Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 34 °C / 25 - 34 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Chính trị
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Kỳ họp thứ Ba, Quốc hội khóa XIV: Thảo luận dự án Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa

Cập nhật: 20:28 ngày 23/05/2017
(BGĐT) - Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ Ba, Quốc hội khóa XIV, chiều 23-5, các đại biểu tiến hành thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV). Đại biểu Trần Văn Lâm, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang đã góp ý một số vấn đề về tiêu chí xác định DNNVV; hỗ trợ mặt bằng sản xuất cho DN. 

{keywords}

Đồng chí Trần Văn Lâm, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang phát biểu thảo luận tại hội trường.

Đồng chí nêu ý kiến: "Luật cần bổ sung quy định chính quyền địa phương căn cứ điều kiện thực tế để bố trí quỹ đất và xây dựng cơ chế thúc đẩy hình thành các trung tâm thương mại cho thuê, địa điểm kinh doanh cho thuê với giá cả ưu đãi hợp lý để hỗ trợ DNNVV kinh doanh thương mại, dịch vụ". Về vấn đề hỗ trợ mở rộng thị trường, đồng chí Trần Văn Lâm đồng tình với chủ trương hỗ trợ DN tham gia chuỗi phân phối, song cần quy định rõ ràng hơn. Dự thảo Luật quy định Bộ, cơ quan ngang Bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương lập hoặc tham gia thành lập chuỗi phân phối sản phẩm theo hình thức đối tác công tư là không phù hợp. Cơ quan Nhà nước không nên trực tiếp tham gia vào chuỗi phân phối mà chỉ xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ. 
Sáng cùng ngày, các ĐBQH nghe Tờ trình về dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018; Tờ trình về dự kiến Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2018, sau đó các đại biểu tiến hành thảo luận tại tổ.
Tổ số 7 gồm các Đoàn ĐBQH: Bắc Giang, Cà Mau, Đồng Tháp. Qua thảo luận, các đại biểu thống nhất cao với tiêu chí lựa chọn nội dung giám sát chuyên đề là những vấn đề bức xúc, nổi lên ở tầm vĩ mô, ảnh hưởng lớn đến đời sống KT-XH, được ĐBQH, cử tri và nhân dân quan tâm, gắn với việc xây dựng thi hành pháp luật. Vấn đề giám sát không trùng với các chuyên đề đã được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành giám sát trong thời gian 18 tháng tính đến thời điểm đề xuất. Nội dung giám sát bảo đảm cân đối, phù hợp giữa các lĩnh vực. Phạm vi giám sát phù hợp với điều kiện thực hiện của các cơ quan Quốc hội.

{keywords}

Đoàn ĐBQH các tỉnh: Bắc Giang, Cà Mau và Đồng Tháp thảo luận tại tổ.

Thảo luận về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018 và điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017, các đại biểu nhất trí với 4 nguyên tắc: Ưu tiên đưa vào chương trình các dự án, dự thảo để triển khai thực hiện văn kiện Đại hội XII của Đảng, các nghị quyết, kết luận của các hội nghị Trung ương, của Bộ Chính trị, Ban Bí thư; đáp ứng yêu cầu về phát triển KT-XH, bảo đảm thực hiện Hiến pháp, các luật, pháp lệnh.
Những dự án, dự thảo được đưa vào Chương trình phải có đầy đủ hồ sơ theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Việc đưa các dự án, dự thảo vào Chương trình phải tính đến quỹ thời gian, nguồn lực, khối lượng công việc thực hiện tại mỗi kỳ họp Quốc hội và khả năng của các cơ quan có liên quan để bảo đảm chất lượng. Kiên quyết rút khỏi chương trình hoặc yêu cầu lùi thời gian trình để tiếp tục chuẩn bị đối với các dự án chưa bảo đảm chất lượng hoặc không gửi hồ sơ đúng hạn luật định.
Ngày 24-5, các ĐBQH nghe báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13; thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 và một số nội dung khác.

Tiến Hòa

(Văn phòng Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang)


Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...