Thứ bảy, 20/04/2024
Bắc giang 28 °C / 26 - 35 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Chính trị
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Niềm vui ngày giải phóng

Cập nhật: 07:59 ngày 01/10/2014
(BGĐT)- Với sự đấu tranh kiên cường, bền bỉ không ngại hy sinh, gian khổ để giữ đất, giữ làng, từ tháng 7/1954, nhiều địa phương ngoại thành đã được giải phóng. Chiến thắng này càng tiếp đà cho ngày đại thắng lịch sử giải phóng hoàn toàn Thủ đô Hà Nội ngày 10/10/1954.

Nhiều địa danh đi vào lịch sử

Đầu tháng 3/1954, quân Pháp tập trung 2 binh đoàn chủ lực cơ động, gồm 8 tiểu đoàn có pháo binh, xe tăng yểm trợ tấn công càn quét vào các xã Tân Xã, Hạ Bằng, Cần Kiệm thuộc huyện Thạch Thất. Theo lời kể của ông Lê Ngọc Vân - cựu chiến binh xã Hương Ngải, huyện Thạch Thất trực tiếp tham chiến lúc bấy giờ, chiến sự diễn ra ác liệt trên toàn khu vực, nhất là bờ Sông Tích xã Tân Xã và núi Nứa – xã Cần Kiệm. Quân ta đã phải giành giật với địch từng ngôi nhà, ụ súng và đã anh dũng đánh lui 11 đợt tấn công của địch, tiêu diệt trên 200 tên địch, bắt sống 68 tên, phá hỏng 2 xe tăng và thu nhiều vũ khí, quân trang, quân dụng…

Trong trận này, đồng chí Trần Nẫm – Phó Chính ủy Quân khu III đã hy sinh bên bờ Sông Tích, thuộc Tân Xã. Những chiến công oanh liệt của quân dân huyện Thạch Thất đã góp phần chia lửa với chiến trường chung của cả nước. Từ đó nhiều địa danh như “Cẩm Bào mồ chôn giặc Pháp”, “Núi Nứa anh hùng”,  “Hạ Bằng quật khởi” mãi mãi đi vào lịch sử truyền thống đấu tranh anh dũng của quê hương Trạng Bùng.

Ông Vân kể tiếp, ngày 25/3/1954, địch lại tổ chức một đợt tấn công lớn gồm 2 trung đoàn lính liên hiệp Pháp và nhiều tiểu đoàn lính Ngụy, Thái cùng 5 xe tăng hộ tống và 3 máy bay quần lượn khắp bầu trời bắn phá dọc trận địa ven sông Tích, từ Hạ Bằng, Đồng Trúc (Thạch Thất) đến Liệp Mai, Thông Đạt (Quốc Oai). Mũi chính diện lần này địch tập trung quân và hỏa lực vào thôn Thông Đạt, xã Liệp Tuyết. “Trong thôn lúc này có cả đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Sơn Tây, Bí thư Huyện ủy Quốc Oai cùng Chỉ huy Tiểu đoàn 928 trực tiếp chỉ đạo chiến đấu. Trận này, bộ đội ta thắng lợi, tiêu diệt hơn 200 tên, bắt sống 92 tên” – ông Vân hào hứng kể.

{keywords}
Nhân dân phất cờ, tung hoa, reo mừng, chào đón đoàn quân tiến về giải phóng Thủ đô ngày 10/10/1954. Ảnh tư liệu.

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, giữa tháng 5/1954 quân và dân Thạch Thất đã tập kích một đơn vị địa phương quân ở ngay phố huyện, sát bốt quân Âu Phi. Địch không dám đối phó, hầu như ngày nào cũng có lính ngụy mang vũ khí về đầu hàng, nhiều ban tề đã mang triện và sổ sách nộp cho Ủy ban kháng chiến huyện. Thời cơ đã tới, ngày 13/7/1954, dưới sự lãnh đạo của Huyện ủy và Mặt trận Việt Minh, từ mọi ngả đường, quân dân các xã trên địa bàn huyện với khí thế cách mạng dâng cao đã đổ về đánh chiếm bốt Chi Quan – căn cứ đầu não cuối cùng của thực dân Pháp tại huyện Thạch Thất. Bí thư Huyện ủy Thạch Thất Nguyễn Doãn Hoàn nhận định, chiến thắng này đã đặt dấu chấm hết cho sự tồn tại của chủ nghĩa thực dân và tay sai trên quê hương Thạch Thất, góp phần quan trọng cho ngày giải phóng Thủ đô 10/10/1954.

Tại huyện Phúc Thọ, từ cuối tháng 3/1954, cùng với khí thế hào hùng của Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ, quân và dân huyện Phúc Thọ đã nổ súng tấn công, đập tan nhiều cuộc càn quét của Thực dân Pháp ở các xã Cẩm Đình, Đốc Ngữ, Vân Cốc, Sen Chiểu, Long Xuyên, Thượng Cốc… Đặc biệt, ngày 8/5/1954, quân và dân huyện Phúc Thọ đã tổ chức cuộc tấn công lớn vào căn cứ Phụng Thượng - một vị trí quan trọng của địch trên đường 11A (Quốc lộ 32), nhằm tiêu diệt sinh lực địch và buộc chúng phải rút lui. Bị đánh tan tác, đúng 17 giờ ngày 3/8/1954, những tên lính Pháp cuối cùng đã rút khỏi bốt Gia Hòa và Phụng Thượng, chấm dứt sự chiếm đóng lâu dài của chúng trên mảnh đất Phúc Thọ.

Tổng kết 9 năm kháng chiến, với lòng kiên trung, quyết tâm giành thắng lợi cuối cùng, toàn huyện Phúc Thọ đã huy động 1.678 thanh niên, 13.500 dân quân hỏa tuyến gia nhập bộ đội và tham gia chiến đấu. Trong đó có 904 liệt sĩ và 120 thương binh. Nhiều người con của quê hương Phúc Thọ trở thành những tấm gương sáng ngời về ý chí và sự hi sinh anh dũng, nhiều địa danh đi vào lịch sử và lòng người như Lạc Trị kiên cường, Tả Hà anh dũng, Miền Bún hiên ngang diệt thù...

Tạo đà cùng Thủ đô toàn thắng

Một địa phương khác cũng giải phóng trong những ngày đầu tháng 8 năm 1954 là thị xã Sơn Tây. Ông Đặng Vũ Nhật Thăng - Chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây cho biết, trong những ngày lịch sử hào hùng, ngay tại sào huyệt của kẻ thù, Nhân dân Sơn Tây với hình thức đấu tranh biến hóa đã tổ chức thành công những trận chống càn quét, phục kích, tập kích ở các địa danh: Bến xe, Mai Trai, Sơn Lộc, Mía… làm quân địch hoang mang, lo sợ. Chỉ riêng xã Đường Lâm và phường Viên Sơn đã tổ chức được 66 trận đánh, tiêu diệt hơn 200 tên địch… Sau khi thua ở trận Điện Biên Phủ và phải ký Hiệp định Gieneva ngày 20/7/1954, quân Pháp co cụm về trung tâm thị xã Sơn Tây chờ ngày 5/8/1954 rút quân theo Hiệp định. Nhưng trước khí thế đấu tranh mạnh mẽ của quần chúng Nhân dân, với sự hỗ trợ của bộ đội chủ lực và bộ đội địa phương, các huyện trong tỉnh Sơn Tây đã lần lượt được giải phóng. Quân đội viễn chinh Pháp buộc phải rút khỏi Sơn Tây vào ngày 3/8/1954, chấm dứt 71 năm kể từ khi thực dân Pháp đặt chân chiếm đóng Sơn Tây (1883 - 1954).

Tại Thanh Oai, trước phong trào đấu tranh của bộ đội và du kích, cùng với các cuộc mít tinh và vũ trang tuyên truyền của quần chúng Nhân dân trên địa bàn huyện đã làm tan rã hàng ngũ ngụy quân, ngụy quyền, buộc địch phải từng bước rút quân. Ngày 13/8/1954, thực dân Pháp rút khỏi Canh Hoạch (Dân Hòa) và Kim Bài. Đến 16 giờ ngày 16/8/1954, những tên lính Pháp cuối cùng đã rút khỏi bốt Bình Đà và Mai Lĩnh, huyện Thanh Oai hoàn toàn được giải phóng - một mốc son lịch sử vẻ vang trong quá trình xây dựng và phát triển của huyện phía Tây Nam Thủ đô.

Tiếp sau huyện Thanh Oai, huyện Thanh Trì cũng giành giải phóng vào ngày 6/10/1954. Chiến thắng tại các huyện vùng ven Hà Nội đã tạo đà mạnh mẽ cho quân dân Thủ đô chiến đấu giành thắng lợi cuối cùng. Sau khi các huyện ven đô cơ bản được giải phóng, nhiều chiến sĩ ở ngoại thành được tăng cường về tiếp quản, bảo vệ Thủ đô. Đặc biệt, ngày 21/9/1954, Sư đoàn 350 được thành lập dưới sự chủ trì của đồng chí Hà Kế Tấn, có nhiệm vụ tiếp quản, bảo vệ Thủ đô. Ngày 10/10/1954 Thủ đô Hà Nội hoàn toàn giải phóng trong niềm vui náo nức của đông đảo Nhân dân Thủ đô và cả nước.

Thiện Quan

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...