Thứ bảy, 27/04/2024
Bắc giang 28 °C / 28 - 40 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Chính trị
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Điều chỉnh, áp dụng đúng chính sách dân tộc cho từng vùng, địa bàn

Cập nhật: 15:23 ngày 22/03/2017
(BGĐT) - Ngày 22-3, Đoàn giám sát do đồng chí Nguyễn Lâm Thành, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội làm trưởng đoàn làm việc với UBND tỉnh Bắc Giang về kết quả thực hiện việc phân định vùng miền núi và dân tộc thiểu số theo trình độ phát triển; phân định xã, huyện, tỉnh là miền núi, vùng cao. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ánh Dương cùng đại diện lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh tiếp và làm việc với đoàn.  

{keywords}

Đồng chí Nguyễn Lâm Thành, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội phát biểu tại buổi làm việc.

Thực hiện chính sách cho vùng dân tộc và miền núi, tỉnh Bắc Giang phân định có  6 huyện miền núi, 44 xã vùng cao, 188 xã, thị trấn được công nhận là miền núi. Điều này tạo cơ sở quan trọng để triển khai chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước đối với khu vực trên. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo vùng dân tộc giảm, không còn hộ đói. Tại buổi làm việc, Đoàn giám sát đề nghị tỉnh giải thích về một số nội dung như: Tỷ lệ hộ nghèo các xã miền núi còn cao, thu nhập đầu người thấp; có tình trạng cán bộ cấp xã không nắm rõ về tiêu chí phân định vùng; công tác giáo dục ở miền núi; những hạn chế, khó khăn trong quá trình thực hiện chính sách. 

Thay mặt lãnh đạo tỉnh, đồng chí Lê Ánh Dương trao đổi các vấn đề liên quan. Sở dĩ tỷ lệ hộ nghèo tại các xã miền núi, vùng cao vẫn lớn sau nhiều năm thực hiện các chính sách về dân tộc là do một bộ phận người dân vẫn còn trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước hoặc có tâm lý không muốn thoát nghèo. Tiêu chí về chuẩn nghèo thay đổi dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo không giảm nhiều. Trước đây, nhiều chính dân tộc áp dụng hỗ trợ cho không nên ít phát huy hiệu quả, khó khuyến khích người dân dành tâm sức nỗ lực sản xuất, vươn lên thoát nghèo. Một số cán bộ xã không hiểu về tiêu chí phân định như đoàn phản ánh, tỉnh sẽ chỉ đạo các ngành, huyện tăng cường tập huấn cho lực lượng này. 

{keywords}

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ánh Dương trao đổi một số vấn đề mà thành viên Đoàn giám sát quan tâm.

Về giáo dục, Bắc Giang luôn quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng trường chuẩn quốc gia cho các cụm trường miền núi. Tới đây, tỉnh sắp xếp các điểm trường lẻ theo lộ trình để nâng chất lượng dạy và học. Đồng chí cũng cho rằng, nhiều chính sách về dân tộc còn chồng chéo, nguồn vốn bố trí thiếu rất cần rà soát tính toán, tích hợp lại nhằm tạo thuận lợi cho các địa phương trong quá trình triển khai; nên bỏ tất cả các chính sách cho không mà chuyển sang cho vay vốn có điều kiện. Nhân dịp này, đồng chí đề nghị thay đổi tiêu chí phân định vùng. Việc phân định nên căn cứ vào địa hình, điều kiện sống để khi áp dụng chính sách mới thật sự hiệu quả. 

Kết luận buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Lâm Thành đánh giá cao sự vào cuộc tích cực của các cấp chính quyền tỉnh Bắc Giang trong thực hiện chính sách dân tộc. Nhờ vậy, bộ mặt nông thôn ở các xã vùng cao, miền núi của Bắc Giang có sự chuyển biến tích cực, nhất là hạ tầng giao thông, y tế, giáo dục. Đồng chí nhất trí với những đề xuất của tỉnh, đồng thời đề nghị thời gian tới, Bắc Giang cần đánh giá cụ thể những ưu điểm cũng như hạn chế của chính sách. Trên cơ sở đó, nghiên cứu điều chỉnh, áp dụng đúng cho từng vùng, địa bàn, bảo đảm hiệu quả; tăng cường chỉ đạo theo hướng thực hiện chính sách dân tộc gắn với xây dựng nông thôn mới; sử dụng tốt nguồn lực. Riêng việc hỗ trợ hộ dân thiếu đất sản xuất nên linh hoạt bằng hình thức hỗ trợ chuyển đổi nghề, vốn vay; tập trung thu hút doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn khó khăn. Những kiến nghị của tỉnh đoàn sẽ tổng hợp phản ánh đến cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết trong thời gian tới.

Trịnh Lan

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...