Thứ sáu, 26/04/2024
Bắc giang 34 °C / 26 - 37 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Chính trị
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Từ “Lời thề độc lập” năm ấy

Cập nhật: 08:31 ngày 30/08/2014
(BGĐT) - Ngày 2-9-1945, chỉ hai tuần sau Cách mạng Tháng Tám thành công, trên cương vị Chủ tịch lâm thời nước Việt Nam mới, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập. Thay mặt quốc dân, đồng bào, Hồ Chủ tịch khảng khái tuyên thệ, toàn dân Việt Nam quyết đem tính mạng, tài sản để giữ vững độc lập - tự do, kiên quyết bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và đoàn kết một lòng xây dựng nước Việt Nam phồn vinh, thịnh vượng.
{keywords}

Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.


Ngay sau ngày tuyên bố độc lập, trong phiên đầu tiên, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề nghị chính phủ lâm thời tổ chức tổng tuyển cử tự do bầu Quốc hội, soạn thảo Hiến pháp để nhân dân được hưởng quyền tự do dân chủ, kêu gọi toàn dân tham gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, cứu đói, cứu tế đồng bào thiếu đói, ra sức diệt giặc dốt và chống giặc ngoại xâm…

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thấy rõ rằng, giành được chính quyền đã khó, giữ được chính quyền còn khó hơn. Trong muôn vàn khó khăn bởi thù trong, giặc ngoài, nạn đói, nạn mù chữ… Chính phủ do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu đã lãnh đạo toàn dân tổng tuyển cử thắng lợi. Với cương vị là Trưởng ban soạn thảo Hiến pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp chỉ đạo xây dựng bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. 

Hiến pháp năm 1946 ra đời là thành quả dân chủ to lớn, mở đầu quá trình phát triển của nền chính trị hiến pháp dân chủ Việt Nam. Hiến pháp nêu rõ quyền dân chủ rộng rãi của nhân dân, phác thảo những nguyên tắc cơ bản của việc xây dựng nhà nước pháp quyền vì dân, thể hiện “một tinh thần đoàn kết chặt chẽ giữa các dân tộc Việt Nam và một tinh thần liêm khiết, công bình của các giai cấp”. Nhà nước mới được xây dựng là của toàn thể dân tộc và Chính phủ là “Chính phủ toàn quốc, có đủ nhân tài Trung, Nam, Bắc tham gia”. 

Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: Tất cả quyền lực trong nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đều thuộc về nhân dân. Là chủ thể của nhà nước, nhân dân có thực quyền tham gia kiểm soát hoạt động của bộ máy nhà nước và công chức, viên chức. Nhân dân sử dụng quyền lực của mình thông qua Quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp do nhân dân bầu ra và chịu trách nhiệm trước nhân dân. 

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói, nếu không có nhân dân thì không có lực lượng, nếu không có Chính phủ thì nhân dân không có người dẫn đường. Vì thế phải có lực lượng đoàn kết của toàn dân và một Chính phủ của nhân dân, vì nhân dân mới có thể kháng chiến thắng lợi và kiến quốc thành công. Do đó, nhiệm vụ của Chính phủ là phải lãnh đạo và đoàn kết toàn dân, chăm lo xây dựng nhà nước, chính quyền cách mạng.

Đối với việc củng cố, xây dựng nhà nước mới, Chủ tịch Hồ Chí Minh hết sức coi trọng mở rộng quyền dân chủ và các điều kiện bảo đảm phát huy dân chủ, thực hiện dân chủ để nhân dân lao động có thực quyền kiểm soát chính quyền và hoạt động của bộ máy nhà nước, cán bộ, công chức. Muốn thực hiện dân chủ, người dân phải hiểu, biết quyền lợi và trách nhiệm của mình. Do vậy một chủ trương quan trọng mà Bác Hồ đưa ra để xóa nạn mù chữ là diệt giặc dốt, nâng cao dân trí. 


{keywords}

Quảng trường Ba Đình, Hà Nội ngày 2-9-1945.


Trong quản lý xã hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh coi trọng cả pháp trị và đức trị. Đối với những cán bộ, viên chức nhà nước phạm lầm lỗi nặng nề phải dùng luật pháp xử phạt. Nhất là những tội tham ô, trộm cắp của công thì “pháp luật phải thẳng tay trừng trị những kẻ bất liêm, bất kỳ kẻ ấy ở địa vị nào, làm nghề nghiệp gì”. Đồng thời “chút gì cũng dùng đến xử phạt cũng không nên” mà cần “giáo dục là chính, trừng phạt là phụ”. Người từng nói: Nghĩ cho cùng, vấn đề tư pháp cũng như mọi vấn đề khác, trong lúc này là vấn đề ở đời và làm người. “Ở đời và làm người là phải thương nước, thương dân, thương nhân loại đau khổ bị áp bức”.

Làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh, xây dựng nhà nước pháp quyền là vì dân. Một kiểu nhà nước mới do nhân dân lao động làm chủ, phục vụ lợi ích của dân và dân có quyền kiểm soát nhà nước. Vấn đề cốt lõi trong xây dựng nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân, bảo đảm lợi ích và quyền lợi thuộc về nhân dân thì phải giữ vững, tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng. Trước hết, Đảng cần chăm lo xây dựng bộ máy và đào tạo đội ngũ cán bộ nhà nước có đạo đức cách mạng và phẩm chất, năng lực, phong cách công tác gần dân, hiểu dân, học dân.  

69 năm qua, nhất là gần 30 năm đổi mới, Đảng ta đặc biệt chăm lo, phát huy dân chủ, củng cố, xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN, nâng cao năng lực, hiệu lực và hiệu quả của bộ máy nhà nước, nhờ vậy đã đoàn kết, phát huy được sức mạnh nhân dân, kháng chiến thắng lợi, bảo vệ được độc lập dân tộc và quyền tự do cho nhân dân, xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh. 

Với bản Hiến pháp 2013 và những quyết sách về cải cách bộ máy hành chính, những khiếm khuyết, yếu kém của nhà nước từ cơ cấu tổ chức, cơ chế vận hành đã và đang được chỉnh sửa, khắc phục. Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chịu sự giám sát của hệ thống chính trị và của nhân dân đang cố gắng vươn lên nâng cao năng lực công tác và đạo đức để đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, quản lý xã hội trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH và hội nhập.

  TS Phạm Văn Khánh 




Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...