Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 29 °C / 25 - 28 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Chính trị
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Bắc Giang: Tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy HCNN theo hướng tinh gọn, hiệu quả

Cập nhật: 15:20 ngày 30/03/2017
(BGĐT) - Ngày 30-3, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Bắc Giang giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước (HCNN) giai đoạn 2011-2016 tại UBND tỉnh. Đồng chí Trần Văn Lâm, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh chủ trì. Cùng dự có đồng chí Lại Thanh Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo một số sở, ngành. 

{keywords}

Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Trần Văn Lâm phát biểu tại buổi giám sát.

Giai đoạn 2011-2016, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành và UBND các huyện, thành phố rà soát về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện; khắc phục tình trạng chồng chéo chức năng, nhiệm vụ. Đến nay, cơ cấu tổ chức của UBND tỉnh được sắp xếp lại theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu quả. Qua 5 năm giảm được 25 đơn vị sự nghiệp công lập, tinh giản 607 biên chế. Có 19 sở, cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh thực hiện cơ chế một cửa; tổng số thủ tục hành chính liên thông ở 3 cấp tỉnh, huyện, xã đạt hơn 80%. 

Để tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy HCNN, UBND tỉnh kiến nghị với Chính phủ và các bộ, ngành nghiên cứu quy định rõ chức danh, số lượng người hoạt động không chuyên trách, chế độ tiền lương của cán bộ, công chức cấp xã. Bãi bỏ Nghị định số 55/2011/NĐ-CP của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế do không còn phù hợp với tình hình thực tiễn; mở rộng đối tượng, chính sách thực hiện tinh giản biên chế của Nghị định 108. Quy định thêm chức danh công chức văn phòng đảng ủy; tăng thêm một phó chủ tịch UBND ở cấp xã loại II, III...

Tại buổi giám sát, các đại biểu đề nghị làm rõ việc thực hiện chính sách tinh giản biên chế với đội ngũ giáo viên có thực sự hợp lý trong khi tỷ lệ giáo viên đứng lớp hiện vẫn thiếu, nhất là đội ngũ giáo viên mầm non; tình trạng thừa giáo viên bậc học THCS; thiếu cán bộ y tế học đường; kế hoạch sắp xếp lại đội ngũ biên chế của Trường Cao đẳng Ngô Gia Tự sau chuyển đổi lĩnh vực đào tạo.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Đức Hiền, Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: Sở đã tham mưu với UBND tỉnh tuyển dụng giáo viên mầm non theo hình thức ký hợp đồng, không tuyển thêm biên chế, kinh phí chi trả cho đội ngũ này sẽ sử dụng một phần nguồn ngân sách tỉnh và đẩy mạnh xã hội hóa các nguồn thu trường học. Đối với đội ngũ giáo viên âm nhạc và mỹ thuật thừa theo quy định đang chờ Bộ GD&ĐT ban hành khung chương trình để đào tạo lại, sau đó sắp xếp, chuyển xuống dạy bậc mầm non. Bên cạnh đó, UBND tỉnh có văn bản hướng dẫn bố trí cán bộ y tế học đường tại các trường học trên địa bàn, ưu tiên trường mầm non. Việc điều chuyển do UBND huyện, thành phố thực hiện. Sẽ rà soát, sắp xếp lại tổ chức, bộ máy của Trường Cao đẳng Ngô Gia Tự sau khi có quyết định công nhận chuyển đổi lĩnh vực đào tạo từ đa ngành sang chuyên ngành giáo dục. 

Trả lời câu hỏi vì sao đã giải thể, sáp nhập một số trung tâm, chi cục trực thuộc nhưng không giảm biên chế và việc bổ nhiệm cấp phó hiện nay, đại diện lãnh đạo Sở Nội vụ khẳng định có tình trạng thừa lãnh đạo cấp phó trên địa bàn tỉnh do các ngành chưa có quy định cụ thể về số lượng cấp phó. Việc sáp nhập vẫn làm theo phương pháp cơ học nên tinh giản biên chế còn gặp nhiều khó khăn.

{keywords}

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lại Thanh Sơn trao đổi, làm rõ một số vấn đề tại buổi giám sát.

Ngoài ra, các đại biểu cũng tập trung trao đổi, làm rõ một số vấn đề như: Phân cấp quản lý một số lĩnh vực chưa hợp lý; hoạt động của HĐND cấp xã chưa phát huy hiệu quả; kế hoạch giảm đội ngũ cán bộ không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố; khó khăn trong thực hiện Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015; xây dựng đề án vị trí việc làm; cơ chế quản lý tài chính huyện; bộ phận “một cửa”, một cửa liên thông hoạt động kém hiệu quả... 

Đồng chí Lại Thanh Sơn tiếp thu ý kiến của Đoàn giám sát và trao đổi, làm rõ thêm một số nội dung như: Các cơ quan HCNN hiện nay vừa thực hiện chức năng quản lý nhà nước lại làm dịch vụ nên bộ máy tổ chức còn khá cồng kềnh; thực hiện xây dựng đề án vị trí việc làm vẫn  hình thức, chưa thực sự hiệu quả. Đồng thời khẳng định tính hiệu quả của bộ phận “một cửa”, một cửa liên thông và hoạt động của Trung tâm Hành chính công tỉnh là bước tiến quan trọng trong cải cách hành chính. Đồng chí cũng đề nghị các sở, ngành tiếp tục rà soát, tham mưu phương án làm tốt công tác cải cách tổ chức bộ máy HCNN; giao Sở Nội vụ làm đầu mối tổng hợp những khó khăn, bất cập và kiến nghị với UBND tỉnh cách xử lý. 

Kết luận buổi làm việc, đồng chí Trần Văn Lâm đánh giá cao những cố gắng và kết quả đạt được trong thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách bộ máy HCNN trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011-2016. Đồng thời đề nghị UBND tỉnh cần có đánh giá nghiêm túc, đầy đủ hơn và làm rõ hiệu quả sau khi cải cách bộ máy hành chính cũng như những tồn tại trong công tác này. 

Tập trung chỉ đạo khắc phục khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện và có những giải pháp hữu hiệu, nâng cao chất lượng cải cách tổ chức bộ máy HCNN trên địa bàn theo hướng tinh gọn, giảm đầu mối. Khẩn trương sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, quy mô một số đơn vị đáp ứng yêu cầu mới, quy định rõ số lượng cấp phó; quyết liệt thực hiện đúng lộ trình chính sách tinh giản biên chế theo tình hình thực tế, tránh áp dụng máy móc, rập khuôn. 

Hoài Thu

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...