Thứ sáu, 19/04/2024
Bắc giang 27 °C / 23 - 36 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Chính trị
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Quyết nghị tham gia hai Công ước quốc tế quan trọng về nhân quyền

Cập nhật: 13:37 ngày 28/11/2014
Sáng 28-11, Quốc hội bỏ phiếu thông qua Nghị quyết phê chuẩn các Công ước của Liên Hợp Quốc về chống tra tấn và quyền của người khuyết tật - đều là những vấn đề quan trọng trong lĩnh vực nhân quyền và bảo vệ nhân quyền.
{keywords}

Quốc hội thông qua Nghị quyết phê chuẩn các Công ước của Liên Hợp Quốc về chống tra tấn và quyền của người khuyết tật.

Với số phiếu tán thành cao, Việt Nam đã hoàn tất các thủ tục theo quy định để trở thành thành viên Công ước của LHQ về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người mà Việt Nam đã ký ngày 7/11/2013 tại Trụ sở LHQ ở New York (Hoa Kỳ).

"Công ước chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người" được Đại hội đồng LHQ thông qua ngày 10/12/1984, có hiệu lực từ ngày 26/6/1987. 

Công ước là một trong những điều ước quốc tế đa phương quan trọng về quyền con người, thể hiện ý chí của nhân loại yêu chuộng hoà bình trên thế giới mong muốn sớm loại bỏ hành vi đối xử hoặc hình phạt tàn bạo, vô nhân đạo ra khỏi đời sống xã hội. Tính đến nay, đã có 155 quốc gia thành viên Công ước, 10 quốc gia đã ký nhưng chưa phê chuẩn, trong đó có Việt Nam.

Tại Nghị quyết, Việt Nam cũng nêu rõ bảo lưu quy định tại Điều 20 và khoản 1 Điều 30 của Công ước của LHQ về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người. Không coi quy định tại khoản 2 Điều 8 Công ước là cơ sở pháp lý trực tiếp để dẫn độ. Việc dẫn độ sẽ được thực hiện theo quy định của pháp luật Việt Nam, trên cơ sở các hiệp định về dẫn độ mà Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia hoặc nguyên tắc có đi có lại.

Cũng trong buổi sáng nay, Quốc hội đã phê chuẩn "Công ước của LHQ về Quyền của người khuyết tật"- một trong những điều ước quốc tế đa phương toàn diện nhất, có sự tham gia đông đảo của các quốc gia trên thế giới.

Công ước của LHQ về Quyền của người khuyết tật đã được Đại hội đồng LHQ thông qua ngày 13/12/2006. Tính đến tháng 3/2014, đã có 158 quốc gia ký Công ước, 141 quốc gia đã phê chuẩn Công ước này. Trong khối ASEAN, hiện đã có 8 nước phê chuẩn Công ước, 2 nước đã ký Công ước nhưng chưa phê chuẩn là Việt Nam và Brunei. 

Việt Nam đã ký Công ước Quyền của người khuyết tật vào ngày 22/10/2007 và việc phê chuẩn Công ước này là một bước cần thiết hoàn thành thủ tục để Việt Nam trở thành thành viên Công ước, có đầy đủ quyền và nghĩa vụ thực hiện Công ước Quyền của người khuyết tật theo quy định.

Theo đánh giá, việc phê chuẩn Công ước Quyền của người khuyết tật hoàn toàn phù hợp với chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và nhà nước ta nhằm “đảm bảo ngày càng tốt hơn các quyền cơ bản của nhân dân, dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội”. 

Việc phê chuẩn Công ước là một trong những căn cứ pháp lý quan trọng khẳng định cam kết bảo vệ và thực thi quyền của người khuyết tật tại Việt Nam, thể hiện tư tưởng về tôn trọng và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người khuyết tật đã được quy định trong Hiến pháp và nhiều văn bản quy phạm pháp luật, đồng thời là cơ sở để hoàn thiện hệ thống pháp luật và đảm bảo thực hiện chính sách đối với người khuyết tật tại Việt Nam, tăng cường hợp tác giữa Việt Nam với các quốc gia thành viên Công ước trong lĩnh vực bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khuyết tật.

Cuối buổi sáng 28/11, Quốc hội đã thảo luận ở hội trường về dự án Luật Thú y.

Theo Chinhphu.vn


Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...