi thăm và khảo sát đảo Ngọc Vừng, huyện Vân Ðồn và huyện đảo Cô Tô về tình hình công tác phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an ninh - quốc phòng khu vực Ðông Bắc; đến thăm và nói chuyện với công nhân lao động tại Dự án Nhà máy Nhiệt điện Mông Dương I và II; dâng hương tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang Hà Tu, TP Hạ Long.


Theo ND


Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...