Thứ tư, 24/04/2024
Bắc giang 26 °C / 24 - 32 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Chính trị
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Ước vọng thiêng liêng

Cập nhật: 15:04 ngày 16/01/2017
(BGĐT) - Mùa xuân về, nếu cho bạn một điều ước về đất nước mình, bạn sẽ ước điều gì? Câu hỏi này tôi đã nghe từ cách đây mấy chục năm, từ khi đất nước còn chiến tranh. Lúc đó câu trả lời đơn giản hơn và cũng gắn bó máu thịt với cuộc đời mỗi người dân hơn bây giờ rất nhiều: Đất nước hòa bình, thống nhất.
{keywords}

Vinh quang Tổ quốc Việt Nam.  Ảnh: Hà Mi

Sau năm 1975, non sông ta liền một dải, vẫn câu hỏi ấy nhưng câu trả lời có nhiều chiều, nhiều hướng, nhiều sắc màu hơn. Và con đường đi của đất nước, dân tộc thì sáng rõ: Đi lên chủ nghĩa xã hội để đất nước ta giàu mạnh hơn.

Điều ước thời Đổi mới có gì khác? Vẫn là đất nước ta giàu mạnh. Nhưng cùng với giàu mạnh còn đòi hỏi dân chủ, công bằng, văn minh. Nói một cách gần với cuộc sống hơn là: Mong ước một đất nước có nền giáo dục phát triển, người lao động có việc làm. Suy rộng ra theo cách ta thường nói lâu nay về “tầm nhìn thời đại”, phải làm sao thắng cuộc đua trong giáo dục mới có thể thắng cuộc đua trong kinh tế.

Khi đã giàu có rồi người ta lại ước những điều khác. Vừa rồi tôi gặp một Việt kiều về thăm quê. Ông có một điều ước trước thềm xuân Đinh Đậu 2017 này: Đất nước bình an, lòng người thư thái. Ông đang ở trên đất Mỹ- đất nước có nền kinh tế hàng đầu thế giới, thế nghĩa là rất giàu. Thế nhưng lòng dân ở đây không thư thái, đất nước chẳng bình an. Có những người Việt nhập cư tại Mỹ đã mấy chục năm, trở thành đại gia có tên tuổi, nhưng ông bảo họ luôn trong tâm trạng bất ổn. Những vụ xả súng đẫm máu. Những vụ thanh trừng giữa các băng đảng. Rồi khủng bố, bạo loạn... Cho nên đại gia nói điều gan ruột, rằng thời tuổi trẻ đã làm việc hùng hục như người Mỹ, làm việc nhiều, đóng thuế nhiều, để dành nhiều, bây giờ thì ông đang chuẩn bị cho chuyến hồi hương, sẽ về ở hẳn quê nhà những năm cuối đời, để được sống trong bình yên, trong yêu thương của bà con lối xóm.

Mượn cái ý của ông để nói về sự bình an, thư thái. Bởi khi xuân đến ai cũng muốn gác lại những lo toan, vất vả, thậm chí là những đau đớn, hận thù, để hướng về những điều tốt đẹp.

Đối với đất nước ta, phát huy “sức mạnh mềm” của văn hóa, chính là phát huy tài trí, bản lĩnh Việt Nam, khơi dậy truyền thống yêu nước, yêu chuộng hòa bình, tinh thần đoàn kết, khoan dung văn hóa của những người cùng gốc gác con Lạc cháu Hồng.

Năm 2016 đi qua. Năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội XVIII của Đảng bộ tỉnh Bắc Giang, chúng ta đã hoàn thành nhiều công việc quan trọng khởi đầu chặng đường 5 năm 2016- 2020. Những con số thống kê về thành tựu đã được nhắc tới nhiều. Nếu không có những thành tựu đó thì khó có thể tạo đà phát triển nhanh và bền vững. Những ấn tượng năm 2016 được điểm danh với hình ảnh có phần lãng mạn: Đất nước bay qua muôn vàn khó khăn, lảnh lói tiếng gà báo sáng năm Đinh Dậu.

Khó khăn, thách thức, nói nhiều dễ nhàm, nhưng không thể không nói tới. Nợ công, nợ xấu vẫn đang ở vạch đỏ. Vì vậy phải cố gắng tăng thu để tăng chi. Chi tiêu là trong khả năng của nền kinh tế, chứ không để con cháu phải gánh nợ. Điều đáng lo là lạm phát, nhưng “con ngựa” này đã chùng dây cương. Các bà nội trợ nói rằng, giá gạo đầu năm thế nào thì cuối năm vẫn gần như thế ấy. Có mấy đồng tiền để dành trong rương, trong hòm không phấp phỏng lo mất giá.

Kinh tế khó khăn như thế lại phải chống chọi với bão lũ, thiên tai. Trận lũ lụt mới đây ở các tỉnh miền Trung gây thiệt hại hàng chục nghìn tỉ đồng. Trong khó khăn hoạn nạn lại ngời sáng tình người dân Việt. Đồng bào cả nước hướng về vùng lũ, đóng góp tiền của ủng hộ miền Trung thân yêu. Các chiến sĩ quân đội, công an băng mình trong lũ dữ cứu dân. Các nhóm thanh niên tình nguyện như những người lính ra trận bất chấp hiểm nguy cứu dân khi lũ lớn và giúp dân khi nước rút. Trong số đó có nữ tình nguyện viên Đặng Thị Thu Hương quê ở thị trấn Quán Hàu, Quảng Ninh, Quảng Bình đã ra đi khi mới 22 tuổi đời.

Dân ta là thế. Càng trong gian khó càng gắn bó, chung lưng đấu cật để vượt qua những thách thức hiểm nghèo. Bài học dựa vào dân, phát huy sức mạnh của nhân dân là bài học lịch sử qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước. Đại hội XII của Đảng tiếp tục nhấn mạnh truyền thống quý báu đó trong tình hình hiện nay. Tại Hội nghị T.Ư 4 (khóa XII), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lưu ý, muốn đổi mới, chỉnh đốn Đảng thành công phải phát huy vai trò giám sát của nhân dân, của báo chí, của công luận.

Nhân dân giám sát Đảng bằng cách nào? Muốn để nhân dân giám sát thì Đảng phải hỏi dân công việc của Đảng. Trong thực tế Đảng đã hỏi dân chưa? Ngay ở xóm thôn, đường phố, nơi gần dân nhất, các chi bộ có hỏi dân không, hay vẫn chủ yếu là lãnh đạo, chỉ đạo. T.Ư đã thấy rất rõ nguy cơ Đảng xa dân, đã có nhiều biện pháp để Đảng sống trong lòng dân, nhưng việc chuyển biến còn rất chậm. Việc tổ chức để dân góp ý với cán bộ, đảng viên; việc quy định đảng viên là cán bộ, công chức phải tham gia sinh hoạt đảng ở nơi cư trú tuy có làm nhưng còn nặng tính hình thức. Cho nên trong rất nhiều thứ cần chỉnh đốn là phải khắc phục cho được căn bệnh hình thức.

Bệnh hình thức xuất phát từ tâm lý cũ “trọng danh hơn thực”, “làm láo báo cáo hay”. Bây giờ gặp nhiều cán bộ thấy họ nói rất trơn tru về việc chống quan liêu, cán bộ phải là người phục vụ dân, nhưng trong công việc thì họ làm ngược lại. Nghe rồi để đấy, hứa rồi không làm, nói một đằng làm một nẻo, đá quả bóng trách nhiệm sang chân người khác là những thói xấu của không ít cán bộ, công chức, nhất là khi họ có một chút quyền hành. Điều này cách nay hơn một nghìn năm, Nguyên Phi Ỷ Lan đã cảnh báo: “Phải xem quyền hành là một thứ đáng sợ. Danh vọng và quyền lực thường làm thay đổi con người”.

Ngày Xuân đến là khi chúng ta kỷ niệm ngày thành lập Đảng 3-2. Tết Đinh Dậu này, Đảng ta 87 tuổi. Đảng gắn bó với dân tộc, với nhân dân, ngoài lợi ích của dân tộc, nhân dân, Đảng ta không có lợi ích nào khác. Vì thế Đảng mãi trường tồn cùng dân tộc. Nhưng đó là quy luật xây dựng và phát triển của Đảng, là điều mong mỏi của nhân dân. Đảng sẽ không còn đủ mạnh, sẽ mất niềm tin của dân, thậm chí sẽ tiêu vong nếu không thường xuyên tự sửa mình.  Sinh thời Bác Hồ thường căn dặn điều trước tiên là phải “tự mình”. Tự mình nghiêm khắc với mình, tự mình cần, kiệm, liêm, chính. Như vậy thì sẽ không bị cái xấu rủ rê, không sa vào vũng bùn của chủ nghĩa cá nhân.

Ngày xuân đến là khi thức dậy trong chúng ta niềm tin, ước vọng thiêng liêng. Không kẻ thù nào có thể “phá” được khi ta không tự phá chính mình. Cái “thù địch” trong mỗi con người mới đáng sợ. Còn “thế lực thù địch” nguy hiểm thật đấy nhưng vẫn ở ngoài ta, mặc dù nó ngày càng nguy hiểm, tinh vi. Một dòng tin trên mạng xã hội, nhiều dòng tin trên mạng xã hội chưa được kiểm chứng như những mạch ngầm, để rồi đến một lúc nào đó trở thành cơn lũ lớn. Cơn lũ ấy đủ nhấn chìm một cuộc cách mạng, một dân tộc. Ngày nay ta thường nói sức mạnh mềm của văn hóa. Đối với đất nước ta, phải chăng phát huy “sức mạnh mềm” của văn hóa, chính là phát huy tài trí, bản lĩnh Việt Nam, khơi dậy truyền thống yêu nước, yêu chuộng hòa bình, tinh thần đoàn kết, khoan dung văn hóa của những người cùng gốc gác con Lạc cháu Hồng?

Non tơ, mềm mại là những nhành xuân. Ấm nồng hy vọng là nắng mai lên. Sức mạnh mềm của dân tộc ta thời công nghiệp hóa, hiện đại hóa là khối đại đoàn kết toàn dân, là văn hóa dân tộc, là trí tuệ Việt Nam, là hàm lượng tri thức trong mỗi sản phẩm làm ra từ đôi tay khéo léo của người lao động. Như sông Cầu, sông Thương quê ta mềm dải lụa, thao thiết muôn đời trong mạch đất thiêng liêng...

Tùy bút của Hải Đường

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...