Thứ năm, 02/05/2024
Bắc giang 22 °C / 23 - 30 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Chính trị
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Cần công khai quy trình vận hành công trình thủy lợi

Cập nhật: 14:44 ngày 08/06/2017
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 3, sáng 8-6, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) làm việc tại Hội trường, thảo luận, cho ý kiến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Thủy lợi. 
{keywords}

Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị Mai Thị Kim Nhung phát biểu ý kiến.

Đa dạng hóa các hình thức đầu tư, quản lý, khai thác các công trình thủy lợi 

Cho ý kiến về chính sách Nhà nước về thủy lợi, ĐB Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn) dẫn chứng: Hiện trạng thủy lợi nước ta với 904 hệ thống thủy lợi lớn và vừa; gần 7.000 hồ các loại; hơn 10.000 đập dâng, với hàng nghìn km đê biển. Trong đó có nhiều công trình (CT) mới nhưng cũng có nhiều CT đã xuống cấp cần nguồn vốn lớn để duy tu, bảo dưỡng và phát triển. 

Dự án Luật có 8 khoản chính sách, trong đó, 2 khoản quy định ưu tiên, ưu đãi, 5 khoản quy định hỗ trợ và 1 khoản quy định khuyến khích. Với nội dung như vậy, ĐB thấy rằng dường như vẫn xác định vai trò đầu tư của Nhà nước là chính, chưa thể hiện được định hướng căn bản trong chính sách, phương thức quản lý đối với hoạt động thủy lợi. Cần bổ sung một khoản trong chính sách là: Đa dạng hóa các hình thức đầu tư, quản lý, khai thác các công trình thủy lợi. Quy định như vậy nhằm để tương thích với một số điểm đã quy định về dịch vụ thủy lợi tại Chương 5: Quyền và trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong hoạt động thủy lợi. 

"Khi Luật có hiệu lực, cơ chế phí của thủy lợi giờ chuyển sang giá cơ chế thị trường, trong lộ trình chuyển đổi như vậy, việc đa dạng hóa các nguồn lực đầu tư xã hội cho việc đầu tư phát triển thủy lợi là hướng đi cần phải được đề cập ở đây" - ĐB Nguyễn Lâm Thành nhấn mạnh. 

ĐB Dương Tuấn Quân (Bà Rịa-Vũng Tàu) cũng băn khoăn về tính khả thi của quy định "người sử dụng sản phẩm, dịch vụ thủy lợi chịu trách nhiệm đầu tư xây dựng công trình thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng'', bởi có hai tình huống có thể xảy ra. ĐB phân tích: Khi Luật có hiệu lực thi hành sẽ chuyển từ thủy lợi phí sang giá sản phẩm dịch vụ thủy lợi. Các tổ chức, cá nhân phải trả tiền để sử dụng dịch vụ thủy lợi; ngoài ra họ phải chịu thêm phí đầu tư xây dựng công trình đấu nối với hệ thống dẫn nước chính, thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng. Quy định như vậy sẽ tạo nên áp lực gánh nặng về kinh tế đối với người nông dân. 

Tình huống thứ hai là trường hợp khu đất canh tác của người nông dân nằm cách xa công trình thủy lợi, đầu mối công trình thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng phải đi qua khu đất của người khác mà họ không đồng ý xây dựng công trình thủy lợi đấu nối đi qua, sẽ khó thực hiện. Vì vậy, Ban soạn thảo nên nghiên cứu theo hướng tạo thuận lợi hơn với người nông dân. 

Cần công khai quy trình vận hành, khai thác công trình thủy lợi 

Đối với quy định về quy trình vận hành công trình thủy lợi, ĐB Dương Tuấn Quân nêu quan điểm: Dự án Luật đã quy định rõ về thẩm quyền, trách nhiệm lập, điều chỉnh quy trình vận hành công trình thủy lợi của các cơ quan, đơn vị trong phạm vi quản lý nhưng cần bổ sung thêm một khoản quy định về quy trình vận hành công trình thủy lợi phải được công bố, công khai rộng rãi để người dân, người sử dụng dịch vụ thủy lợi và các bên liên quan có thể theo dõi, giám sát... ĐB đề nghị cần bổ sung quy định để bảo đảm quy trình vận hành công trình thủy lợi được an toàn, đạt hiệu quả cao, đồng thời giúp người nông dân biết rõ để điều tiết hoạt động cho phù hợp, tránh thiệt hại về tài sản, tính mạng của người dân trong khu vực thủy lợi. 

Cùng ý kiến, ĐB Mai Thị Kim Nhung (Quảng Trị) khẳng định quy trình vận hành công trình thủy lợi là điều kiện cơ bản, tiên quyết để đưa vào khai thác công trình thủy lợi. Tuy nhiên, thực tế hiện nay còn có một số công trình thủy lợi đang khai thác mà chưa có quy trình vận hành vì vậy tại điểm d quy định đối với công trình thủy lợi đang khai thác mà chưa có quy trình vận hành, tổ chức, cá nhân khai thác công trình thủy lợi có trách nhiệm quy trình vận hành trình cấp có thẩm quyền phê duyệt là quy định mở để xử lý các trường hợp cụ thể này. Nhưng khi Luật Thủy lợi có hiệu lực, quy định như thế này sẽ dễ tạo ra sự lợi dụng khe hở của pháp luật để chây ỳ, đùn đẩy hoặc bỏ qua trong việc thực hiện xây dựng quy trình vận hành công trình thủy lợi. Đại biểu kiến nghị cần xem xét quy định lại điểm d khoản 2 điều này theo hướng ràng buộc trách nhiệm trong việc lập và thực hiện quy trình vận hành công trình thủy lợi. 

Từ trách nhiệm lập, thực hiện quy trình vận hành công trình thủy lợi, theo ĐB Nhung, tại quy định về quản lý công trình thủy lợi, ngoài những nhiệm vụ mà điều Luật đã nêu ra, cần bổ sung thêm nhiệm vụ giám sát vận hành công trình thủy lợi. Giám sát rất quan trọng đối với quy trình vận hành các công trình thủy lợi nhằm hạn chế sai phạm của các cơ quan chủ quản, tránh gây ra thiệt hại về tính mạng, tài sản cho nhân dân và cả công trình thủy lợi. 

Thực tế trong thời gian qua có những trường hợp các chủ thể khai thác, vận hành các công trình thủy lợi biết hậu quả của việc vận hành không đúng quy trình nhưng vẫn cố ý vi phạm, gây hậu quả nghiêm trọng. Lấy một số ví dụ điển hình, đại biểu cho rằng để bảo đảm các chủ thể khai thác, vận hành các công trình thủy lợi vận hành đúng quy trình cần giám sát chặt chẽ việc vận hành từ phía cơ quan chủ quản đối với các công trình thủy lợi. 

Theo TTXVN


Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...