Thứ sáu, 19/04/2024
Bắc giang 27 °C / 23 - 36 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Chính trị
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

“Đạo đức cách mạng không phải trên trời sa xuống”

Cập nhật: 14:05 ngày 19/05/2017
(BGĐT) - Cách đây gần 60 năm, tháng 12-1958, trước tình hình mới của cách mạng, với bút danh Trần Lực, Bác Hồ đã viết tác phẩm "Ðạo đức cách mạng" in trên Tạp chí Học tập (nay là Tạp chí Cộng sản). Bài báo quan trọng này được Nhà xuất bản Sự thật in thành sách và phát hành ngay sau đó.

{keywords}

Hồ Chủ tịch nói chuyện với cán bộ tại Hội nghị tổng kết cải cách ruộng đất ở Hiệp  Hòa (1955). Ảnh tư liệu

Trong tác phẩm này, Bác viết: “Đạo đức cách mạng không phải trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hằng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”. Đối với những ai từng trải qua năm tháng chiến tranh vô cùng gian khó, nguy hiểm, lời căn dặn của Bác được coi như Di chúc tinh thần vô giá. Trước mọi thử thách, trước cám dỗ về vật chất, những người cộng sản kiên trung đã không ngã lòng, đã đứng vững bởi họ có trong tay vũ khí - đạo đức cách mạng. Ngày nay, khi chiến tranh đã lùi xa, trong công cuộc dựng xây đất nước, “ngọc” và “vàng” vẫn luôn được mài, được luyện, dẫu rằng đâu đó có những cá nhân, những nhóm người vì lợi ích riêng mà không còn giữ được lòng dạ trong sáng.

Tháng 5 này, kỷ niệm 127 năm Ngày sinh Bác Hồ, cũng vừa tròn một năm toàn Đảng, toàn dân ta thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Chỉ thị nêu rõ: “Lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ việc triển khai thực hiện theo phương châm trên trước, dưới sau; trong trước, ngoài sau; học đi đôi với làm theo, chú trọng việc làm theo bằng những hành động và việc làm cụ thể”.  Học đi đôi với làm, nói đi đôi với làm chính là theo tư tưởng của Người: Muốn có đạo đức thì phải học, phải làm, chứ không chờ sẵn một phép lạ “từ trên trời”.  Điều này ngay từ thời La Mã cổ đại, nhà triết học M.Xi-xê-rông  đã nói: “Mọi phẩm chất của đức hạnh là ở trong hành động”. Sau này, Bác Hồ nói cụ thể hơn: “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn hàng trăm bài diễn văn tuyên truyền”.

Dịp tổng kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị  (năm 2015), có nhiều ý kiến cho rằng, việc tuyên truyền đạo đức Hồ Chí Minh, học Bác đã được thực hiện khá bài bản nhưng việc làm theo thì chưa được bao nhiêu. Chưa có nhiều tấm gương cán bộ cấp cao thật sự gương mẫu, miệng nói-tay làm-tai lắng nghe, có tầm ảnh hưởng, có sức thuyết phục, có uy tín lớn trước quần chúng.  Các điển hình học và làm theo Bác phần đông là người lao động, cựu chiến binh, thầy giáo về hưu, bí thư chi bộ thôn, nhà sư làm từ thiện... 

Tuy đã xuất hiện một số tấm gương là Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Giám đốc sở, Bí thư huyện ủy... nhưng dường như mới chỉ dừng lại ở “đổi mới tư duy”, với những ý tưởng, những câu nói ấn tượng. Người dân ít thấy những việc làm thể hiện rõ phong cách của người lãnh đạo, như gần dân, sâu sát, giản dị, khiêm tốn. Sinh thời, Bác Hồ là mẫu mực về đạo đức, phong cách. Người nói rất dễ hiểu, phong cách người cán bộ phải thể hiện trên ba phương diện: Đối với bản thân, đối với người khác, đối với công việc. Với lực lượng quân đội, công an, Người nói cụ thể hơn, về thái độ đối với Đảng, Chính phủ, nhân dân, với tự mình, với kẻ địch...

{keywords}
Bác Hồ ra đồng thăm hỏi chuyện sản xuất của nông dân.

Ta hãy nhìn gương Bác. Cả cuộc đời Bác đã sống vô cùng giản dị. Là lãnh tụ tối cao nhưng Bác luôn hòa mình với nhân dân. Đến đây tôi nhớ tới câu thơ của Hải Như: “Bác Hồ đứng người sau không bị khuất/Ta đứng, thường quên, che khuất bạn mình”.  Bác về nông thôn mặc  áo nâu sồng, quần xắn cao, guồng nước, tát nước với nông dân.  

Quyết tâm suốt đời của Đảng ta, của mỗi đảng viên: Mỗi người hãy từng ngày làm hết phận sự; hãy từng đêm kết nạp mình vào Đảng (ý nhà thơ Việt Phương). Đó là cách thiết thực nhất học tập và làm theo Bác.

Đến thăm các đơn vị bộ đội, Bác không đi ngay vào hội trường mà vòng qua khu bếp ăn tập thể. Ở Phủ Chủ tịch, Người từ chối ở căn nhà của Toàn quyền Đông dương mà về ở trong ngôi nhà nhỏ của người thợ điện. Sau này, Người trồng cây vú sữa đầu nhà, ngày ngày chăm bón để luôn nhớ về đồng bào miền Nam thân yêu! Ngày Tết, Bác đến thăm nhà những người lao động nghèo. Có chị công nhân đi gánh nước về nhà, nhìn thấy Bác đã òa khóc, không ngờ được Bác đến thăm! Bác ôn tồn bảo: “Bác không đến thăm những người như thím thì thăm ai”... 

Tết cuối cùng trong cuộc đời 79 mùa Xuân, Tết Kỷ Dậu 1969, Bác về trồng cây trên đồi Vật Lại, Ba Vì (Hà Nội). Đến trưa Bác cùng mọi người dùng cơm nắm và ngả mình trên vạt cỏ ngủ ngon lành. Hầu như không có khoảng cách giữa một vị lãnh tụ với người dân nơi thôn cùng xóm vắng. Bác căn dặn cán bộ, đảng viên, khi nói, khi viết, Người rất ít khi dùng từ “phải”, “cần”, mà thường nói “Bác mong”. Thư Trung thu năm 1946, mặc dù bận rộn công việc hệ trọng của đất nước, Bác Hồ vẫn không quên làm thơ gửi các cháu: “Bác mong các cháu chăm ngoan/Mai sau gìn giữ giang sơn Lạc Hồng”. Trung thu 1952, Bác lại viết: “Mong các cháu cố gắng/Thi đua học và hành”.

Những điều Bác mong đã đi cùng dân tộc suốt hai cuộc kháng chiến trường kỳ và công cuộc dựng xây đất nước. Nhân ngày sinh Bác năm nay, chúng ta cùng  nhớ về điều Bác mong mỏi trong suốt cả cuộc đời là làm sao cán bộ, đảng viên đi đầu “nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”. Chống chủ nghĩa cá nhân là điều Chủ tịch Hồ Chí Minh dành rất nhiều tâm huyết trong các bài viết, bài nói và trong chính cuộc sống hằng ngày. Người cho rằng, mọi thứ bệnh tham ô, hủ hóa, quan liêu, hách dịch, lười biếng, kiêu căng, đố kỵ... đều do chủ nghĩa cá nhân mà ra cả.

Ngày nay, sau hơn 30 năm đổi mới, thế và lực của đất nước đã lớn mạnh rất nhiều. Nhưng nguy cơ tụt hậu thì vẫn còn đó, như Đảng ta đã xác định. Không chỉ có nguy cơ “diễn biến hòa bình” mà còn có nguy cơ “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ và trong mỗi cá nhân. Và thật nguy hại khi chủ nghĩa cá nhân không biến mất mà nó còn tồn tại dai dẳng và lẩn khuất mọi nơi, mọi chốn. 

Nhiều khi chủ nghĩa cá nhân ẩn sau những lời nói hoa mỹ, những việc làm cốt để  lăng-xê chính mình. Lợi ích nhóm là biểu hiện cụ thể của chủ nghĩa cá nhân. Đó là những quan hệ nhằng nhịt trong nhiều tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp. Đó là rất nhiều thủ tục hành chính phiền hà. Điều này, Bác Hồ nói rất mộc mạc. Rằng, có những người việc gì cũng chỉ lo cho lợi ích riêng của mình, không quan tâm đến lợi ích chung của tập thể “miễn là mình béo, mặc thiên hạ gầy”.

{keywords}
Những cá nhân điển hình học và làm theo Bác của thành phố Bắc Giang tham quan lán Khuôn Tát - nơi Bác Hồ từng sống và làm việc tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa (Thái Nguyên).

Từ rất sớm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: “Mình có quyền dùng người thì phải dùng những người có tài năng, làm được việc. Chớ vì bà con, bầu bạn, mà kéo vào chức nọ chức kia. Chớ vì sợ mất địa vị mà dìm những kẻ có tài năng hơn mình”. Vậy mà thời gian qua ở không ít nơi đã xảy ra tình trạng cả họ, cả nhà làm quan. Rồi những cán bộ được lên chức, lên lương đến chóng mặt mặc dù tài đức chẳng hơn ai. Xem đến quy trình thì đúng cả, thậm chí còn được coi là khoa học nhưng nhiều khi chỉ là cái bình phong, là cái cớ để người đứng đầu hợp pháp hóa ý định của mình. 

Thế nên nói ông nọ bà kia sa vào chủ nghĩa cá nhân khi đưa toàn người nhà  ngồi vào những chiếc ghế béo bở nhưng hỏi đến bằng chứng thì thật là khó. Có ông trưởng đoàn đi kiểm tra tình trạng bè cánh trong công tác cán bộ đã lắc đầu than phiền: Chúng tôi làm công việc này cứ như đi trên dây. Khổ lắm, tất cả đều đúng quy trình. Kiểm tra từng lá phiếu, chả có chệch chút nào (!)

Ai cũng mong muốn phải vạch mặt chỉ tên những kẻ cơ hội, sa vào vũng lầy chủ nghĩa cá nhân. Nhưng làm sao để chỉ đúng tên và đưa họ ra khỏi đội ngũ những người lãnh đạo?  Quyết tâm chính trị ấy đã thể hiện rất rõ qua Nghị quyết T.Ư 4 về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, qua Hội nghị Trung ương 5 mới  đây. Nhưng “chiêm vừa thu hoạch thì mùa đã sang”, còn rất nhiều công việc phía trước, như  Bác Hồ đã nói: “Quyết tâm suốt đời đấu tranh cho Đảng, cho cách mạng. Đó là điều chủ chốt nhất”. 

Quyết tâm suốt đời của Đảng ta, của mỗi đảng viên: Mỗi người hãy từng ngày làm hết phận sự; hãy từng đêm kết nạp mình vào Đảng (ý nhà thơ Việt Phương). Đó là cách thiết thực nhất học tập và làm theo Bác.

Hải Đường

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...