Thứ sáu, 19/04/2024
Bắc giang 27 °C / 26 - 36 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Chính trị
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Hoàn thiện thể chế xây dựng Chính phủ kiến tạo

Cập nhật: 17:19 ngày 31/01/2017
Xóa bỏ rào cản về thể chế, khắc phục những lạc hậu về thể chế, nâng cao chất lượng công tác xây dựng pháp luật được coi là ưu tiên hàng đầu để hướng tới xây dựng Chính phủ kiến tạo, hành động.
{keywords}
Nâng cao chất lượng công tác xây dựng pháp luật được coi là ưu tiên hàng đầu để hướng tới xây dựng Chính phủ kiến tạo.

Nhiều luật vẫn chậm đi vào cuộc sống

Ngay sau khi Chính phủ nhiệm kỳ mới được kiện toàn, với phương châm xây dựng một Chính phủ hành động, kiến tạo, liêm chính, phục vụ phát triển, phục vụ nhân dân, trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5-2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đặc biệt nhấn mạnh vai trò của công tác xây dựng thể chế, tập trung giải quyết các điểm nghẽn về thể chế, pháp luật.

Thủ tướng đề nghị, cần kiểm điểm xem Chính phủ còn nợ đọng gì về thể chế, hướng khắc phục ra sao, còn vướng mắc gì cần tháo gỡ, nhất là trong việc thi hành Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư và thảo luận thông qua các dự án luật, pháp lệnh cụ thể.

Theo đó, năm 2016, Chính phủ đã trình Quốc hội 13 dự án Luật, 8 luật đã được thông qua. Tính đến tháng 11, các Bộ, ngành đã tham mưu cho Chính phủ ban hành gần 160 nghị định để hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh và điều chỉnh các quan hệ KT-XH; cải cách thủ tục hành chính, cải cách tổ chức bộ máy, thực hiện cơ chế tự chủ, tiền lương và trợ cấp xã hội.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng cho biết, trong quá trình xây dựng luật, cơ quan chủ trì soạn thảo rất cố gắng quy định cụ thể, hạn chế tình trạng luật khung. Từ đó giảm số lượng văn bản phải quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật.

“Đặc biệt trong việc phục vụ doanh nghiệp, Bộ đã thẩm định được chùm 50 Nghị định về đầu tư kinh doanh. Trong đó đã đề cập đến việc cắt giảm nhiều thủ tục, giấy phép con, tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp”, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng nhấn mạnh.

Trong năm 2016, Bộ Tư pháp đã tiến hành kiểm tra hơn 2.600 văn bản của các Bộ, ngành, địa phương, phát hiện 114 văn bản trái pháp luật về nội dung, thẩm quyền; đã thông báo, kiến nghị xử lý đối với 110 văn bản. Hiện nay, đã có 33 văn bản được xử lý, các văn bản còn lại đang được theo dõi, đôn đốc xử lý theo quy định của pháp luật. Song, cũng phải thẳng thắn thừa nhận, chất lượng nhiều văn bản quy phạm pháp luật chưa đạt yêu cầu, thiếu khả thi.

Nhiều văn bản luật ban hành đã trở nên lạc lõng với đời sống thực tế. Thậm chí có Luật vừa ban hành, chưa có hiệu lực thi hành đã phát hiện có những điểm bất hợp lý, không khả thi và bị đối tượng chịu sự tác động phản ứng lại. Cũng có Luật ban hành rồi nhưng do các điều khoản trong luật khá chung chung, nhiều nội dung không thi hành được do thiếu các văn bản dưới luật quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đào Quang Thu nhận định, năm 2016 nổi lên nhiều vấn đề là rất nhiều Luật, chính sách ban hành nhưng không đi vào cuộc sống được. Nhiều luật chồng chéo như Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng… rất khó khăn cho địa phương, cơ sở và doanh nghiệp trong triển khai. 

Chống lợi ích nhóm trong xây dựng thể chế

Phát biểu tại phiên họp tổng kết công tác của Ban chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ mới đây, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đã nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác xây dựng thể chế, pháp luật nhằm hướng tới xây dựng Chính phủ kiến tạo, hành động, liêm chính.

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cho rằng, trong năm tới, cần tiếp tục chú trọng công tác xây dựng thể chế, pháp luật, khắc phục cho được tình trạng xin lùi hoặc rút dự án Luật ra khỏi Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh; khắc phục tình trạng luật ống, luật khung hay những Thông tư, Nghị định được ban hành không sát thực tế.

“Việc xây dựng thể chế phải trên cơ sở tổng kết thực tiễn thông qua việc nhận phản ánh, thông tin của xã hội, qua kiến nghị của cử tri, qua phản ánh của doanh nghiệp, thông tin báo chí, công tác kiểm tra nắm tình hình của bộ máy nhà nước. Từ đó, chúng ta đánh giá những vấn đề thực tiễn đặt ra để thiết kế về chính sách. Có thiết chế chính sách phù hợp với yêu cầu thì từ đó mới đề ra đề cương, trưng cầu ý kiến, đánh giá tác động. Làm thế nào để Luật, văn bản hướng dẫn đi vào cuộc sống, đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn”, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình chỉ đạo.

Khẳng định quyết tâm mạnh mẽ chuyển từ mệnh lệnh hành chính sang kiến tạo phát triển, phục vụ người dân và doanh nghiệp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, luật pháp, chính sách phải phản ứng kịp thời hơn với mọi thay đổi, biến động của đời sống xã hội, chủ động và tập trung hơn nữa vào xây dựng pháp luật, gắn với tổ chức thực hiện có hiệu quả hơn. Với vai trò “gác cửa”, thẩm tra, Thủ tướng đề nghị Bộ Tư pháp cần tập trung tháo gỡ “điểm nghẽn” về thể chế, một trong 3 điểm nghẽn mà Đảng đã chỉ ra (cùng với điểm nghẽn về nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng).

Theo đó, Bộ Tư pháp cần chủ động tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các giải pháp để thể chế hóa đầy đủ, kịp thời, đổi mới đúng tinh thần các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ. Trong đó, phải tập trung rà soát, đề xuất, hoàn thiện thể chế liên quan đến đầu tư kinh doanh, đặc biệt chính sách hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, tháo gỡ khó khăn, tạo môi trường thuận lợi cho sản xuất kinh doanh. Đặc biệt, cần chú trọng các giải pháp nâng cao chất lượng hệ thống pháp luật, bảo đảm tính ổn định, đồng bộ, minh bạch, khả thi, giảm thủ tục hành chính, các rào cản để giảm chi phí thực thi cho người dân, doanh nghiệp.

Bộ Tư pháp phải làm tốt hơn nữa việc lập chương trình xây dựng pháp luật, phải là người chịu trách nhiệm chính về chất lượng, tiến độ của thể chế, chương trình xây dựng pháp luật. Khắc phục cho được tình trạng Quốc hội lưu ý là “nay rút, mai lùi”, làm tốt khâu thẩm định, chống lợi ích nhóm trong xây dựng thể chế.

“Chúng ta không chấp nhận văn bản pháp luật ban hành có nội dung không vì lợi ích của toàn xã hội mà vì lợi ích riêng của một bộ, một ngành nào đó. Chính bản thân Bộ Tư pháp cần rút kinh nghiệm và làm gương về những việc này. Tôi nói nôm na là không được cài cắm vào luật những nội dung không vì lợi ích chung mà để phục vụ lợi ích riêng của ngành mình hay của một nhóm người nào đó”, Thủ tướng nêu rõ. 

Theo TTXVN


Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...